Mỹ chật vật lấp chỗ trống của hai chiến hạm bị đâm

Tác giả: cafebiz

saosaosaosaosao
Sản phẩm 23/08/2017 06:18

Việc hai khu trục hạm trang bị hệ thống Aegis liên tiếp gặp nạn khiến hải quân Mỹ gặp nhiều khó khăn trong duy trì hiện diện toàn cầu.


 

19-1_UCRO

Tàu John S. McCain sau khi bị đâm ngoài khơi Singapore. Ảnh:Reuters.

Chỉ trong hai tháng, lực lượng hải quân Mỹ ở Thái Bình Dương hứng chịu tổn thất nghiêm trọng khi hai tàu khu trục tên lửa dẫn đường trang bị hệ thống chiến đấu Aegis va chạm với tàu hàng và bị hư hỏng nặng. Sau tàu USS Fitzgerald, chiến hạm thứ hai là tàu khu trục USS John S. McCain có thể sẽ phải nằm bờ sửa chữa trong thời gian dài vì bị tàu chở dầu Alnic MC đâm thủng một lỗ lớn.

Sự cố này cũng bộc lộ điểm yếu của hải quân Mỹ. Lực lượng này cần các khí tài đánh chặn để đối phó với các mối đe dọa trong khu vực, đặc biệt là từ Triều Tiên, trong khi chưa thể tìm ra cách hiệu quả để giảm tổn thất cho hạm đội 275 tàu chiến, theo National Interest.

"Hạm đội tàu chiến Mỹ vốn đã mỏng nay càng bị dàn trải hơn. Việc mất hai khu trục hạm trong lá chắn phòng thủ tên lửa đạn đạo, giữa lúc Triều Tiên đang đe dọa tấn công các mục tiêu Mỹ và đồng minh, là điều đáng tiếc và không đáng có. Hải quân Mỹ cần phải tăng cường huấn luyện để tránh những tai nạn tương tự", ông Seth Cropsey, giám đốc Trung tâm Sức mạnh Hải quân Mỹ cho biết.

Ông Bryan McGrath, giám đốc hãng tư vấn FerryBridge Group, cũng đồng tình với đánh giá của Cropsey, cho rằng việc mất hai khu trục hạm trang bị hệ thống Aegis để lại lỗ hổng đáng kể trong hạm đội vốn đã quá mỏng của Mỹ, khó đáp ứng được nhiệm vụ tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Chuyên gia Bryan Clark từ trung tâm Đánh giá Chiến lược và Ngân sách (CBSA) cho rằng việc lấp chỗ trống này không hề dễ dàng. Hải quân Mỹ buộc phải giảm bớt hoạt động, trong khi nhiệm vụ của 10 tàu tuần dương và khu trục hạm còn lại sẽ nặng nề hơn. Một giải pháp khác là triển khai thêm chiến hạm từ Hawaii hoặc lục địa Mỹ.

Mỹ có thể phải tái biên chế lực lượng khinh hạm lớp Oliver Hazard Perry. Ảnh:Wikipedia.

Trên thực tế, hải quân Mỹ đang phải chật vật thực hiện sứ mệnh toàn cầu. "Khối lượng công việc quá lớn ở lực lượng hải quân tiền phương có thể là một nguyên nhân dẫn đến va chạm. Nếu USS Fitzgerald và USS John S. McCain nằm trong kế hoạch tối ưu hóa hiện diện toàn cầu, hải quân Mỹ sẽ phải điều thêm 5 chiến hạm để lấp chỗ trống của chúng", chuyên gia Clark nhận định.

Do hạm đội tàu chiến chịu áp lực lớn, hải quân Mỹ chỉ có cách tận dụng thời gian triển khai tác chiến để kết hợp với huấn luyện. Việc duy trì 275 chiến hạm với 100 tàu sẵn sàng triển khai vào mọi thời điểm không phải điều dễ dàng. Mỹ cần tăng số lượng tàu chiến mặt nước cỡ nhỏ và rẻ hơn, như khinh hạm đa nhiệm mới để đảm nhận nhiệm vụ tuần tra và tác chiến tiền phương. Trong khi đó, các khu trục hạm lớp Arleigh Burke sẽ tập trung vào nhiệm vụ phòng thủ tên lửa.

"Washington cần 50-75 khinh hạm, cũng như triển khai thêm tàu ngầm tấn công nhanh để lấp khoảng trống hiện nay", ông Clark nhận định. Tuy nhiên, việc đóng tàu mới sẽ mất rất nhiều thời gian, khiến hải quân Mỹ có thể phải tìm đến giải pháp tái biên chế các khinh hạm lớp Oliver Hazard Perry trong tương lai.

Ý kiến của bạn

Bình luận