Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer. Ảnh: Reuters. |
Sức ép thương mại do Washington tạo ra không chỉ gói gọn vào các đối tượng chính như Trung Quốc và Liên minh châu Âu (EU), các nền kinh tế nhỏ bé hơn nhưng phụ thuộc lớn vào thị trường tiêu thụ của Mỹ cũng dần trở thành mục tiêu.
Hàng loạt quốc gia kém phát triển hơn từ lâu đã được hưởng chương trình ưu đãi thuế suất cho hàng nghìn sản phẩm xuất khẩu vào Mỹ. Nhưng sau khi Tổng thống Trump tiếp quản Nhà Trắng, Washington đã xem xét lại chính sách này. Ưu đãi thuế quan có thể sẽ sớm chấm dứt với nhiều quốc gia.
Mới đây, chính quyền Trump đưa Thổ Nhĩ Kỳ vào tầm ngắm khi tước bỏ ưu đãi thuế quan đối với hàng hóa xuất khẩu sang Mỹ, sau khi đã tăng thuế đánh vào nhôm thép của nước này.
Cây gậy của Washington
Công cụ mà chính quyền Trump nhắm vào là chương trình có tên Chế độ Ưu đãi Thuế quan Phổ cập (GSP). Đây là chương trình ra đời từ năm 1976 nhằm hỗ trợ sự phát triển kinh tế của các nước nghèo thông qua việc cấp ưu đãi miễn thuế với hàng nghìn mặt hàng xuất khẩu vào Mỹ, từ phụ tùng ôtô tới đá quý. Khoảng 121 quốc gia hiện được hưởng ưu đãi này.
Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ (USTR) có thẩm quyền xem xét một quốc gia liệu có còn đủ điều kiện nằm trong danh sách hưởng ưu đãi này hay không. Trong vài thập kỷ qua, việc văn phòng này xem xét lại tư cách hưởng ưu đãi của các quốc gia luôn diễn ra sau khi có yêu cầu khiếu nại của các nhóm thương mại hoặc liên đoàn lao động tại Mỹ.
Từ tháng 10/2017, chính quyền Mỹ khởi xướng một quy trình mới, mà theo Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer là thông qua việc đánh giá lại tư cách hưởng ưu đãi của các quốc gia để giành lại "sân chơi công bằng cho các doanh nghiệp Mỹ".
Vòng đánh giá đầu tiên của USTR nhắm vào 25 quốc gia châu Á - Thái Bình Dương. Các nước tại Trung Đông và Đông Âu sẽ bị sớm bị đưa vào tầm ngắm, dự kiến vào mùa thu năm nay.
Các đối tác thương mại của Mỹ bị thẩm tra liệu họ có tạo ra cơ hội tiếp cận thị trường nội địa hợp lý và công bằng cho các doanh nghiệp nước ngoài, trong đó trọng tâm nhắm tới các rào cản thương mại và đầu tư.
Deborah Elms, giám đốc điều hành của Trung tâm Thương mại châu Á tại Singapore, cho rằng Mỹ sử dụng biện pháp tái đánh giá tư cách hưởng ưu đãi miễn thuế nhằm buộc các quốc gia ngồi vào bàn đàm phán thỏa thuận thương mại song phương hoặc buộc họ nhượng bộ thương mại. Phương pháp này tỏ ra hiệu quả đối với nhiều quốc gia bởi đơn giản Mỹ là một thị trường quá rộng lớn.
Về phía Mỹ, thiệt hại từ biện pháp này không đáng là bao. Trong năm 2016, chỉ khoảng 1% hàng hóa nhập khẩu vào Mỹ nằm trong danh sách được hưởng ưu đãi, chiếm 19 tỷ USD trong tổng số 2.200 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu.
Thị trường Mỹ là quá béo bở với các nước nghèo. Ảnh: Reuters. |
Dẫu nhỏ bé so với Mỹ, 19 tỷ USD vẫn là con số khổng lồ với các nước nghèo. Những người ủng hộ GSP cho rằng chương trình này là cần thiết và đáng để Mỹ hy sinh một chút lợi ích nhằm giúp các nước nghèo phát triển nền kinh tế.
Cách tiếp cận mới của Washington về GSP rõ ràng nhằm phục vụ mục tiêu của Tổng thống Trump nhằm giảm nhẹ thâm hụt thương mại khổng lồ Mỹ hiện gánh chịu. Đây cũng không phải lần đầu tiên chính quyền Trump sử dụng sức mạnh khổng lồ của nền kinh tế Mỹ để gây sức ép lên các đối thủ. Trước đó, Washington cũng áp thuế lên nhôm, thép, máy giặt và pin mặt trời nhập khẩu, dựa trên cơ sở một điều khoản luật thương mại đã không sử dụng trong nhiều năm.
Những nạn nhân tại châu Á
Thổ Nhĩ Kỳ, quốc gia mới nhất bị tước ưu đãi miễn thuế, bị USTR cáo buộc không tạo điều kiện cho các doanh nghiệp Mỹ tiếp cận thị trường công bằng, chỉ ra nhiều loại thuế đánh vào hàng hóa Mỹ. Việc Mỹ xem xét lại tư cách hưởng ưu đãi miễn thuế của Thổ Nhĩ Kỳ diễn ra trong bối cảnh Washington tìm cách gây sức ép lên Ankara cả về kinh tế lẫn chính trị.
"Chúng tôi hy vọng Thổ Nhĩ Kỳ sẽ phối hợp để giải quyết các quan ngại đã dẫn tới việc tái đánh giá tư cách hưởng ưu đãi miễn thuế", Jeffrey Gerrish, quan chức của USTR, cho biết.
Hồi đầu năm, Washington từng đánh thuế vào nhôm và thép của Thổ Nhĩ Kỳ. Ankara đáp trả bằng thuế tương ứng đánh vào thuốc lá, gạo và ôtô của Mỹ. Hôm 10/8, Tổng thống Trump tuyên bố tăng gấp đôi thuế nhập khẩu đánh vào nhôm và thép Thổ Nhĩ Kỳ, khiến đồng nội tệ nước này lập tức giảm 20% giá trị.
Thái Lan, Indonesia và Ấn Độ cũng bị cảnh báo có thể sẽ bị tước một số ưu đãi miễn thuế. Danh sách những nước bị cảnh báo có thể tăng lên nhanh chóng trong vài tháng tới khi Mỹ xem xét lại chính sách thương mại với các nước khác ở châu Á, trọng tâm hiện giờ của tham vọng "thương mại công bằng" của Tổng thống Trump.
Hồi tháng 5, chính phủ Mỹ tuyên bố xem xét lại tư cách hưởng ưu đãi của Thái Lan sau khi nhận khiếu nại từ Ủy ban Các nhà sản xuất thịt lợn Quốc gia Mỹ, cáo buộc Bangkok hầu như không cấp phép nhập khẩu cho thịt lợn có xuất xứ từ Mỹ.
Hơn 10 năm qua, Thái Lan cấm nhập khẩu thịt lợn chứa hormone Ractopamine, vốn được nhiều nông dân Mỹ sử dụng trong chăn nuôi. Đối với các lô thịt lợn không chứa Ractopamine, Bangkok thu phí kiểm dịch ở mức cao khiến giá thịt lợn Mỹ đội lên nhiều so với thịt lợn Thái Lan.
Sau cảnh báo từ Washington, các liên đoàn chăn nuôi lợn từ 6 tỉnh của Thái Lan đã gửi tâm thư tới Tổng thống Trump, đề nghị Mỹ chấm dứt gây sức ép buộc Thái Lan chấp nhận thịt lợn từ Mỹ trong bối cảnh nguồn cung thịt lợn đã vượt quá nhiều lần mức cầu của thị trường nội địa.
"Điều này (tiếp nhận thịt lợn Mỹ nhập khẩu) sẽ mang lại thảm họa không lường trước được cho nông dân Thái Lan", bức thư có đoạn.
Anan Tridechapong, một phát ngôn viên của Hiệp hội Nuôi lợn Thái Lan, cho biết các hộ chăn nuôi nhỏ hiện đã vô cùng khó khăn vì giá thịt lợn giảm sâu trên thị trường nội địa. Nếu thịt lợn từ Mỹ được cấp phép xâm nhập thị trường, tình hình sẽ càng tồi tệ hơn.
Tới nay, quyết định về tư cách hưởng ưu đãi miễn thuế của Thái Lan vẫn còn để ngỏ. Trong năm 2017, Thái Lan xuất khẩu khoảng 4.2 tỷ USD hàng hóa theo chương trình GSP, chiếm 13% tổng giá trị xuất khấu của Thái Lan vào Mỹ.
Trong khi đó, Indonesia hồi tháng 4 bị USTR cáo buộc áp dụng hàng loạt rào cản thương mại và đầu tư, gây ra "tác động tiêu cực nghiêm trọng" đối với các doanh nghiệp Mỹ. Khoảng 2 tỷ USD trong tổng số 20 tỷ USD hàng hóa Indonesia nhập khẩu vào Mỹ thuộc chương trình GSP, trong đó có máy móc và hóa chất.
Tới cuối tháng 7, một nhóm quan chức cấp cao của chính phủ Indonesia gồm cả Bộ trưởng Thương mại Enggartiasto Lukita đã phải đích thân tới Washington để bào chữa cho Jakarta với hy vọng quốc gia Đông Nam Á tiếp tục được "ở lại" với chương trình ưu đãi. Mặc dù vậy, Bộ trưởng Lukita từ chối bình luận về chuyến đi này. Quyết định về trường hợp của Indonesia hiện vẫn chưa được Washington đưa ra.
Tư cách của Ấn Độ trong chương trình GSP hiện cũng bị xem xét do các vấn đề về tiếp cận thị trường. Các doanh nghiệp bơ sữa và thiết bị y tế Mỹ cho biết họ gặp nhiều rào cản thương mại khi tiếp cận thị trường Ấn Độ. Khoảng 5,6 tỷ USD hàng hóa của Ấn Độ nhập khẩu vào Mỹ nằm trong danh sách hưởng ưu đãi.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.