Chuẩn hóa từ khâu đào tạo
Hiện nay, công tác đào tạo lái xe thực hiện theo chủ trương xã hội hóa, việc quản lý của các cơ quan nhà nước vừa được siết chặt, vừa mở rộng tính công khai, minh bạch để tạo cơ chế kiểm tra, giám sát của xã hội, người dân. Cùng với sự phát triển về số lượng, cơ sở vật chất của cơ sở đào tạo lái xe ô tô và trung tâm sát hạch lái xe đã được đầu tư, xây dựng theo hướng hiện đại.
Ông Lương Duyên Thống - Vụ trưởng Vụ Phương tiện và Người lái (Tổng cục ĐBVN) cho biết, chủ trương xã hội hóa cho phép các tổ chức, cá nhân có đủ năng lực đầu tư, xây dựng cơ sở đào tạo lái xe theo tiêu chuẩn quy định. Đến nay, cả nước có 463 cơ sở đào tạo lái xe mô tô, 328 cơ sở đào tạo lái xe ô tô với lưu lượng đào tạo tại một thời điểm trên 180 nghìn học viên, được phân bổ hợp lý, đáp ứng nhu cầu học lái xe của người dân.
Bên cạnh đó, hệ thống phòng học, trang thiết bị giảng dạy, đội ngũ giáo viên, xe tập lái, sân tập lái của các cơ sở đào tạo lái xe được đầu tư, củng cố, tăng cường, đáp ứng nhu cầu giảng dạy, phù hợp với thực tiễn. Cả nước hiện có 19.714 giáo viên dạy lái xe đủ tiêu chuẩn được cấp giấy chứng nhận giáo viên dạy thực hành, tập huấn nâng cao trình độ, trên 15.000 xe tập lái các hạng, trong đó xe con hạng B là 11.853 xe, chiếm tỉ lệ 76% và được đổi mới theo lộ trình.
Cũng theo ông Thống, bộ Giáo trình Đào tạo lái xe về cơ bản có 5 môn học bao gồm: Luật Giao thông đường bộ, nghiệp vụ vận tải; cấu tạo, sửa chữa thông thường ô tô; kỹ thuật lái xe; đạo đức và văn hóa ứng xử của lái xe. Giáo trình đào tạo lái xe đã được nghiên cứu biên soạn, sửa đổi nhiều lần trên cơ sở tham khảo tài liệu của các nước Nga, Trung Quốc, Hàn Quốc nhằm cung cấp cho người học hiểu biết và chấp hành các quy định của pháp luật giao thông đường bộ, các kỹ năng cần thiết để lái xe an toàn, giáo dục đạo đức, văn hóa ứng xử của lái xe khi tham gia giao thông, kỹ năng xử lý tình huống trên đường, sơ cấp cứu người bị TNGT.
Năm 2010, trong khuôn khổ Dự án ATGT đường bộ Việt Nam do Ngân hàng Thế giới tài trợ, Tổ chức Hợp tác Đường bộ Vicroads Internation Australia đã tổ chức khảo sát và đánh giá chương trình, nội dung và giáo trình đào tạo lái xe của Việt Nam là phù hợp, tương tự như các nước Thái Lan, Hàn Quốc.
Chia sẻ dữ liệu để quản lý chặt
Nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng công tác đào tạo, sát hạch, cấp GPLX, Tổng cục ĐBVN kiến nghị xử lý vi phạm đối với người lái xe sử dụng GPLX giả, GPLX bị Công an tạm giữ, tước quyền sử dụng…; cần sớm ban hành và có quy chế giữa Cục CSGT và Tổng cục ĐBVN về việc kết nối thông tin, chia sẻ dữ liệu, khai thác hiệu quả phần mềm trong cơ sở dữ liệu quản lý cấp GPLX để quản lý chặt chẽ vi phạm của lái xe theo Thông tư liên tịch 01/2010/TTLT ngày 3/3/2010 giữa Bộ Công an và Bộ GTVT. Thông tư quy định về phối hợp cung cấp số liệu đăng ký, đăng kiểm phương tiện cơ giới đường bộ, dữ liệu về TNGT và cấp, đổi, thu hồi, tước quyền sử dụng GPLX, chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức pháp luật về giao thông đường bộ; chia sẻ dữ liệu về TNGT và quản lý vi phạm của lái xe để Tổng cục ĐBVN và các cơ quan liên quan, doanh nghiệp vận tải có điều kiện cập nhật, quản lý và giáo dục người lái xe.
Đối với tiêu chuẩn sức khỏe người lái xe, Thông tư liên tịch 24/2015/TTLT giữa Bộ Y tế và Bộ Công an còn bất cập một số điểm như người không đủ sức khỏe về thị lực, thần kinh, mắt, cơ, xương, khớp để lái xe an toàn (chân không đủ dài để điều khiển các ô tô tải, ô tô khách; liệt vận động dưới 02 chi, thị lực nhìn xa 02 mắt từ 4/10, cụt hoặc mất chức năng một bàn chân hoặc tay…) nhưng vẫn đủ tiêu chuẩn sức khỏe theo quy định của Thông tư để lái xe mô tô và ô tô, vấn đề này đề nghị Bộ GTVT sớm có ý kiến với Bộ Y tế xem xét lại quy định này và chỉ đạo sở y tế các địa phương lựa chọn các cơ sở y tế có đủ điều kiện khám sức khỏe để người dân đến khám và công bố công khai kết quả khám sức khỏe để các cơ sở đào tạo, các sở GTVT tra cứu, hạn chế tình trạng sử dụng giấy khám sức khỏe giả.
Để quản lý chặt chẽ học viên thực hiện đầy đủ số giờ thực hành, kiến nghị Bộ GTVT cho phép Tổng cục ĐBVN phối hợp cùng các tổ chức có điều kiện nghiên cứu, sản xuất thử nghiệm thiết bị giám sát thực hành lái xe trên đường, tổ chức sản xuất thử nghiệm tại cơ sở đào tạo và xây dựng quy chuẩn kỹ thuật trình Bộ GTVT để ban hành bắt buộc áp dụng thống nhất trên cả nước; có văn bản chỉ đạo các sở GTVT khuyến khích các cơ sở đào tạo lái xe ô tô lắp đặt thiết bị này trên xe ô tô tập lái để quản lý chặt chẽ quá trình học và quãng đường học thực hành lái xe trên đường của mỗi học viên
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.