Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường chủ trì Hội nghị |
Bộ GTVT đi đầu về DVC trực tuyến
Trong thời gian qua, Bộ GTVT đã xây dựng và triển khai hiệu quả hệ thống DVC trực tuyến, tạo thuận lợi, giảm thời gian và chi phí cho người dân và doanh nghiệp khi thực hiện thủ tục hành chính. Số lượng hồ sơ thực hiện theo phương thức trực tuyến ngày càng tăng. Với các kết quả đã đạt được, Hội Tin học Việt Nam, trong báo cáo đánh giá chỉ số sẵn sàng ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) (chỉ số ICT Index - công bố tháng 3/2017), đã đánh giá Bộ GTVT xếp số 1 về chỉ số DVC trực tuyến, còn Bộ Thông tin và Truyền thông, tại báo cáo đánh giá mức độ ứng dụng CNTT trong các cơ quan nhà nước năm 2016, đánh giá Bộ GTVT xếp hạng 2 về số lượng DVC trực tuyến.
Theo Trung tâm CNTT, tính đến thời điểm hiện tại, tổng số thủ tục hành chính (TTHC) trong lĩnh vực GTVT là 551 TTHC, trong đó Bộ GTVT đang cung cấp 234 DVC trực tuyến mức độ 3, 4. Tổng số hồ sơ thực hiện theo phương thức trực tuyến là 270.325 hồ sơ, trong đó hoàn thành giải quyết (trả kết quả) là 213.432 hồ sơ, đạt tỷ lệ 78,9%. Số hồ sơ thực hiện trực tuyến năm 2015 là 19.028 hồ sơ; năm 2016 là 142.016 hồ sơ; 5 tháng đầu năm 2017 là 108.736 hồ sơ. Hiện tại, trong số các đơn vị triển khai DVC của Bộ, Cục Đường thủy nội địa Việt Nam và Cục Đường sắt Việt Nam là hai đơn vị hoàn thành cung cấp 100% dịch vụ công trực tuyến tối thiểu ở mức độ 3 theo yêu cầu của Nghị quyết 36a/NQ-CP ngày 14/10/2016 của Chính phủ về Chính phủ điện tử.
Ông Lê Thanh Tùng- Phó Giám đốc Trung tâm CNTT, Trung tâm CNTT được Bộ giao chủ trì xây dựng và quản lý, vận hành Dự án thí điểm cơ chế hải quan một cửa quốc gia của Bộ. Tính đến ngày 15/5/2017, đã có 12 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 4 được chính thức vận hành trên Cổng thông tin một cửa quốc gia, trong đó đã hoàn thành giải quyết 81.141/92.401 hồ sơ trong lĩnh vực Hàng hải, 26.452/27.882 hồ sơ trong lĩnh vực Đăng kiểm. Theo thống kê của Tổng cục Hải quan (cơ quan thường trực Ban chỉ đạo Quốc gia về Cơ chế một cửa quốc gia), tính đến tháng 11/2016 số lượng doanh nghiệp tham gia cơ chế một cửa quốc gia của Bộ GTVT là 4610 doanh nghiệp, chiếm 53% số lượng doanh nghiệp tham gia cơ chế một cửa quốc gia; số lượng hồ sơ của Bộ GTVT giải quyết trên Cổng thông tin một cửa quốc gia chiếm 47,63% tổng số hồ sơ.
Về lĩnh vực đăng kiểm, hiện nay đã triển khai trên toàn quốc đối với các thủ tục kiểm tra an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với xe và động cơ nhập khẩu. Về số hồ sơ có 27.882 hồ sơ nộp trực tuyến, đã hoàn thành giải quyết 95,2% hồ sơ, cấp 249.522 giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật bảo vệ môi trường. Cục Đăng kiểm Việt Nam đã hoàn toàn tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả theo hình thức trực tuyến, hiện còn rất ít hồ sơ nộp trực tiếp.
“Cục Đăng kiểm Việt Nam mong muốn nâng mức độ DVC trực tuyến lên cấp độ cao hơn trong thời gian ngắn nhưng nguồn lực còn hạn chế, vì vậy chúng tôi xác định những nhóm nào quan trọng, nhiều người sử dụng thì làm trước”, ông Trần Kỳ Hình – Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam cho biết.
Còn đối với đường thủy nội địa, do việc phối hợp của các Bộ trên cổng thông tin một cửa quốc gia chưa đồng bộ nên kết quả triển khai còn hạn chế.
Thứ trưởng mong muốn các đơn vị các đơn vị tích cực hơn nữa để các dịch vụ công trực tuyến của Bộ có tính thực tiễn, có hiệu quả cao. |
Phấn đấu cơ bản sử dụng DVC cấp độ 3,4
Theo Trung tâm CNTT Mặc dù các đơn vị thuộc Bộ đã tích cực phối hợp giải quyết các vấn đề gặp phải trong quá trình xây dựng và triển khai các DVC trực tuyến, tuy nhiên vẫn còn một số khó khăn vướng mắc cần tiếp tục được tháo gỡ trong thời gian tới liên quan đến pháp lý, sự phối hợp liên ngành, tuyên truyền, nhận thức của cán bộ khi xây dựng và áp dụng DVC và về kinh phí.
Cụ thể, về pháp lý, đến nay mới chỉ có 2 văn bản quy định về việc thực hiện các thủ tục hành chính theo phương thức điện tử trong lĩnh vực Hàng hải. Còn lại các DVC trực tuyến khác đang thực hiện theo các quy định giải quyết thủ tục theo hình thức trực tiếp, vì vậy hiện nay vẫn còn nhiều vướng mắc khi thực hiện các thủ tục hành chính theo phương thức điện tử. Quy định về các thủ tục hành chính có nhiều thay đổi, dẫn tới khó khăn trong việc xây dựng, vận hành các DVC trực tuyến.
Các DVC trực tuyến của Bộ GTVT tham gia cơ chế một cửa quốc gia cần có sự tham gia của nhiều bộ/ngành vì vậy để hoàn toàn giải quyết một hồ sơ trực tuyến cần có sự phối hợp đồng bộ của các đơn vị tham gia, tuy nhiên hiện nay công tác này rất hạn chế.
Kết luận Hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường đánh giá cao báo cáo của Trung tâm CNTT trong xem xét, đánh giá nhiều khía cạnh quá trình triển khai dịch vụ công trực tuyến thời gian qua. Thứ trưởng đề nghị để tăng tỷ lệ người dân và doanh nghiệp sử dụng dịch vụ công trực tuyến trong thời gian tới các cơ quan cung cấp dịch vụ công của Bộ phải tiếp tục tăng cường tuyên truyền rộng rãi tiện ích của dịch vụ tới người dân, đồng thời nghiên cứu chỉnh sửa hệ thống phần mềm để sao cho ngoài việc dễ sử dụng hơn nữa còn phải có giao diện bắt mắt, sử dụng được trên mọi thiết bị có kết nối internet như điện thoại thông minh, máy tính bảng..., tập trung xây dựng các thủ tục người dân có nhu cầu lớn có lượng hồ sơ hàng năm nhiều. Bên cạnh đó, Vụ Pháp chế phối hợp với Trung tâm CNTT, các Tổng cục, Cục rà soát tính pháp lý của thủ tục, dịch vụ công, thống nhất các mẫu biểu của thủ tục giấy và thủ tục điện tử, kịp thời cập nhật hệ thống phần mềm khi các thủ tục thay đổi.
“Trung tâm CNTT xây dựng lộ trình để làm sao các Tổng cục, Cục đến năm 2018 cơ bản hoàn thành việc cung cấp các dịch vụ công bằng hình thức trực tuyến và năm 2019 toàn bộ các dịch vụ công của Bộ là dịch vụ công trực tuyến”, Thứ trưởng nhấn mạnh.
Thứ trưởng cũng mong muốn các đơn vị các đơn vị tích cực hơn nữa để các dịch vụ công trực tuyến của Bộ có tính thực tiễn, có hiệu quả cao, đáp ứng được nhu cầu của người dân và doanh nghiệp và quan trọng là người dân và doanh nghiệp cảm thấy có nhu cầu thực sự trong sử dụng các dịch vụ trực tuyến của Bộ GTVT.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.