Mỹ - Nhật lúng túng đối phó với tên lửa Triều Tiên

Tác giả: cafebiz

saosaosaosaosao
Chính trị 19/09/2017 14:48

Hôm thứ Sáu 15/09/2017, Triều Tiên lại bắn một tên lửa đạn đạo liên lục địa ngang qua Nhật Bản.

northkorea-missiles2_dbjw

Triều Tiên phóng tên lửa Hwasong-12. Ảnh do hãng tin KCNA của Triều Tiên đăng ngày 16/09/2017

Theo Bộ Tư lệnh lực lượng Thái Bình Dương của Mỹ, chưa bao giờ một tên lửa Triều Tiên được bắn xa như thế, vượt qua đoạn đường dài 3.700 km ngang qua đảo Hokkaido trước khi rơi xuống Thái Bình Dương.

Nhưng cũng như lần trước, cả quân đội Nhật lẫn quân đội Mỹ đều đã không cố bắn rơi tên lửa của Bình Nhưỡng.

Một dân biểu Cộng Hòa của Quốc Hội Mỹ, bà Dana Rohrabacher, đã yêu cầu là lần sau phải bắn rơi tên lửa Triều Tiên, để gửi một thông điệp cứng rắn đến Bình Nhưỡng, cũng như để trấn an những người đang trông chờ vào Hoa Kỳ, như Nhật Bản.

Hai chuyên gia Evans Revere và Jonathan Pollack, thuộc Viện nghiên cứu Brookings Institution, cũng đã khuyến cáo Hoa Kỳ phải tuyên bố rằng, kể từ nay, mọi tên lửa bắn về phía Hoa Kỳ hay một nước đồng minh của Mỹ đều sẽ bị xem là một mối đe dọa trực tiếp và Hoa Kỳ cùng các đồng minh phải đáp trả bằng toàn bộ khả năng phòng thủ của mình.

Hôm thứ Sáu tuần trước, cả Hoa Kỳ lẫn Nhật Bản đều đã không xem tên lửa Triều Tiên là mối đe dọa trực tiếp. Theo lời phát ngôn viên Lầu Năm Góc Rob Manning, nếu tên lửa đó là mối đe dọa trực tiếp thì Mỹ đã bắn rơi.

Nhưng thật sự thì Nhật và Hoa Kỳ đang có trong tay những vũ khí gì trước những tên lửa của Triều Tiên?

Hiện giờ, quân đội Nhật được trang bị các dàn tên lửa Patriot, có thể bắn chặn tên lửa bay thấp, và tên lửa SM-3 được phát triển với sự trợ giúp của Mỹ. Tên lửa SM-3 thể được dùng để bắn chặn những tên lửa tầm ngắn và tầm trung bay ở độ cao.

Tỷ lệ thành công của những công nghệ tên lửa nói trên không đạt 100%, nhưng đã chứng tỏ khả năng bắn chặn các tên lửa liên lục địa trong các cuộc thử nghiệm của Lầu Năm Góc.

Tuy vậy, theo nhà nghiên cứu Bruce Klinger, Heritage Foundation, tên lửa mà Triều Tiên bắn hôm thứ Sáu tuần trước đã bay rất cao, cho nên không một hệ thống tên lửa nào trong khu vực, kể cả SM-3, có thể bắn chặn được.

Mặt khác, quần đảo Nhật Bản quá rộng, nên rất khó bảo vệ toàn bộ lãnh thổ trước một tên lửa. Ngoài ra, như ghi nhận của giáo sư quan hệ quốc tế Akira Kato, Đại học J. F. Oberlin, Tokyo, rất khó mà xác định được ngay tên lửa đó có phải là mối đe dọa trực tiếp đối với lãnh thổ Nhật hay không.

Ngoài hạn chế về kỹ thuật, còn có một hạn chế về chính trị: Hiến pháp hiện hành của Nhật Bản chỉ cho phép nước này có hành động quân sự mang tính phòng thủ. Cho tới nay, chủ trương của Tokyo vẫn là chỉ bắn chặn những tên lửa nào có thể rơi vào lãnh thổ Nhật và đây không phải là trường hợp của tên lửa mà Triều Tiên bắn hôm thứ Sáu tuần trước, như giải thích của giáo sư Hideshi Takesada, chuyên gia về Triều Tiên của Đại học Takushoku.

Do những hạn chế đó mà Nhật Bản và Hoa Kỳ cho tới nay không bắn chặn tên lửa Triều Tiên, vì nếu bắn hụt thì sẽ gây hoảng loạn trong khu vực và cho Bình Nhưỡng thấy khả năng phòng thủ của Nhật còn yếu.

Theo tờ New York Times, một ngày trước khi Bình Nhưỡng bắn tên lửa thứ Sáu tuần trước, Hoa Kỳ đã biết được là Triều Tiên đang bơm nhiên liệu vào tên lửa đó.

Lầu Năm Góc đang muốn phát triển các công nghệ giúp bắn chặn tên lửa ngay sau khi nó được phóng lên, tức là khi hỏa tiễn còn chứa đầy nhiên liệu và còn bay chậm. Nhưng như vậy thì phải bắn tên lửa từ những địa điểm nằm gần hơn.

Hoa Kỳ và Nhật Bản cũng có thể mở các cuộc tấn công tin học hoặc dùng máy bay không người lái có khả năng bắn rơi các tên lửa liên lục địa ngay sau khi được phóng lên.

Ý kiến của bạn

Bình luận