Thực hiện Chỉ thị của Ban Bí thư Trung ương Đảng và các Chỉ thị, Công điện của Thủ tướng Chính phủ về công tác đảm bảo trật tự, ATGT đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa, khắc phục UTGT và tăng cường thực hiện kiểm soát tải trọng phương tiện đường bộ, nâng cao chất lượng và chống tiêu cực trong công tác đăng kiểm phương tiện GTVT, Bộ GTVT và Bộ Công an đã có sự phối hợp chặt chẽ, ban hành nhiều văn bản QPPL cũng như thực hiện các biện pháp chuyên môn nghiệp vụ nhằm bảo đảm triển khai có hiệu quả công tác kiểm soát tải trọng phương tiện đường bộ.
Tính đến thời điểm ngày 23/5/2014, tất cả các địa phương đã thành lập Trạm kiểm tra tải trọng xe lưu động. Trong tuần đầu (từ ngày 01//4/2014 – 7/4/2014), có 39/63 địa phương (62%) đưa Trạm kiểm tra tải trọng xe lưu động vào sử dụng, còn 24 đại phương (38%) thực hiện kiểm soát tải trọng xe bằng cân xách tay do địa phương tự trang cấp. Đến ngày 15/4/2014, đã có 52/63 (82%) địa phương và đến ngày 8/5/2014 đã có 63/63 địa phương đưa Trạm kiểm tra tải trọng xe lưu động vào sử dụng.
Trong tuần đầu, mới chỉ có 17 địa phương tích cực thực hiện kiểm soát tải trọng xe 24 giờ trong ngày và 7 ngày trong tuần. Đến ngày 8/5/2014 đã có 48/63 (76,2%) địa phương tổ chức kiểm tra tải trọng xe theo chế độ 24/7.
Kết quả trong công tác kiểm soát tải trọng xe, tính đến ngày 13/5/2014 đã kiểm tra 61.241 xe có dấu hiệu vi phạm và phát hiện 10.009 xe vi phạm (16,34%). Từ ngày 01/4/2014 – 23/5/2014, qua kiểm tra đã phát hiện 12.705 xe có dấu hiệu vi phạm.
Cơ quan đăng kiểm đã từ chối kiểm định đối với 254 xe khách do tự ý lắp đặt thêm ghế, thêm giường hoặc cơi nới hầm chở hàng của xe, 1.445 xe tải do tự ý cơi nới thùng chở hàng, nhiều xe tải và xe khách kiểm định không đạt chất lượng.
Ông Trần Kỳ Hình, Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam cho biết: Tình trạng ùn ứ phương tiện tại các Trung tâm đăng kiểm cơ bản đã được giải quyết. Đến tháng 8/2014, Cục sẽ thông qua Đề cương bảo dưỡng xe nhằm nâng cao chất lượng đăng kiểm phương tiện. Qua đường dây nóng của Cục, những phán ánh, kiến nghị của người dân đã được Cục giải quyết thỏa đáng. Đối với công tác thanh tra, vừa qua, Cục đã tăng cường thêm 50 cuộc thanh tra, xử lý 2 Trung tâm tại Bình Dương và Đồng Nai, 3 đăng kiểm viên vĩnh viễn không được hành nghề, 50 đăng kiểm viên bị kỷ luật. Ông Trần Kỳ Hình cho rằng: “Thay vì đi tìm tiêu cực thì hãy nâng cao chất lượng, lấy chất lượng làm tiêu chí để đánh giá hoạt động”.
Về những tồn tại, bất cập, ông Khuất Việt Hùng, Vụ trưởng Vụ Vận tải cho biết: Một số đơn vị kinh doanh vận tải, chủ xe tạm dừng hoạt động để nghe ngóng, theo dõi tình hình kiểm tra tải trọng xe của cơ quan chức năng những ngày tiếp theo; thậm chí có hiện tượng lợi dụng để tăng giá cước hoặc thông đồng với một số chủ hàng cố tình đưa thông tin không chính xác về tình hình vận chuyển hàng hóa nhằm tạo dư luận để gây sức ép lên các bộ, ngành, địa phương. Một số lái xe, chủ xe vẫn cố tình chở quá tải và tìm cách trốn tránh, không đi qua trạm kiểm tra tải trọng xe, đi vào các đường bộ địa phương có cấp kỹ thuật thấp gây hư hỏng kết cấu đường.
Bên cạnh đó, nhiều địa phương gặp khó khăn về vị trí đặt trạm kiểm tra tải trọng xe, địa điểm hạ tải. Nhiều địa phương không đủ lực lượng để bố trí làm liên tục 24/7, khó khăn về kinh phí hoạt động của trạm kiểm tra tải trọng xe.
Nhất trí với các ý kiến cần tăng cường hơn nữa sự phối hợp giữa Bộ Công an và Bộ GTVT, Bộ trưởng Đinh La Thăng cho rằng cần tiếp tục hoàn thiện văn bản QPPL của mỗi cơ quan và văn bản QPPL phối hợp giữa 2 Bộ, tạo sự thông thoáng, thuận tiện về thủ tục hành chính.
Đối với những kết quả ban đầu của hoạt động kiểm soát tải trọng xe, Bộ trưởng lưu ý các cơ quan, lực lượng chức năng không được chủ quan, buông lỏng mà phải tiếp tục duy trì, kiên quyết xử lý vi phạm. Bộ trưởng đánh giá cao sự chuyển biến tích cực của Cục Đăng kiểm Việt Nam cùng với sự vào cuộc của các cơ quan, các Hội và đặc biệt là sự hợp tác, phối hợp của lái xe, tạo sự đồng thuận, thống nhất cao trong người dân và dư luận xã hội.
Bộ trưởng nhấn mạnh: Trong thời gian tới sẽ phải quyết liệt và mạnh mẽ hơn trong hoạt động kiểm soát tải trọng xe. 5 tháng đầu năm 2014, tình hình trật tự, ATGT đã có những chuyển biến tích cực và đều giảm ở cả 3 tiêu chí, góp phần thực hiện thành công Năm ATGT 2014 với chủ đề “Siết chặt quản lý hoạt động kinh doanh vận tải và tăng cường kiểm soát tải trọng phương tiện”.
Bộ trưởng chỉ đạo: Tiếp tục hoàn thiện hệ thống văn bản QPPL, thể chế chính sách, đặc biệt là các Thông tư của Bộ GTVT để kịp thời tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp và lái xe. Bên cạnh đó, cần nâng cao tinh thần trách nhiệm, đạo đức người thi hành công vụ, xử phạt nghiêm những trường hợp vi phạm, đặc biệt là trách nhiệm của người đứng đầu.
Để đảm bảo hoạt động, Bộ trưởng đề nghị tiếp tục đào tạo nguồn nhân lực, tăng cường công tác tuần tra, thanh tra, kiểm soát; nâng cao năng lực vận tải, tuyên truyền sâu rộng tới người dân và chủ phương tiện, tạo sự đồng thuận, góp phần giảm thiểu TNGT, đảm bảo kết cấu hạ tầng giao thông, phát triển kinh tế đất nước ngày càng giàu mạnh.
Việt Cường
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.