Theo Bloomberg Innovation Index, chỉ số xếp hạng mức độ sáng tạo của các nền kinh tế trên toàn thế giới, lần đầu tiên trong 6 năm qua cường quốc số 1 thế giới là Mỹ đã bị loại khỏi top 10. Hàn Quốc và Thụy Điển tiếp tục giữ vững vị trí số 1 và số 2.
Bloomberg đã chấm điểm các quốc gia dựa trên 7 tiêu chí, trong đó có đầu tư cho hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D) và mức độ tập trung các công ty niêm yết hoạt động trong lĩnh vực công nghệ cao.
Mỹ bị đẩy từ vị trí thứ 9 của năm ngoái xuống số 11 chủ yếu là bởi vì bị giảm 8 điểm ở tiêu chí hiệu quả giáo dục, thể hiện qua nhiều chỉ số trong đó có tỷ trọng các sinh viên tốt nghiệp ngành khoa học mới và kỹ sư trong tổng lực lượng lao động. Các ngành sản xuất tạo thêm giá trị gia tăng cũng bị suy giảm. Dù điểm số về năng suất được cải thiện nhưng không thể bù đắp lại các tiêu chí bị mất điểm.
Robert D. Atkinson, Chủ tịch Quỹ ITIF (Washington), nhận định xu hướng này sẽ tiếp tục diễn ra. "Các quốc gia khác đã có các chính sách rất thông minh để thúc đẩy sáng tạo như ưu đãi thuế cho lĩnh vực R&D, giành nhiều ngân sách hơn cho nghiên cứu và các sáng kiến giúp thương mại hóa công nghệ mới".
Các nước đứng đầu bảng xếp hạng. Nguồn: Bloomberg. |
Trong bảng xếp hạng năm nay, Singapore đã vượt lên trên các nền kinh tế châu Âu như Đức, Thụy Sĩ và Phần Lan để xếp ở vị trí số 3. Thế mạnh của Singapore nằm ở chỗ nước này luôn chú trọng đến giáo dục, đặc biệt là tuân thủ chương trình STEM ( cụm từ viết tắt của Khoa Học, Công Nghệ, Kỹ Thuật và Toán Học). Singapore cũng đầu tư mạnh cho R&D.
Hàn Quốc đã ở vị trí số 1 suốt 5 năm liên tiếp. Từ năm 2000 đến nay, Samsung Electronics, công ty có giá trị vốn hóa lớn nhất Hàn Quốc, có lượng bằng sáng chế nhiều hơn bất kỳ công ty nào trừ IBM. Đủ các loại sản phẩm công nghệ từ chip bán dẫn, điện thoại thông minh đến thiết bị truyền thông kỹ thuật số tạo thành 1 hệ sinh thái phong phú tương tự như những gì Nhật Bản đã làm việc với Sony và Toyota.
Trung Quốc tiến thêm 2 bậc, lên vị trí số 19 nhờ tỷ lệ kỹ sư công nghệ trong lực lượng lao động tăng lên và các tập đoàn như Huawei có thêm nhiều bằng sáng chế.
Theo Prinn Panitchpakdi, giám đốc chi nhánh Thái Lan của hãng môi giới CLSA, đặc điểm chung của Mỹ, Hàn Quốc và Trung Quốc là chấp nhận thất bại là một phần của quá trình. Những nước quá thận trọng, ngại rủi ro và coi tiền dành cho R&D là 1 chi phí chứ không phải khoản đầu tư thì sẽ bị rớt lại. Thái Lan là 1 ví dụ.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.