Năm đầu tiên đánh dấu sự trở lại của TCT Công nghiệp tàu thủy

Doanh nhân 24/02/2015 10:06

Thực hiện chủ trương và chỉ đạo tái cơ cấu của Đảng, Chính phủ, Ban Chỉ đạo tái cơ cấu và Bộ GTVT, năm 2014 Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy (SBIC) đã đạt được nhiều kết quả khả quan trong hoạt động tổ chức sản xuất, kinh doanh, công tác tái cơ cấu các đơn vị thành viên và toàn Tổng công ty.


MTV_OLAM

Một mùa xuân mới đang đến, đây là dịp chúng ta đánh giá lại hoạt động của SBIC sau 01 năm hoạt động, một năm với nhiều khó khăn, thách thức nhưng cũng đã gặt hái được rất nhiều thành công.

Với Tổng công ty SBIC, đánh giá công việc đã thực hiện để rút ra các kinh nghiệm sâu sắc trên bước đường gian nan khắc phục khó khăn, từng bước vươn lên phát triển ổn định, bền vững. Lịch sử ngành đóng tàu nước ta đã trải qua bao thăng trầm, gặp vô vàn khó khăn, thiếu thốn về cơ sở vật chất, trình độ công nghệ, nhân lực trong thời kỳ kháng chiến bảo vệ tổ quốc, đến giai đoạn bùng nổ phát triển của ngành vào đầu những năm 2000 – 2005 mà Đảng, Nhà nước và Chính phủ đã kỳ vọng vào xây dựng và phát triển Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam đảm đương nhiệm vụ nòng cốt trong việc thực hiện chiến lược phát triển kinh tế biển, đảm bảo an ninh quốc phòng, bảo vệ chủ quyền biển đảo của đất nước. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân chủ quan và khách quan đã dẫn đến Tập đoàn thực sự rơi vào tình trạng khủng hoảng nghiêm trọng, đứng bên bờ vực phá sản với các khoản nợ khổng lồ. Trước tình thế đó, để vực dậy ngành đóng tàu còn non trẻ của đất nước, quyết không để sảy ra đổ vỡ, Bộ Chính trị và Thường trực Chính phủ đã tổ chức nhiều cuộc họp để đi đến quyết sách phải giữ lại và tiến hành tái cơ cấu Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam, nay là Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy.

Đây cũng là năm đầu tiên đánh dấu sự trở lại của Tổng công ty, Quyết định số 3287/QĐ-BGTVT ngày 21/10/2013 của Bộ GTVT ban hành đã chính thức ghi tên thành lập mới Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy trên cơ sở tổ chức lại Công ty mẹ – Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam trước đây. Theo đó, Công ty mẹ – Tổng công ty SBIC có 08 đơn vị thành viên là các nhà máy đóng tàu nòng cốt của Tập đoàn; Công ty mẹ – SBIC có trách nhiệm kế thừa các quyền, nghĩa vụ pháp lý và lợi ích hợp pháp của Công ty mẹ – Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam. Ngày 06/12/2013, tại Quyết định số 3990/QĐ-BGTVT, Bộ GTVT đã phê duyệt Điều lệ tổ chức và hoạt động của Tổng công ty SBIC. Kể từ đây, Tổng công ty SBIC chính thức đi vào hoạt động. Đây là một bước ngoặt lớn đối với Tổng công ty trong tiến trình dần từng bước khôi phục lại lòng tin đối với Đảng, Nhà nước, Chính phủ và nhân dân. Cùng với đó, nhiều chương trình đóng tàu, nhiều hướng đi mới mở ra đang chờ đợi chúng ta gặt hái quả ngọt ở phía trước, nhưng cũng đầy thách thức, đòi hỏi mỗi CBCNV-LĐ trong Tổng công ty phải phát huy nội lực, tính sáng tạo và nỗ lực cố gắng nhiều hơn nữa để thực hiện thành công Đề án tái cơ cấu Tổng công ty mà Đảng và Chính phủ đã tin tưởng giao phó.

Bai ong Su

Để vực dậy Tổng công ty trong bối cảnh như vậy là nhiệm vụ hết sức khó khăn, do là ngành công nghiệp nòng cốt, có vị trí chiến lược hết sức quan trọng và dẫn dắt nhiều ngành khác của đất nước phát triển, công tác tái cơ cấu mà trọng tâm là tập trung xử lý tái cơ cấu tài chính được đặt lên hàng đầu. Sau khi xử lý tái cơ cấu cơ bản về tài chính, công việc tiếp theo là tái cơ cấu về sản xuất kinh doanh, thay đổi phương thức quản trị doanh nghiệp, quản trị tổ chức điều hành sản xuất, tăng năng suất lao động và hiệu quả hoạt động để Tổng công ty tiến tới dần ổn định để phát triển.

Tuy nhiên, việc tái cơ cấu tài chính mà trọng tâm là xử lý các khoản nợ cả trong và ngoài nước trong điều kiện tình trạng tài chính của Tổng công ty mất cân đối nghiêm trọng là một yêu cầu quả là quá khó khăn. Khi Tổng công ty gặp khó khăn, các chủ nợ dồn dập hối thúc đòi tiền, các chủ tàu viện lý do tình hình kinh tế gặp khủng hoảng nên tìm cách hủy hợp đồng đóng tàu, nhiều dự án đang đầu tư dở dang do thiếu vốn nên không thể triển khai tiếp được, một số bị ứ đọng vốn tại các con tàu dở dang làm cho Tổng công ty đã khó khăn càng gặp khó gấp bội.

Qua thời gian, đến nay Tổng công ty đã thực hiện cơ bản xong tái cơ cấu các khoản nợ nước ngoài, nợ trong nước giai đoạn 1 và hiện đang tiếp tục tập trung cơ cấu các khoản nợ trong nước giai đoạn 2, nợ Trái phiếu quốc tế vay lại Bộ Tài chính, nợ nhà thầu, nhà cung cấp với kết quả khả quan. Việc giãn thời gian trả nợ làm giảm áp lực để Tổng công ty yên tâm tập trung phát triển sản xuất kinh doanh, tích lũy trả nợ.

Đồng thời, Tổng công ty cũng tích cực triển khai công tác tái cơ cấu lao động. Đến ngày 31/10/2014, tổng số lao động toàn Tổng công ty còn lại là 17.602 người, trong đó Công ty mẹ và 08 đơn vị giữ lại theo Đề án tái cơ cấu là 5.933 người. Để thực hiện được việc tái cơ cấu lao động, Tổng công ty đã được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tạo điều kiện hỗ trợ giải quyết, tại Quyết định số 87/2010/QĐ-TTg ngày 24/12/2010 để các đơn vị trong Tổng công ty vay tiền chi trả nợ lương, nợ BHXH, BHYT, BHTN, nợ trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm với số tiền là 290.736.273.894 đồng, giải quyết cho 55.572 lượt lao động được trả nợ lương, hưởng chính sách BHXH, BHYT, BHTN, chấm dứt hợp đồng lao động và trợ cấp thôi việc theo qui định cho 5.801 người, chốt sổ bảo hiểm xã hội cho 3.278 người, làm thủ tục nghỉ hưu cho 730 người, trợ cấp ốm đau, thai sản, tai nạn lao động cho 14.894 lượt người.

Cùng với các công việc được thực hiện trên đây, công tác triển khai tái cơ cấu doanh nghiệp mà trọng tâm là cổ phần hóa Công ty mẹ – Tổng công ty và 08 đơn vị giữ lại sau tái cơ cấu được Tổng công ty gấp rút triển khai. Thực hiện chủ trương cổ phần hóa của Chính phủ và Bộ GTVT, Bộ GTVT ban hành các Quyết định phê duyệt đề án tiếp tục tái cơ cấu của 08 đơn vị, hiện nay các đơn vị này đang triển khai cổ phần hóa theo kế hoạch đã được Bộ GTVT phê duyệt.
Về công tác triển khai tái cơ cấu doanh nghiệp theo Quyết định 1224/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Đến nay, Tổng công ty đã hoàn thành giảm đầu mối được 82 đơn vị và đến hết năm 2014 giảm đầu mối thêm 15 đơn vị; có 20 doanh nghiệp Tổng công ty sở hữu dưới 20% vốn điều lệ, đây là các khoản đầu tư tài chính của Tổng công ty nên Tổng công ty đã báo cáo Bộ GTVT và đã được Bộ chấp thuận đưa các doanh nghiệp này ra khỏi danh sách các công ty cần thực hiện tái cơ cấu và sẽ thực hiện thoái vốn tại thời điểm thích hợp.

Như vậy, Tổng công ty còn 155 doanh nghiệp sẽ cần thực hiện tái cơ cấu trong năm tiếp theo.

Bên cạnh đó, Tổng công ty cũng đã hoàn thành việc rút vốn thương hiệu được 60/66 doanh nghiệp có thể rút vốn thương hiệu. Hiện còn 01 doanh nghiệp Sở KHĐT không chấp thuận rút vốn, 05 doanh nghiệp chưa đủ điều kiện rút vốn thương hiệu. Tổng công ty sẽ theo dõi 05 doanh nghiệp còn lại và sẽ thực hiện khi có đủ điều kiện theo quy định.
Với 42 đơn vị khác (nằm trong số 155 đơn vị còn lại), Tổng công ty tiến hành rà soát, chia thành các nhóm và lựa chọn hình thức tái cơ cấu phù hợp.

Về công tác chuyển giao các doanh nghiệp sang Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC). Sau khi SCIC rà soát 73 doanh nghiệp của Tổng công ty, ngày 13/11/2014, SBIC và SCIC đã ký biên bản chuyển giao Công ty TNHH MTV Đầu tư và Xuất nhập khẩu Công nghiệp tàu thủy.

Về công tác phá sản doanh nghiệp, SBIC đã thực hiện rà soát tình trạng góp vốn, thực trạng hoạt động của các đơn vị để đề xuất thực hiện tái cơ cấu theo phương án phá sản. Theo đó, đối với các đơn vị đã hoàn thành nghĩa vụ góp vốn điều lệ: SBIC rà soát và triển khai thủ tục phá sản 11 doanh nghiệp; đối với các doanh nghiệp SBIC chưa hoàn thành nghĩa vụ góp vốn điều lệ: SBIC đã rà soát và lựa chọn thí điểm 10 đơn vị để nộp đơn phá sản.

Tính đến thời điểm hiện tại, SBIC đã có văn bản gửi 05 Tòa án nhân dân các tỉnh/thành phố để đề nghị Tòa án hướng dẫn chi tiết các điều kiện, hồ sơ triển khai phá sản đối các đơn vị. Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Bộ GTVT, SBIC đã tiến hành lựa chọn 04 đơn vị điển hình để thực hiện phá sản (Công ty TNHH MTV Đóng tàu Đà Nẵng, Công ty CP Công nghệ điện Nam Triệu, Công ty CP Thương mại, dịch vụ Tân Việt Hoàng và Công ty CP Nuôi trồng chế biến thực phẩm Nam Triệu). Theo đó, SBIC sẽ báo cáo Bộ GTVT để Bộ đề nghị Tòa án nhân dân tối cao hỗ trợ, phối hợp với Tòa án nhân dân các tỉnh/thành phố để thực hiện thí điểm phá sản đối với các đơn vị này. Dự kiến triển khai trước tháng 12/2014.

Hiện nay, Tổng công ty đang triển khai thực hiện cổ phần hóa 09 đơn vị thành viên. Trong đó, Bộ GTVT đã phê duyệt phương án cổ phần hóa của 02 Công ty (Công ty TNHH MTV Tôn Vinashin và Công ty TNHH TMV Cảng Chân Mây) và 02 Công ty này đang triển khai các thủ tục để bán đấu giá cổ phần lần đầu; SBIC đã trình Bộ GTVT  hồ sơ xác định giá trị doanh nghiệp của Công ty TNHH MTV Đóng tàu Hạ Long đề nghị phê duyệt; đối với 06 đơn vị còn lại (Bạch Đằng, Phà Rừng, CNHH Sài Gòn, CNTT Sài Gòn, Cam Ranh, Thịnh Long), hiện đang phối hợp với đơn vị tư vấn để thực hiện xác định giá trị doanh nghiệp và tiến hành các bước để cổ phần hóa.

Song hành với công tác tái cơ cấu, công tác sản xuất kinh doanh được Tổng công ty đẩy mạnh. Kết quả, năm 2014 Tổng công ty phấn đấu hoàn thành kế hoạch sản xuất kinh doanh theo kế hoạch đề ra.

Đó là những thành quả bước đầu hết sức đáng ghi nhận không chỉ của Ban lãnh đạo Tổng công ty dưới sự chỉ đạo của Chính phủ, Bộ GTVT mà còn là thành quả của sự nỗ lực cố gắng không mệt mỏi của tập thể đội ngũ CBCNV – LĐ trong toàn Tổng công ty…

Trong xu thế toàn cầu hóa, mở rộng hợp tác với các đối tác nước ngoài, hiện nay Tổng công ty đang triển khai hợp tác toàn diện với Tập đoàn Damen (Hà Lan), tiếp xúc và kêu gọi các nhà đầu tư nước ngoài như Hàn Quốc, Nhật Bản… vào hợp tác đầu tư với Tổng công ty để cùng xây dựng và phát triển ngành đóng tàu nước nhà.

Trong tầm nhìn chiến lược của Đảng, Nhà nước và Chính phủ, một sự quan tâm, định hướng đúng đắn cho sự phát triển của ngành đóng tàu Việt Nam. Ngày 22/10/2014, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định số 1901/QĐ-TTg phê duyệt kế hoạch hành động phát triển ngành công nghiệp đóng tàu thực hiện Chiến lược công nghiệp hóa của Việt Nam trong khuôn khổ hợp tác Việt Nam – Nhật Bản hướng đến năm 2020, tầm nhìn 2030. Theo đó, Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy được xác định với mục tiêu đưa ngành đóng tàu trở thành ngành mũi nhọn trong thực hiện chiến lược phát triển kinh tế biển. Trong đó, sẽ tập trung vào sản xuất một số sản phẩm phù hợp với điều kiện phát triển của Việt Nam; xác lập lòng tin trên thị trường thế giới về Việt Nam là một quốc gia có ngành đóng tàu với chất lượng cao.

Về cụ thể, kế hoạch hành động trong chiến lược này đặt ra 5 nhiệm vụ chính: Tái cơ cấu hệ thống nhà máy đóng tàu cả nước hiện có theo hướng sử dụng tập trung cơ sở hạ tầng và nguồn nhân lực đã có; phát triển công nghiệp hỗ trợ cho ngành đóng tàu; phát triển thị trường tiêu thụ tàu và dịch vụ sửa chữa tàu trong nước và xuất khẩu; đào tạo nhân lực có trình độ cao, chuyên nghiệp, đẳng cấp quốc tế cho tất cả các cấp; xây dựng năng lực nghiên cứu và phát triển, phục vụ cho ba cụm liên kết ngành ở ba miền Bắc, Trung, Nam.
Trước tiên, sẽ triển khai hình thành 3 cụm liên kết ngành đóng tàu và xây dựng một số doanh nghiệp cốt lõi; hình thành Quỹ hỗ trợ phát triển ngành đóng tàu trong giai đoạn 2015 – 2020; tìm kiếm đối tác chiến lược là các nhà đầu tư tiềm năng tham gia vào các doanh nghiệp đóng tàu nhằm xây dựng và củng cố quan hệ cung ứng – hợp tác, hình thành công nghiệp hỗ trợ; nghiên cứu, xác định một số loại tàu có thị trường tiêu thụ trong và ngoài nước mà Việt Nam có lợi thế cạnh tranh, trên cơ sở đó phát triển công nghiệp hỗ trợ…

Ngoài ra, kế hoạch cũng đề ra chỉ tiêu: Đến năm 2020 tốc độ tăng giá trị sản lượng toàn ngành đóng tàu đạt 5 – 10% hàng năm; dành 70 – 80% năng lực sản xuất phục vụ nhu cầu đóng tàu các loại sử dụng ở trong nước; còn lại dành cho xuất khẩu với số lượng tàu xuất khẩu dự kiến 1,67 – 2,16 triệu tấn công suất/năm.

Dù vẫn đang ở trong giai đoạn hết sức khó khăn, song Tổng công ty vẫn có nhiều cơ hội và những thuận lợi cơ bản. Đặc biệt, đội ngũ cán bộ quản lý gắn bó, tâm huyết, sáng tạo và đầy ý chí, lực lượng lao động lành nghề, yêu nghề đã trưởng thành qua 18 năm với nhiều kỳ tích đã đạt được chắc chắn sẽ không phụ lòng tin của Đảng và Nhà nước.
Toàn thể Đảng viên, CBCNV – LĐ trong Tổng công ty quyết tâm, đoàn kết vượt qua mọi thử thách, hoàn thành toàn diện các nhiệm vụ sản xuất kinh doanh, thực hiện thành công kế hoạch tái cơ cấu Tổng công ty đã đề ra.

Xuân Ất Mùi 2015 mang tới cho chúng ta thêm niềm tin và kỳ vọng vào một thời kỳ mới của Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy trong tiến trình đổi mới, tái cấu trúc và thực hiện chiến lược phát triển để trở thành Tổng công ty đóng tàu quốc gia hiện đại và cạnh tranh quốc tế, góp phần xứng đáng đưa Việt Nam trở thành quốc gia mạnh về biển và giàu lên từ biển, góp phần quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế biển, đảm bảo an ninh quốc phòng, bảo vệ chủ quyền biển đảo như chủ trương đã được Đảng ta khẳng định.

TS. Nguyễn Ngọc Sự
UVBCH Đảng bộ Khối Doanh nghiệp TW
Bí thư Đảng ủy – Chủ tịch Hội đồng thành viên
Tổng công ty Công nghiệp Tàu thủy

Ý kiến của bạn

Bình luận