Mỹ lợi dụng người Thổ phá A2/AD của Nga?

Chính trị 19/03/2017 16:52

Chuyên gia Mỹ cảnh báo việc Nga thiết lập các vùng A2/AD ở Biển Đen và Syria đe dọa nghiệm trọng lợi ích an ninh của Thổ Nhĩ Kỳ.

photo1489582209632-1489582210068-0-14-259-432-crop

 Nga đưa hệ thống phòng thủ bờ Bastion tới Crimea.

Ra đòn dằn mặt

Trang mạng nationalinterest.com của Mỹ cho rằng chiến lược thiết lập các vùng chống tiếp cận/chống xâm nhập (A2/AD) của Nga ở Biển Đen và Syria đang đe dọa Thổ Nhĩ Kỳ và sườn phía Đông Nam Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).

Các vùng nhạy cảm này khiến Ankara lo ngại bởi một vài lý do. Trước hết, chúng đặt dấu chấm hết cho thế thượng phong mà Thổ Nhĩ Kỳ đã có ở Biển Đen, Biển Aegean và vùng Đông Địa Trung Hải từ sau Chiến tranh Lạnh.

Điều này cũng có nghĩa Thổ Nhĩ Kỳ phải tái phân bổ các nguồn lực khỏi các mục tiêu đầy tham vọng về xây dựng lực lượng sang 

Mặc dù quan hệ Nga-Thổ những tháng gần đây đã có nhiều biến chuyển song tương lai vẫn chưa rõ ràng. Nếu một cuộc khủng hoảng tương tự những gì diễn ra sau vụ Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ máy bay Su-24 của Nga hồi tháng 11/2015 bùng phát, Ankara sẽ bước vào một cuộc xung đột nghiêm trọng với Moskva.

Tháng 5/2014, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu công bố chương trình củng cố hải quân trị giá 2,43 tỷ USD, bao gồm việc triển khai hệ thống phòng không mới trên mặt đất vào năm 2020, tăng cường lực lượng cũng như tàu ngầm nhằm thúc đẩy năng lực của hạm đội hải quân Nga ở Biển Đen.

Tháng 3/2015, Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố Nga đã lắp đặt hệ thống phòng thủ tên lửa ven biển cơ động Bastion ở Crimea.

Tới ngày 12/8 năm đó, hãng tin RT đưa tin hệ thống phòng không tên lửa tân tiến nhất của Nga là S-400 đã được triển khai tại bán đảo này để củng cố năng lực quốc phòng bên cạnh các khẩu đội S-300v4 (SA-23 Gladiator) và hệ thống pháo phòng không PANTSIR S-1.

Việc tân trang và nâng cấp các boongke có từ thời Liên Xô cũ cũng như các trạm radar cảnh báo sớm, song song với việc triển khai các trang thiết bị công nghệ cao, đã biến Crimea trở thành trung tâm của một khu vực sắp trở thành vùng A2/AD mới của Nga ở Biển Đen.

Cách đó 1.000 km về phía Nam, tại thành phố cảng Tartus của Syria, mọi chuyện cũng diễn ra theo chiều hướng tương tự. Tàu sân bay Đô đốc Kuznetsov và các tàu hộ tống, được hỗ trợ bởi các tên lửa hành trình chống hạm Bastion (ASCM), hệ thống tên lửa đất đối không S-300 và S-400, cũng như các tên lửa hành trình phóng từ tàu ngầm (ALCM).

Giới chuyên gia Mỹ nhận định việc thiết lập một khu vực A2/AD khiến Nga trở thành một mối đe dọa rất khó ngăn chặn, và trở thành điều đáng báo động đối với Thổ Nhĩ Kỳ, quốc gia có các cảng biển và lãnh thổ duyên hải nằm trong các khu vực A2/AD mà Nga mới xây dựng nên.

Bên cạnh các vấn đề hải quân và quân sự, “các bong bóng” A2/AD này của Nga còn đe dọa hoạt động thương mại của Ankara. Đối với một quốc gia phụ thuộc nhiều vào hoạt động thương mại nước ngoài như Thổ Nhĩ Kỳ, sự hiện diện của một vùng A2/AD của Nga tại Syria có thể trở thành mối đe dọa nghiêm trọng trong ngắn hạn.

Chiêu khích tướng

Trước thách thức từ phía Nga, chiến lược của hải quân Thổ Nhĩ Kỳ dựa trên những quan điểm có từ khi quốc gia này chiếm ưu thế và có nhiều ảnh hưởng về cả chất và lượng ở Biển Đen, Biển Aegean, và Đông Địa Trung Hải. Chiến lược hải quân của Thổ Nhĩ Kỳ hiện tập trung vào việc bảo vệ chủ quyền lãnh thổ và vô hiệu hóa những mối đe dọa đối với quyền và lợi ích của họ ở các vùng biển lân cận.

Thứ tự các ưu tiên hàng đầu của lực lượng Hải quân Thổ Nhĩ Kỳ lần lượt là kiểm soát các vùng biển, triển khai lực lượng và tấn công các mục tiêu trên đất liền từ trên biển.

Ngăn chặn tiếp cận trên biển chỉ xếp thứ 4 trong các ưu tiên của Ankara. Điều này chi phối các kế hoạch hiện đại hóa của Hải quân Thổ Nhĩ Kỳ, với các dự án mua sắm trang thiết bị để củng cố năng lực quốc phòng, như tàu khu trục lớp I có trang bị tên lửa chống hạm, các tàu khu trục TF-2000 AAW, cùng nhiều phương tiện hiện đại khác…

Tuy nhiên, Thổ Nhĩ Kỳ cần phải đối diện với thực tế đáng lo ngại hiện nay. Ở Biển Đen, việc Nga triển khai có kế hoạch các phương tiện tham chiến như tàu khu trục lớp Grigorovich hay tàu ngầm chạy bằng động cơ diesel lớp Varshavyanka (nâng cấp từ tàu ngầm lớp Kilo) đang giúp Moskva dần chiếm ưu thế.

Tờ báo Mỹ cũng cảnh báo Thổ Nhĩ Kỳ rằng Moskva ngày càng hung hăng và khó đoán, đang tiến gần hơn tới việc hoàn tất hai khu vực A2/AD bao trọn phía Bắc và phía Nam Thổ Nhĩ Kỳ, hạn chế đáng kể khả năng hoạt động trên biển và trên không của quốc gia này.

Bởi lẽ đó, giới chuyên gia Mỹ cho rằng đã đến lúc Ankara cần định hướng lại chiến lược hải quân của mình và tăng cường năng lực thiết lập A2/AD nhằm khẳng định và thực thi quyền kiểm soát hàng hải.

Thực tế việc kiểm soát các vùng biển chủ quyền là nhiệm vụ không hề đơn giản và cũng rất tốn kém đối với lực lượng hải quân, nhất là của các quốc gia có nhiều vùng giáp biển như Thổ Nhĩ Kỳ.

Trừ khi có những công nghệ chống tên lửa cực kỳ tân tiến, các chiến lược A2/AD, với khả năng tiến hành các cuộc tấn công rầm rộ, có thể nói là vượt trội hơn hẳn hoạt động phòng thủ dựa vào chiến hạm.

Thổ Nhĩ Kỳ cũng đã có những bước tiến với các hệ thống vũ khí có thể sử dụng để thiết lập một vùng A2/AD, như các kỹ thuật tên lửa chống hạm (dự án ATMACA) hay tên lửa phóng từ tàu ngầm (tên lửa mẫu B-1 có tầm bắn khoảng 180 km và được trang bị hệ thống tìm kiếm mục tiêu tự động).

Các cải tiến này dù là khá ấn tượng, song thực tế chưa đủ. Các chuyên gia Mỹ cho rằng Thổ Nhĩ Kỳ cần khai thác và phát triển các kỹ thuật tên lửa hành trình tầm xa và biến thành một chiến lược hải quân hiệu quả và có tính ứng dụng.

Để làm được điều này, Ankara cần đầu tư và phát triển các tên lửa ven biển với tầm bắn khoảng 300km, song song cùng với các bệ phóng linh hoạt và hệ thống dẫn đường hiện đại.

Với vị trí địa lý đặc biệt nằm giữa Biển Đen và Địa Trung Hải, với đường bờ biển kéo dài, việc sở hữu các vũ khí cơ động và hệ thống giám sát trên đất liền sẽ là lực đẩy đáng kể đối với Hải quân Thổ Nhĩ Kỳ, giúp nước này đối phó với các tham vọng của Nga, bảo vệ vùng biển và vùng trời của mình khỏi các hành vi xâm lược hay đe dọa lợi ích quốc gia.

Sự hiện diện của các A2/AD cũng cho phép Thổ Nhĩ Kỳ đáp trả và chuẩn bị trước trong trường hợp những bình luận mang tính chỉ trích của tân Tổng thống Mỹ Donald Trump từ trong chiến dịch tranh cử trở thành hiện thực.

Ông từng tuyên bố rằng các đồng minh NATO của Mỹ phải tự gánh vác phần việc của mình, không thể dựa dẫm vô điều kiện vào các đảm bảo an ninh của Mỹ và phải tự tăng cường năng lực bằng cách tăng ngân sách quốc phòng.

Mối quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ và các đối tác NATO sau cuộc đảo chính 7/2016 đang bị suy yếu. Nếu quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ và phương Tây bị hủy hoại, sự hiện diện của các khu vực A2/AD có thể càng trở nên cần thiết.

Ý kiến của bạn

Bình luận