Mỹ điều “siêu máy bay chữa cháy” tới dập lửa rừng Amazon

Tác giả: bizlive

saosaosaosaosao
Sản phẩm 26/08/2019 16:03

Máy bay B747-400 SuperTanker của Mỹ tham gia chữa cháy rừng tại Bolivia từ hôm 24/8 có thể thả gần 72.000 lít nước mỗi chuyến.

supertanker-2-001-8198-1566786152_hoef (1)

Chiếc SuperTanker biểu diễn thả nước chữa cháy tại Mỹ. Ảnh: Airliners.

Công ty Global SuperTanker có trụ sở tại Mỹ hôm 23/8 cho biết họ đã triển khai máy bay Boeing 747-400 SuperTanker tới tham gia chữa cháy rừng Amazon theo yêu cầu của Tổng thống Bolivia Evo Morales. Máy bay đã thực hiện ít nhất 4 chuyến chữa cháy trong ngày 24/8, tham gia vào nỗ lực dập tắt ngọn lửa dữ dội tại khu vực Chiquitania, phía đông Bolivia.

Tổng thống Morales hồi đầu tuần trước cho biết ông đã ra lệnh thuê chiếc SuperTanker này để hỗ trợ nỗ lực chữa cháy rừng tại khu vực Chiquitania. "Chiếc SuperTanker và các trực thăng đang nỗ lực dập lửa. Tôi biết ơn nỗ lực của những người đang làm công việc khó khăn này. Chúng ta sẽ cùng tham gia trận chiến chống lại ngọn lửa", Tổng thống Morales hôm 24/8 viết trên Twitter.

Máy bay Boeing 747-400 SuperTanker được mệnh danh là "siêu máy bay chữa cháy", nằm trong nhóm các vận tải cơ cực lớn (VLAT) dành cho nhiệm vụ chữa cháy. Nó có thể thả gần 72.000 lít nước và hóa chất dập lửa trong mỗi lần cất cánh.

Rừng Amazon trải rộng trên lãnh thổ 8 quốc gia Nam Mỹ, trong đó phần lớn diện tích nằm tại Brazil. Đây được coi là "lá phổi" quan trọng của thế giới nhờ khả năng tạo ra tới 20% lượng khí oxy toàn cầu.

Số liệu của chính phủ Brazil cho thấy rừng Amazon đang trải qua nạn cháy rừng kỷ lục với 73.000 vụ hỏa hoạn trong 8 tháng đầu năm nay, tăng 83% so với cùng kỳ năm ngoái và cao nhất kể từ năm 2013.

Quân đội Brazil đã huy động hai vận tải cơ chữa cháy C-130 Hercules để dập đám cháy rừng tại bang miền tây Rondonia. Tuy nhiên, mỗi chiếc C-130 chỉ có thể mang khoảng 12.000 lít nước trong mỗi lần cất cánh làm nhiệm vụ. Tổng thống Mỹ Donald Trump trước đó cam kết sẽ hỗ trợ Brazil dập cháy rừng, nhưng chưa đưa ra các quyết định cụ thể.

 Theo Tổ chức Bảo tồn Quốc tế, nạn cháy rừng ở Amazon năm nay tồi tệ hơn do ảnh hưởng từ hiện tượng El Nino bắt đầu từ 2019. Nikola Alexandre, người phụ trách nỗ lực phục hồi toàn cầu của tổ chức này, rừng mưa Amazon có thể mất khoảng 20 năm để khôi phục sau các đám cháy và khoảng một thế kỷ để trở về hiện trạng như trước khi bị hỏa hoạn.

Ý kiến của bạn

Bình luận