AEC là nền kinh tế lớn thứ 7 thế giới với quy mô GDP gần 3 nghìn tỷ USD. AEC được kỳ vọng sẽ thúc đẩy thương mại nội khối với việc hình thành thị trường chung. TPP là Hiệp định thương mại xuyên Thái Bình Dương, bao gồm 12 quốc gia thành viên với dân số hơn 792 triệu người, sản lượng kinh tế khoảng 25 ngàn tỷ USD, tương đương 40% GDP toàn cầu và 30% kim ngạch thương mại thế giới.
Mục tiêu chính của TPP là xóa bỏ các loại thuế và rào cản cho hàng hóa, dịch vụ xuất nhập khẩu giữa các nước thành viên. TPP còn thống nhất nhiều luật lệ, quy tắc chung giữa các nước, tạo “cú hích” phát triển mới cho mỗi thành viên.
Đón nhận thời cơ
Việc gia nhập AEC và TPP đều hứa hẹn sẽ mang lại nhiều lợi ích cho Việt Nam về thúc đẩy thương mại, thu hút đầu tư dựa trên lợi thế không gian của một thị trường thống nhất, mở và nâng cao tính cạnh tranh, thực sự là một thời cơ lớn. Tuy nhiên, Việt Nam cũng phải cần khắc phục khó khăn và vượt qua những thách thức không nhỏ.
Với việc gia nhập AEC, Việt Nam có cơ hội dễ dàng tiếp cận thị trường trong và ngoài khu vực, qua đó mở rộng thị trường, đa dạng hóa mặt hàng xuất khẩu; ổn định nguồn nhập khẩu và hạ giá đầu vào, góp phần cải cách quản lý, dịch chuyển cơ cấu kinh tế và thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội... Tham gia TPP cũng là cơ hội gia tăng xuất khẩu các mặt hàng mà Việt Nam có thế mạnh như: Dệt may, giày dép, các sản phẩm và thiết bị điện tử cùng những kinh nghiệm đã có ở các thị trường này.
Cả AEC và TPP đều đưa lại cơ hội tăng cường thu hút FDI cũng như: Mở rộng cơ hội đầu tư sang các nước nội khối và kinh doanh từ bên ngoài; tiếp cận các nguồn hỗ trợ về khoa học công nghệ, học tập kinh nghiệm quản lý tiên tiến; góp phần nâng cao trình độ và năng lực của đội ngũ cán bộ và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, nhất là từ các tập đoàn kinh tế lớn.
Những tác động tích cực từ AEC sẽ góp phần tạo chuyển biến trong việc xây dựng và hoàn thiện chính sách, luật lệ và thủ tục trong nước, phù hợp hơn với yêu cầu của nền kinh tế thị trường trong quá trình hội nhập quốc tế sâu, rộng hơn, qua đó góp phần nâng cao vị thế quốc tế của Việt Nam. Với TPP, Việt Nam cũng có cơ hội hoàn thiện các thể chế điều hành nền kinh tế thị trường, TPP có thể trở thành một trong những tiền đề quan trọng để Việt Nam tiến hành cải cách thể chế và thị trường định hướng XHCN một cách sâu, rộng và toàn diện.
Những giải pháp cần quan tâm
Việc gia nhập AEC và TPP đang hứa hẹn sẽ mang lại nhiều lợi ích về thúc đẩy thương mại, thu hút đầu tư dựa trên lợi thế không gian của một thị trường mở và nâng cao tính cạnh tranh trên nền tảng một cơ sở sản xuất thống nhất. Tuy nhiên, để những hứa hẹn đó sớm trở thành hiện thực, đòi hỏi Việt Nam phải cùng các thành viên xử lý tốt những thách thức đối với từng nước. Đối với Việt Nam chúng ta có thể và cần phải quan tâm đến một số giải pháp chủ yếu sau:
Một là, đổi mới và hoàn thiện chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư nhằm khuyến khích sự phát triển của doanh nghiệp trong nước, trong đó chú trọng các doanh nghiệp nhỏ, vừa và các doanh nghiệp dễ bị tổn thương trong quá trình hội nhập; sớm ban hành Luật Hỗ trợ phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ, giúp các doanh nghiệp này khắc phục những điểm yếu về vốn, thông tin, kỹ thuật, hỗ trợ khởi nghiệp và hoạt động sản xuất, kinh doanh hiệu quả; khuyến khích phát triển và ứng dụng khoa học công nghệ, tăng cường năng lực khoa học công nghệ nội sinh; tiếp tục cải thiện chất lượng giáo dục, đào tạo để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tăng năng suất lao động; cải cách thủ tục hành chính và “mạnh tay” hơn với các biện pháp xử lý tham nhũng.
Hai là, cải cách môi trường pháp lý, chính sách để bảo đảm hướng tới một “chuẩn mực” thống nhất theo quy định của TPP. Trong dài hạn, cải cách thể chế, hướng tới các “luật chơi” quốc tế là điều kiện cần thiết cho tăng trưởng trong bối cảnh toàn cầu hóa; tăng cường năng lực dự báo kinh tế vĩ mô, quản lý rủi ro thị trường tài chính, quản lý các dòng vốn để giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô; thực hiện các chính sách bảo đảm an sinh xã hội phù hợp để hỗ trợ những nhóm dễ bị tổn thương trong quá trình hội nhập kinh tế.
Ba là, tổ chức thông tin đến mọi tầng lớp nhân dân, chú trọng vào đội ngũ doanh nghiệp và người sản xuất nông nghiệp, nhất là thông tin về hội nhập kinh tế quốc tế, đặc biệt là về quy tắc nguồn gốc xuất xứ, tiêu chuẩn hàng hóa…
Bốn là, đẩy mạnh tái cơ cấu nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng để nâng cao chất lượng, năng lực cạnh tranh, bắt kịp trình độ của các nước phát triển hơn trong khu vực. Đối với khu vực Nhà nước cần giải quyết các vấn đề phát triển kinh tế - xã hội với bảo vệ môi trường.
Như vậy, thời khắc thực hiện những điều khoản đã cam kết trong cả hai cơ chế của Hiệp định AEC và TPP đã cận kề. Thời cơ lớn nhưng thách thức cũng không nhỏ, Việt Nam cần đón nhận với tinh thần chủ động, tích cực, bản lĩnh vững vàng, thực hiện tốt quyết tâm của toàn Đảng, toàn dân ta đã được ghi trong Văn kiện Đại hội XII là: “Chủ động, tích cực và có trách nhiệm cùng các nước ASEAN xây dựng Cộng đồng vững mạnh” và “Nâng cao hiệu quả hội nhập kinh tế quốc tế, thực hiện đầy đủ các cam kết quốc tế, xây dựng và triển khai chiến lược tham gia các khu vực mậu dịch tự do với các đối tác kinh tế, thương mại quan trọng”.
Theo giới chuyên gia, chỉ riêng TPP sẽ giúp GDP của Việt Nam tăng thêm khoảng 23,5 tỷ USD vào năm 2020 và năm 2025 là 33,5 tỷ USD. Xuất khẩu sẽ tăng thêm khoảng 68 tỷ USD vào năm 2025. Cả AEC và TPP còn giúp Việt Nam có các cơ hội mới từ chuỗi cung ứng sản phẩm tại các thị trường lớn và nội khối về dịch vụ đầu tư; thu hút những lĩnh vực có hàm lượng trí tuệ cao. Đối với ngành GTVT, AEC và TPP cũng mang lại những cơ hội lớn như: Thu hút vốn đầu tư nước ngoài để thực hiện các dự án; thị trường rộng mở hơn, nhà đầu tư nước ngoài dễ dàng tiếp cận các dịch vụ hỗ trợ vận tải, nhất là ngành logistics; tạo điều kiện phát triển đồng bộ cho cơ sở hạ tầng (đường bộ, đường sắt, cảng biển và sân bay), giúp Việt Nam có nhiều cơ hội phát triển và tham gia sâu hơn vào những trung tâm giao dịch vận tải toàn cầu. |
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.