Năm 2020 sẽ triển khai thu phí không dừng trên toàn quốc

Tác giả: Thuỳ Dương

saosaosaosaosao
Giao thông 24h 02/03/2016 15:35

Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường yêu cầu cá đơn vị thực hiện đúng tiến độ đến năm 2020, toàn quốc sẽ sử dụng trạm thu phí không dừng.

MJM_8047
Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường chủ trì cuộc họp.

Sáng 2/3, Bộ GTVT tổ chức cuộc họp kiểm điểm tiến độ triển khai công tác thu phí không dừng trên các dự án BOT mở rộng Quốc lộ 1 và đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên.

Phát biểu tại buổi họp, Thứ trưởng phụ trách Bộ GTVT Nguyễn Hồng trường cho biết, trong thời gian qua, đặc biệt là thời điểm trước và sau Tết Nguyên đán, các ngày cuối tuần, tình trạng ùn tắc tại các trạm thu phí vẫn diễn ra. Một trong những nguyên nhân dẫn đến sự ùn tắc này là do số cửa không đáp ứng được. Trước tình trạng đó, cụ thể ví dụ như trạm thu phí Pháp Vân - Cầu Giẽ, Bộ yêu cầu mở thêm số cửa, hiện nay có tất cả 16 cửa, gấp 4 lần số làn nhưng vẫn ùn tắc mà trong các năm tới, theo báo cáo của cơ quan công an, tốc độ tăng trưởng ô tô cá nhân tăng nhanh. Do đó, việc lắp đặt hệ thống thu phí tự động không dừng là rất cần thiết và là yêu cầu bắt buộc với tất cả các nhà đầu tư BOT. Quá trình lắp đặt phải có lộ trình cụ thể và ưu việt nhất là lắp đặt toàn bộ cửa tự động.

Bộ đã nghiên cứu và áp dụng triển khai công nghệ thu phí tự động theo công nghệ của Mỹ. Đây là công nghệ được đánh giá hiện đại nhất thế giới và Đài Loan là quốc gia đã áp dụng rất hiệu quả công nghệ này và Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý cho áp dụng thí điểm công nghệ thu phí không dừng RFID trên QL1 và QL14. Đồng thời, Bộ GTVT đã yêu cầu thí điểm ở 30 trạm thu phí ở Nghệ An, Quảng Bình, Tây Nguyên và chuyển giao nguyên công nghệ, cho đến nay đã có gần 2000 khách hàng sử dụng. 

Tuy nhiên, Thứ trưởng cho biết sau khi Chính phủ ban hành Nghị định 15/2015/NĐ-CP về đầu tư theo hình thức đối tác công tư, tất cả các bước phải làm lại từ đầu, phải lập lại phương án, chọn lại nhà đầu tư… 

“Bộ GTVT đã đưa ra lộ trình là hết năm nay, phải cơ phải phải hoàn thiện xong tất cả các dự án BOT trên địa bàn cả nước, ít nhất phải có một nửa là cửa tự động. Đồng thời đến cuối năm 2018 phải lắp đặt xong toàn bộ và đến 2020 chuyển sang thu phí tự động không dừng”, Thứ trưởng nhấn mạnh.

tramthuphi1-9166d-1337
Trạm thu phí không dừng đầu tiên trên Quốc lộ 1A đã chính thức thu phí từ ngày 6/7/2015.

Tại cuộc họp, đại diện cho các nhà đầu tư, ngân hàng đầu tư cũng chia sẻ, trình bày những khó khăn, thắc mắc trong việc thực hiện cũng như triển khai công nghệ.

Về phía nhà đầu tư, ngân hàng BIVD đã sẵn sàng tiếp nhận và tài trợ vốn để triển khai các dự án. Hiện nay, ngân hàng đã thí điểm và thực hiện thành công giao dịch, tiền thu phí chuyển vào tài khoản nhà đầu tư trong ngày, không bị thất thoát. Còn phía ngân hàng mong muốn Bộ hoàn tất thủ tục chọn nhà đầu tư để cho vay dự án, đồng thời đề nghị các đơn vị thu phí sớm ký và nhanh chóng triển khai. Đồng thời, Bộ GTVT hướng dẫn đăng ký, triển khai đồng bộ thủ tục, tuyên truyền cho người dân dán thẻ E-Tag…

Về phía các đơn vị thu phí, các đơn vị đều thống nhất với chủ trương của Bộ đưa ra. Tuy nhiên, bên cạnh những lợi ích của việc áp dụng thu phí không dừng, các đơn vị còn tồn tại một số vướng mắc.

Cụ thể, ông Ngô Trọng Nghĩa- Phó Tổng giám đốc CIENCO 4 và ông Trần Văn Thạnh - Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Sông Đà cho rằng khi áp dụng việc thu phí không dừng thì những nhân công đang làm việc tại các trạm thu phí hiện nay sẽ như thế nào, trong đó có một số trường hợp là hợp đồng dài hạn, các công ty đề nghị Bộ và nhà đầu tư Tasco có hướng dẫn cụ thể để đơn vị triển khai.

Trước vấn đề này, Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường cho rằng, trong thu phí không dừng vẫn cần phải có một nguồn nhân lực và yêu cầu nhà đầu tư Công ty Cổ phần Tasco không đưa thêm người vào các đơn vị thu phí mà đào tạo chính nguồn nhân lực của các đơn vị đó để vận hành trạm thu phí.

Ngoài vấn đề về nguồn nhân lực, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Sông Đà Trần Văn Thạnh còn đưa ra vấn đề, nếu đang vận hành thu phí không dừng mà gặp sự cố thì sẽ khắc phục như thế nào vì trạm thu phí do công ty quản lý đều nằm ở vùng sát biển, có độ hao mòn nhanh hơn những nơi khác. Theo ông Thạnh, thu phí không dừng là một chuỗi đồng bộ hệ thống do đó nếu một đơn vị bị ngưng hoạt động trong một thời gian dù ngắn cũng sẽ ảnh hưởng tới các đơn vị khác. Do đó, cần đưa vào hợp đồng về vấn đề này.

Trả lời cho câu hỏi này, ông Vũ Quang Lâm - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Tasco khẳng định đầu tư thiết bị tại trạm thu phí, vận hành và bảo dưỡng, bảo trì là trách nhiệm của công ty. Công ty đảm bảo các trạm thu phí sẽ được vận hành liên tục, khi có sự cố sẽ được khắc phục ngay trong thời gian sớm nhất và làm việc 24/24 giờ.

Về vấn đề này, Thứ trưởng cho rằng quá trình làm phải có sự phối hợp tích cực, chặt chẽ giữa nhà đầu tư và đơn vị thu phí, nếu nhà đầu tư không làm tốt thì đơn vị thu phí có thể dừng hợp đồng.

Ngoài ra, các đơn vị thu phí còn đặt ra các câu hỏi xoay quanh vấn đề hiện nay tài khoản đơn vị đang dặt ở ngân hàng không phải là hai ngân hàng đầu tư là BIVD và Viettinbank thì phí nhận như thế nào. Trả lời câu hỏi, ông Vũ Quang Lâm khẳng định khi khách hàng đi qua trạm thu phí sẽ được thu tiền và tiền thu chuyển vào tài khoản trung gian, tiền phí thu sẽ trả đúng tài khoản ngân hàng nhà đàu tư BOT đăng ký với ngân hàng trong ngày.

Kết luận cuộc họp, Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường nhấn mạnh lại một lần nữa từ nay đến 30/6 chốt tiến độ tất cả trạm thu phí trên QL 1, QL 14 qua Tây Nguyên phải chuyển sang 50% thu phí ko dừng, 50% thu phí 1 dừng. Thứ trưởng yêu cầu Tasco phối hợp với Tổng cục ĐBVN xây dựng tiến độ cụ thể cho từng trạm và kết thúc vào 20/6, sau đó vận hành thử  để 1/7 vận hành chính thức. Đồng thời, tiến độ các trạm phải được gửi về Bộ để Bộ kiểm soát tiến độ.

Thứ trưởng còn yêu cầu trong ngày hôm nay, 18 đơn vị thu phí còn lại phải ký kết phụ lục hợp đồng châm nhất là ngày mai phải ký xong. “ Nếu đơn vị nào sau hai ngày chưa ký thì tuần sau Bộ sẽ ra nghị định dừng thu phí, không thể để trường hợp họp xong về không thực hiện rồi đổ cho hết lý do này lý do khác”, Thứ trưởng Trường nhấn mạnh.

Đồng thời, Thứ trưởng giao cho Tasco cùng Ban PPP soạn thảo hợp đồng mẫu để ký với các nhà đầu tư, Ban PPP là trung gian soạn thảo hợp đồng, hợp đồng mẫu trong tuần sau phải xong. Sau khi xong hợp đồng, tuần sau đó ký hợp đồng với từng nhà đầu tư BOT, trước 15/3 tất cả hợp đồng phải được ký kết và sau 15/3 triển khai lắp đặt.

Còn ngân hàng BIVD ký hợp đồng cho Tasco cho vay vốn và Tasco phải tuyên truyền về vấn đề này, bắt đầu từ tháng 4. Đồng thời, Cục Đăng kiểm cũng phải tuyên truyền, có bản hướng dẫn rõ về thẻ dán E-Tag, chuẩn hoá và dán ở tất cả trạm đăng kiểm.

Sau khi triển khai trong vòng 1 tháng, các đơn vị họp lại để trao đổi bàn về những vấn đề đã làm được và chưa được. Tổng cục ĐBVN 1 tháng phải họp 1 lần để giải quyết vướng mắc. Đồng thời, các ngân hàng phải đảm bảo tiền chuyển về nhà đầu tư BOT trong ngày.

Trong thời gian qua, để đảm bảo yêu cầu hướng tới sự hài lòng cao nhất của người tham gia giao thông và người sử dụng dịch vụ thu phí, cũng như đẩy nhanh tiến độ của dự án, Bộ GTVT đã đồng ý giao Công ty CP TASCO và Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) tổ chức lập dự án triển khai thực hiện hệ thông thu phí tự động không dừng kết hợp với kiểm soát tải trọng xe.

Với công nghệ thu phí không dừng (ETC) được thí điểm áp dụng tại 3 trạm thu phí nói trên là công nghệ nhận dạng tần số sóng vô tuyến (RFID) tiêu chuẩn ISO/IEC 18000-6C do Hoa Kỳ phát triển, đang được áp dụng rộng rãi trên thế giới. Công nghệ này có rất nhiều ưu điểm so với các công nghệ khác như: Chi phí đầu tư thấp, thao tác đơn giản, tốc độ nhận diện phương tiện nhanh, kết quả thu phí chính xác lên tới 99,99%, dễ được chủ phương tiện giao thông chấp thuận (do thẻ RFID được cấp miễn phí),…

Chính vì vậy, công nghệ thu phí không dừng (ETC) không những phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế của nước ta mà còn là biện pháp hiệu quả để giải quyết bài toán hiện đại hóa hệ thống giao thông đường bộ ở Việt Nam.

Ý kiến của bạn

Bình luận