Năm lý do doanh nhân không thành công tại trường học

Học ở trường bạn sẽ làm những gì thầy cô yêu cầu. Ngược lại, kinh doanh đòi hỏi bạn suy nghĩ, hành động độc lập, tự tìm hiểu và ra quyết định.

doanh-nhan-7086-1574000830
Matthew Toren, đồng sáng lập diễn đàn doanh nhân Young Entrepreneur. Ảnh: Toren Brothers. doanh-nhan-7086-1574000830

Matthew Toren, sống tại thành phố Vancoucer, Canada, là đồng tác giả sách "Doanh nghiệp nhỏ, tầm nhìn lớn", đồng sáng lập diễn đàn doanh nhân Young Entrepreneur. Từ trải nghiệm của bản thân, ông tiết lộ năm lý do nhiều doanh nhân không thành công tại trường đại học.

Tôi và anh trai, Adam Toren, giống như nhiều doanh nhân khác không có bằng đại học. Điểm số tại trường trung học rất tốt, nhưng chúng tôi quyết định không học đại học. Hai anh em tôi có quá nhiều tham vọng và ý tưởng mới, những điều khiến chúng tôi không thể dừng chân tại đại học trong bốn năm để nhận bằng.

Từ Thomas Edison đến Mark Zuckerberg hay hàng trăm người thành đạt khác, chúng tôi có rất nhiều bằng chứng cho thấy thành công có thể đạt được mà không nhất thiết phải học đại học. Qua trải nghiệm cá nhân và tìm hiểu về những người thành đạt, tôi rút ra năm lý do tại sao trường học không phải lựa chọn lý tưởng của nhiều doanh nhân.

1. Tư duy vượt giới hạn

Bạn sẽ không thể trở thành doanh nhân bằng cách hành động như số đông, làm những điều mà người khác cũng làm. Trong khi các bạn cùng lớp chơi thể thao hoặc làm thêm tại cửa hàng đồ ăn nhanh, tôi và anh trai đã bán đồ điện tử do chúng tôi nhập từ nước ngoài. Số tiền từ công việc đó được chúng tôi đầu tư cho doanh nghiệp chung của cả hai.

Hầu hết trường học mong muốn tất cả học sinh tham gia cùng một chương trình giảng dạy. Cách tiếp cận này giống như "chiếc hộp", giam hãm ý tưởng, tư duy sáng tạo của những người làm kinh doanh, từ đó hạn chế họ phát huy tiềm năng của bản thân hay trải nghiệm những điều mới mẻ.

Các doanh nhân nhìn chung có xu hướng phá vỡ khuôn mẫu, tư duy "ngoài hộp" nhằm cung cấp giải pháp cho những vấn đề vẫn chưa có lời giải. Họ trải nghiệm những điều mới mẻ, trau dồi kế hoạch lập nghiệp, những điều hiếm thấy tại các môn học trong nhà trường.

2. Coi trọng sự độc lập

Học ở trường tức là bạn sẽ làm tất cả những gì mà thầy cô hoặc bạn bè yêu cầu, từ học bài, làm bài kiểm tra, thuyết trình. Ngược lại, kinh doanh đòi hỏi suy nghĩ và hành động độc lập, những điều bạn phải tự tìm hiểu, tự ra quyết định. Những người có suy nghĩ tự chủ khi bị buộc phải làm những điều không muốn, họ sẽ cảm thấy mệt mỏi, bị kìm kẹp và không thực sự chú tâm cho công việc đó.

Một số người sinh ra để đưa ra quyết định, không phải để tuân theo quyết định của người khác. Đó là lý do tại sao tôi luôn khuyến khích các doanh nhân trẻ từ bỏ những nhiệm vụ mà họ không hứng thú.

3. Thích trải nghiệm thực tế

Từ cấp trung học cơ sở cho đến các khóa học thạc sĩ quản trị kinh doanh, học sinh được yêu cầu đọc, viết, làm bài kiểm tra về những giả thuyết. Bên cạnh số ít khóa học chuyên ngành đòi hỏi thâm nhập thực tế, hầu hết chương trình giảng dạy đều đưa ra kịch bản về thế giới thực để học sinh suy nghĩ chứ không được trải nghiệm trực tiếp.

Các doanh nhân chú trọng kinh nghiệm thực tế hơn những bài học trong sách vở. Họ muốn thoát khỏi đó, xây dựng kiến thức của bản thân thông qua trải nghiệm thực tế. Bằng việc tự bán hàng từ nhỏ, tôi và anh trai đã học được nhiều kinh nghiệm về kinh doanh hơn bất cứ khóa học nào.

4. Học không theo khuôn mẫu

Dù không nổi trội ở các trường đại học, doanh nhân thành công đều là người ham học hỏi, ham tìm hiểu, say mê khám phá. Họ nhận ra rằng đi học không thể đảm bảo thành công trong tương lai, rằng muốn thành công phải chấp nhận rủi ro. Bởi vậy, họ muốn học theo cách của mình, học những gì mình cảm thấy cần thiết cho công việc và định hướng việc làm trong tương lai.

Nhiều người có những cách học rất độc đáo như đọc sách nói, sách điện tử, nghe podcast hoặc đăng ký khóa học kinh doanh, học kỹ năng mềm. Với sự phát triển của thời đại, chúng ta có rất nhiều cách để học tập, không chỉ gói gọn trong khuôn viên nhà trường.

5. Thành công không chỉ ở điểm giỏi

Là doanh nhân, bạn phải luôn nhắc nhở mình rằng thành công không được đo bằng số tiền bạn kiếm được. Suy nghĩ này cũng được áp dụng cho điểm số tại trường học. Quá nhiều sinh viên cố gắng kiếm điểm giỏi như điểm A ở đại học, điểm 10 ở phổ thông thay vì học cách lưu trữ thông tin lâu dài, học cách làm việc nhóm hay tích lũy kinh nghiệm làm giàu hồ sơ xin việc.

Các doanh nhân không có kiếm điểm giỏi ở trường mà họ tạo dấu ấn theo cách khác. Trong khi bạn bè đang miệt mài ôn tập, các doanh nhân bán những sản phẩm đầu tiên hoặc tạo ra những phần mềm có giá trị. Tôi và anh trai luôn coi điểm số tại trường là trò chơi. Chúng tôi từng thấy bạn bè gian lận để đạt điểm cao hoặc cố nhồi nhét kiến thức chỉ để qua bài kiểm tra. Chúng tôi không cần phải giành chiến thắng trong trò chơi đó. Hai anh em tôi nhận ra những hoạt động đem lại lợi ích lâu dài hơn bảng điểm.

Cuối cùng, tôi xin khẳng định, không hề sai nếu bạn lựa chọn phương pháp giáo dục chính thống. Tôi không đánh giá con đường này mà chỉ muốn chia sẻ rằng, nhiều người có tài kinh doanh không phát triển trong môi trường trường học. Mỗi người có cách tiếp thu, phương pháp học riêng biệt. Vậy nên, thật tuyệt vời nếu chúng ta có thể nhìn nhận khách quan, công bằng về những phương pháp khác nhau để dẫn đến thành công.

Ý kiến của bạn

Bình luận