Nâng cao chất lượng đào tạo, sát hạch, cấp GPLX Và việc xử phạt các hành vi vi phạm quy định về đào tạo, sát hạch lái xe

Diễn đàn khoa học 11/03/2014 10:54

I. Nâng cao chất lượng đào tạo, sát hạch, cấp GPLX


Với chức năng quản quản lý nhà nước về giao thông vận tải đường bộ, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) những năm gần đây đã tập trung xây dựng và thường xuyên rà soát, cập nhật, bổ sung đủ các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, cơ chế, chính sách và các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến công tác quản lý nhà nước về đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe (GPLX), nhằm nâng cao chất lượng công tác đào tạo, sát hạch, cấp GPLX. Nhờ vậy, cơ sở vật chất kỹ thuật của các cơ sở đào tạo, trung tâm sát hạch được đầu tư nâng cấp, củng cố, tăng cường cả về số lượng và chất lượng.

Toàn quốc hiện có 463 cơ sở đào tạo lái xe mô tô, 316 cơ sở đào tạo lái xe ô tô, 97 trung tâm sát hạch lái xe và đang quản lý 31.772.036 giấy phép lái xe mô tô và 3.763.649 giấy phép lái xe ô tô.

Bộ GTVT đã phê duyệt Đề án “Nâng cao chất lượng đào tạo, sát hạch, cấp GPLX góp phần giảm thiều tai nạn và ùn tắc giao thông” theo hướng công khai, minh bạch, có sự giám sát của nhân dân. Hiện nay, Đề án này đã và đang được các cơ quan tham mưu của Bộ, các sở GTVT, các cơ sở đào tạo và các trung tâm sát hạch lái xe trên cả nước triển khai thực hiện tốt.

Bộ GTVT đã ban hành Thông tư số 38/2013/TT-BGTVT ngày 24/10/2013 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 46/2012/TT-BGTVT ngày 07/11/2012 của Bộ trưởng Bộ GTVT Quy định về đào tạo, sát hạch, cấp GPLX cơ giới đường bộ. Hai thông tư trên đã quản lý chặt chẽ hơn về tiêu chuẩn kỹ thuật của các cơ sở đào tạo, bổ sung một số nội dung như đưa xe số tự động vào chương trình giảng dạy, tăng số giờ học thực hành lái xe, quan tâm hơn nữa đến đào tạo về văn hóa giao thông cho người lái xe, quy định thủ tục cấp mới giấy phép đào tạo lái xe ô tô, lộ trình chuyển đổi sang GPLX bằng vật liệu PET. Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã thực hiện cấp đổi giấy phép lái xe bằng vật liệu PET từ 01/7/2012 và thực hiện chuyển đổi toàn bộ giấy phép lái xe ô tô vào năm 2014. Đến nay, toàn quốc, đã cấp 1.029.018 GPLX ô tô và 1.414.880 GPLX mô tô bằng vật liệu PET.

Bộ GTVT đã ban hành Thông tư số 07/2013/TT-BGTVT ngày 03/05/2013 quy định về quản lý, vận hành và khai thác hệ thống thông tin GPLX trong đó đã quy định việc khai thác thông tin GPLX trên trang Web và qua tin nhắn di động SMS để loại bỏ tình trạng sử dụng GPLX không phù hợp.

Ngày 13/11/2013, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Nghị định số 171/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt. Nghị định có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2014; trong đó có một Điều quy định việc xử phạt các hành vi vi phạm quy định về đào tạo, sát hạch lái xe.

Bên cạnh đó, Bộ GTVT đã thực hiện điều chỉnh các nội dung liên quan công tác đào tạo, sát hạch, cấp GPLX hạng A2. Theo đó, người từ 18 tuổi trở lên, có nhu cầu đều có thể tham dự, không cần phải là thành viên của các câu lạc bộ mô tô như trước đây. Hiện nay, toàn quốc có 46 sát hạch viên lái xe hạng A2, phân bố trên phạm vi 27 tỉnh, thành phố.

Ngày 16/2/2014, lớp tập huấn cho giáo viên và sát hạch viên lái xe hạng A2, lớp tập huấn đầu tiên, đã được Tổng cục Đường bộ Việt Nam tổ chức tại Trung tâm Dạy nghề và sát hạch lái xe Đông Đô (Bắc Ninh) cho các tỉnh từ Thừa Thiên – Huế trở ra. Mục đích của lớp tập huấn là nhằm nâng cao năng lực cho đội ngũ giáo viên, sát hạch viên, qua đó góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho người dân trong việc sử dụng xe mô tô có phân khối lớn hạng A2. Phát biểu tại Lễ khai mạc lớp tập huấn, Bộ trưởng Đinh La Thăng đã nhấn mạnh, việc Bộ GTVT quyết định sửa đổi các quy định về điều kiện thi lấy bằng lái xe A2 theo hướng tạo điều kiện thuận lợi hơn cho những người có nhu cầu là góp phần làm công khai minh bạch công tác đào sát hạch, cấp GPLX hạng A2, giảm thiểu tiêu cực.

Bộ trưởng cũng yêu cầu Tổng cục Đường bộ Việt Nam khẩn trương rà soát, sách hạch lại toàn bộ đội ngũ sát hạch cấp GPLX, đảm bảo chất lượng, đồng thời góp phần đảm bảo TTATGT trên cả nước.

Bộ GTVT cũng đã tổ chức chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan thành lập các đoàn thanh tra, kiểm tra thường xuyên và đột xuất các cơ sở đào tạo, các trung tâm sát hạch lái xe ôtô (đã đưa ra các quyết định cảnh cáo, đình chỉ hoặc hạ lưu lượng của các cơ sở, trung tâm vi phạm).

II. Kiến nghị

Để bảo đảm trật tự ATGT nói chung và nâng cao chất lượng công tác quản lý người lái xe nói riêng, Bộ GTVT và Bộ Công an đã ký ban hành Thông tư liên tịch số 01/2010/TTLT-BCA-BGTVT ngày 03/3/2010, quy định về phối hợp cung cấp số liệu đăng ký, đăng kiểm phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, dữ liệu về tai nạn giao thông và cấp, đổi, thu hồi, tước quyền sử dụng giấy phép lái xe, chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức pháp luật về giao thông đường bộ để phục vụ, quản lý người lái xe.

Kiến nghị các cơ quan, đơn vị liên quan cần thực hiện tốt Thông tư liên tịch trên và các quy định của ngành nhằm tăng cường quản lý và giáo dục người lái xe; tăng cường tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các vi phạm để giáo dục người lái xe nâng cao ý thức chấp hành các Quy tắc giao thông cũng như Luật GTĐB, góp phần giảm thiểu tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông, đạt các mục tiêu của “Thập kỷ hành động vì ATGT Đường bộ” toàn cầu do Liên Hiệp quốc phát động (2011-2020).

  ThS. LÊ MINH CHÂU


Ý kiến của bạn

Bình luận