Tàu USS O’Bannon. Ảnh: Life |
Ngày 5/4/1943, tàu khu trục Mỹ USS O’Bannon được trang bị dàn vũ khí hùng hậu bao gồm 17 khẩu pháo phòng không, loạt ống phóng ngư lôi, vô số súng máy đạn 38 li và bom chìm, nhưng bất ngờ củ khoai tây mới chính là thứ "vũ khí" cứu sống con tàu cùng thủy thủ đoàn khỏi một vụ chạm trán với tàu ngầm Nhật Bản trên Thái Bình Dương.
Tại thời điểm đó, tàu O’Bannon lớp Fletcher, được đưa vào hoạt động năm 1942, làm nhiệm vụ hỗ trợ trên vùng biển Nam Thái Bình Dương đã hơn một năm. Đêm hôm ấy, tàu và thủy thủ đoàn đang trở về vị trí sau khi hoàn thành sứ mệnh oanh tạc gần quần đảo Solomon thì phát hiện một tàu ngầm RO-34 của kẻ địch nổi lên mặt nước.
Trước sự ngạc nhiên của lính Hải quân Mỹ, tàu ngầm Nhật Bản đã hoàn toàn không hay biết về sự hiện diện của con tàu khu trục nặng 2.000 tấn, ngay cả những thủy thủ làm nhiệm vụ quan sát song lại ngủ gật ở trên boong tàu - theo lời kể của thủy thủ Ernest Herr với "Destroyer History Foundation".
Nóng lòng dập mối họa tiềm tàng trước khi nó có cơ hội bùng phát, thuyền trưởng tàu O’Bannon quyết định đâm vào tàu ngầm, hy vọng cú đâm sẽ đủ gây hư hại để đánh chìm con tàu 1.000 tấn của quân địch. Đó là kịch bản khi mọi chuyện trở nên tồi tệ.
"Thuyền trưởng và các sĩ quan khác ở trong phòng điều khiển đã cố gắng xác định loại tàu ngầm và kết luận, vào phút cuối, rằng nó có thể là một tàu thả mìn", ông Herr thuật lại, "Không muốn bị nổ tung cùng với tàu ngầm, quyết định được đưa ra rằng đâm chìm không phải một động thái sáng suốt.
Vào giây phút cuối cùng, bánh lái đã bị bẻ ngoặt để tránh va chạm và chúng tôi thấy mình rơi vào một tình huống lúng túng khi chúng tôi chạy dọc theo mạn tàu ngầm Nhật Bản".
Toán lính Mỹ nhận thấy họ đã tiếp cận quá sát tàu ngầm đến nỗi không thể bắn được những vũ khí tầm ngắn nhất. Các thủy thủ O’Bannon cũng không mang theo vũ khí cầm tay ở trên boong tàu nên họ có rất ít cơ hội để bảo vệ chính mình.
Khi đó, các thủy thủ Nhật Bản, giờ đã hoàn toàn tỉnh táo, bắt đầu chạy về hướng những khẩu pháo trên boong tàu – trong tầm bắn hoàn hảo để gây ra thiệt hại nặng cho con tàu Mỹ. Lính trên tàu O’Bannan luống cuống như "gà mắc tóc".
Điều cần làm lúc này là chuyển hướng sự chú ý của thủy thủ đoàn Nhật Bản ra xa chỗ các khẩu súng đủ để O’Bannan lấy lại được tầm bắn. Mệnh lệnh này buộc các binh sĩ Mỹ lùng sục khắp boong tàu, tóm lấy bất cứ thứ gì mà họ có thể ném xuống tàu ngầm.
Tình cờ, trên boong tàu đang chở những thùng lớn chất đầy khoai tây nên chúng được chọn làm thứ vũ khí để tự vệ. Khoai bay như mưa xuống tàu ngầm khiến thủy thủ tại đây hoang mang tột độ.
Bởi lẽ, trời tối như mực và có thể do họ còn ngái ngủ, cộng thêm yếu tố quá mất bình tĩnh nên đã làm các sĩ quan Nhật Bản tưởng lầm khoai tây thành lựu đạn. Họ vội vàng nhặt "lựu đạn" và quăng chúng xuống biển cũng như ném trả về phía tàu Mỹ nhanh nhất có thể.
"Trận chiến" khoai tây đã đem đến cơ hội đánh lạc hướng đủ để tàu O’Bannon chạy ra xa. Và rồi trận chiến thực sự bắt đầu. Ở khoảng cách đủ xa để khai hỏa vũ khí, O’Bannon đã trút một đợt tấn công vào tàu RO-34.
Tàu ngầm bị một vài hư hại nhưng đã kịp thời lặn xuống nước để tránh nạn, ít nhất là trong giây lát. Tuy nhiên, tàu O’Bannon nhanh chóng chạy đến vùng nước phía trên RO-34 nhằm thả bom chìm tấn công. Kết cục, tàu Nhật Bản đã không gặp may mắn, toàn bộ 66 người bên trong đều thiệt mạng.
Tờ Metro News đăng bài về "trận chiến khoai tây" qua lời kể của các thủy thủ Mỹ. Ảnh: The Destroyer History Foundation |
Thông tin về trận chiến khoai tây đã nhanh chóng lan truyền về nước Mỹ. Thủy thủ đoàn tàu O’Bannon được khen ngợi là những anh hùng khéo léo và nhanh trí.
Về phần tàu khu trục USS O’Bannon, nó đã làm nhiệm vụ suốt Thế chiến thứ hai và cuộc chiến tranh Triều Tiên, trở thành một trong những tàu chiến được tặng thưởng nhiều huy chương nhất lịch sử Hải quân Mỹ.
Con tàu đã bị tháo dỡ thành sắt vụn năm 1970 song nó sẽ mãi mãi được nhớ đến với sự góp mặt ở một trong số những trận chiến khác thường nhất Thế chiến thứ hai.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.