Siêu máy tính Sunway TaihuLight do Trung Quốc sản xuất. |
Trong thời gian qua, những nỗ lực trở thành cường quốc công nghệ của Trung Quốc đã khiến cho nhiều lãnh đạo Mỹ lo lắng. Và sự lo lắng này đang phần nào thể hiện qua căng thẳng thương mại Mỹ - Trung hiện nay.
Cả hai nước đang đe doạ sẽ đánh thuế tới hàng chục tỷ USD các mặt hàng xuất khẩu của nhau. Trong vài ngày tới, các cố vấn kinh tế của Tổng thống Donald Trump sẽ tới Trung Quốc để thảo luận về các tranh chấp thương mại.
Tuy nhiên CNN Money đã dẫn lại ý kiến của nhiều chuyên gia, cho rằng chính phủ Mỹ cần có phản ứng thông minh hơn trong thời điểm này.
Mỹ đang thực hiện chính sách nhằm hạn chế các công ty công nghệ được chính phủ Trung Quốc hỗ trợ có được các công nghệ nhạy cảm từ các công ty Mỹ.
Mối quan tâm lớn nhất lúc này là chương trình “Made in China 2025”.
Đây là kế hoạch chính phủ Trung Quốc sẽ “bơm” hàng trăm tỷ USD vào các ngành robot, xe điện, điện toán để Trung Quốc dẫn đầu thế giới trong ngành này.
Các sản phẩm trên của Trung Quốc đang bị Mỹ đề xuất đánh thuế cao nhưng nhiều nhà phân tích cho rằng điều này sẽ không tạo ra sự khác biệt lớn.
Theo ông James Lewis, Phó Chủ tịch Trung tâm Nghiên Cứu chiến lược và Quốc tế tại Washington: “Làm chậm việc phát triển công nghệ của Trung Quốc không phải là mục tiêu hợp lý. Thay vào đó, Mỹ cần tập trung vào việc làm thế nào để Bắc Kinh làm theo quy tắc như các nước khác”.
Từ phía Mỹ và các đồng minh của mình, những nước này có thể cùng nhau tạo ra các rào cản để hạn chế Trung Quốc tiếp cận công nghệ của phương Tây.
Nhưng vẫn theo ông James Lewis: “Mối quan hệ giữa Trung Quốc và Mỹ về công nghệ là rất sâu và đan xen, rất khó để tách ra. Trung Quốc vẫn là đối tác cơ bản”.
Chủ tịch Hội đồng Công nghiệp Công nghệ Thông tin Dean Garfield trong một bức thư gửi Bộ trưởng Tài chính Steven: “Thay vì thuế quan, chúng tôi ủng hộ xây dựng một liên minh quốc tế có thể thách thức Trung Quốc tại WTO (Tổ chức Thương mại Thế giới)”.
Để gây được áp lực với Trung Quốc, ép nước này phải làm theo các quy định quốc tế, nhiều chuyên gia tại Mỹ và các công ty công nghệ cho rằng chính phủ Hoa Kỳ nên cùng với các nước chịu ảnh hưởng bởi chính sách công nghệ Trung Quốc xây dựng một liên minh thống nhất.
Tuy nhiên việc tạo ra một liên minh lúc này không phải dễ dàng với Mỹ.
Chính quyền Tổng thống Trump đã tạo ra hàng rào thuế, đe doạ thép, nhôm nhập khẩu vào Mỹ từ Trung Quốc và cả các đồng minh như Liên minh châu Âu, Canada.
Xem xét lại đầu tư của Mỹ vào công nghệ
Mỹ hiện nay là quốc gia có các nhà nghiên cứu, trường đại học hàng đầu thế giới.
Thung lũng Silicon vẫn là trung tâm nghiên cứu toàn cầu của ngành công nghệ cao.
Nhưng quốc gia này đang tụt lại khi nói đến vấn đề cấp kinh phí từ nhà nước cho nghiên cứu phát triển công nghệ.
Ông Lewis cho rằng: “Trung Quốc có ít tiền hơn Mỹ nhưng họ lại sẵn sàng chi số tiền này. Mỹ cần tìm một cách đầu tư mới cho khoa học và công nghệ”.
Hoạt động mua lại một phần các công ty công nghệ Mỹ của Trung Quốc cũng bị kiểm soát.
Giống như Tổng thống Obama, Tổng thống Donald Trump cũng đã chặn một số thương vụ mua lại từ Trung Quốc vì lo ngại công nghệ nhạy cảm.
Phản ứng của Trung Quốc
Trước các cáo buộc của chính quyền Tổng thống Trump về hành vi trộm cắp sở hữu trí tuệ, Trung Quốc đều thực hiện biện pháp bác bỏ các cáo buộc này.
Trong khi đó truyền thông trong nước Trung Quốc cũng đang bảo vệ ngành công nghệ trong nước.
Gần đây 2 công ty công nghệ lớn của nước này là ZTE và Huawei đã bị chính quyền Mỹ đặt ra một số hạn chế. Trong đó các công ty Mỹ bị cấm bán các linh kiện, phần mềm cho ZTE và cả ZTE và Huawei đều bị cấm bán thiết bị trong doanh trại quân đội Mỹ.
Theo ông Louis Kuijs, người đứng đầu bộ phận châu Á của công ty nghiên cứu Oxford Economics: “Các hành động hiện tại của Mỹ sẽ dẫn đến việc Trung Quốc tăng gấp đôi các nỗ lực của mình trong việc tự phát triển công nghệ”.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.