Dù Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un không đi đến môt thỏa thuận chung nào sau 2 ngày đàm phán tại Việt Nam song theo các chuyên gia kinh tế điều này cũng không gây bất cứ tác động tiêu cực nào tới quan hệ kinh tế song phương giữa Việt Nam và Mỹ hay Việt Nam và Triều Tiên.
“Việt Nam đã thể hiện thiện chí tốt với cả hai quốc gia là Mỹ và Triều Tiên. Hình ảnh của Việt Nam trong mắt những người bạn quốc tế vẫn tốt đẹp. Vậy Việt Nam không có lý do gì để quan ngại về quan hệ giao thương, thương mại đối với các quốc gia này”, bà Phạm Thị Hoàng Anh, chuyên gia kinh tế, khẳng định.
Theo vị chuyên gia này, bản thân Tổng thống Mỹ Donald Trump rất quý Việt Nam. Chưa có đời Tổng thống nào sang Việt Nam 2 lần liên tiếp trong thời gian khá gần nhau như ông Donald Trump.
Ông Donald Trump có mối quan hệ với Việt Nam rất tốt. Trong khi đó, về kinh tế, kim ngạch xuất nhập khẩu song phương giữa 2 nước Việt – Mỹ đã chạm ngưỡng 60 tỷ USD. Chính vì vậy, việc Mỹ không đi đến thỏa hiệp nào đối với Triều Tiên cũng không tạo áp lực đối với mối quan hệ kinh tế song phương giữa hai quốc gia.
“Thậm chí, với niềm tin của Tổng thống Mỹ Donald Trump dành cho Việt Nam khi lựa chọn Việt Nam là điểm gặp mặt giữa hai nhà lãnh đạo cấp cao Mỹ - Triều Tiên, nhiều khả năng thương mại giữa 2 nước sẽ ngày càng tốt hơn trong thời gian tới.
Trong ngày 27.2 vừa qua, Việt Nam cũng đã ký kết thương mại với Mỹ với trị giá lên tới 21,3 tỷ USD. Điều này đã làm giảm thâm hụt thương mại từ Mỹ với Việt Nam. Rõ ràng, cả Mỹ và Việt Nam đều có những lợi ích nhãn tiền từ hội nghị lần này”, bà Hoàng Anh phân tích.
Xét trong mối quan hệ với nền kinh tế Triều Tiên, nếu Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un đi đến một thỏa thuận chung thì Việt Nam sẽ hưởng lợi từ nhiều mặt. Ví dụ như trở thành trung gian đầu tư sang Triều Tiên hay đẩy mạnh xuất khẩu nông sản sang Triều Tiên.
Tuy nhiên, không đạt thỏa thuận chung không có nghĩa rằng cơ hội của Việt Nam không còn. Cơ hội có nhưng sẽ khó khăn hơn song về cơ bản kinh tế Việt Nam và Triều Tiên cũng không hề bị tác động.
“Về phía Mỹ, trước mắt chắc chắn Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ không hỗ trợ Triều Tiên phát triển kinh tế như những gì ông đã từng đề cập trong 2 ngày 27 và 28.2 này. Điều này đồng nghĩa với việc Triều Tiên sẽ khó tránh khỏi tụt hậu về kinh tế”, chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu khẳng định.
Ông Hiếu cho rằng, vấn đề trọng tâm và mang tính quyết định của Tổng thống Mỹ đối với Triều Tiên chính là vấn đề hạt nhân, vấn đề chính trị. Chính vì thế, khi thỏa thuận không đạt được, đối với cường quốc kinh tế lớn nhất thế giới này, bức tranh kinh tế không hề bị tác động.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.