Nạo vét luồng Quy Nhơn: Sẽ trục với tàu chìm trước Tết Nguyên đán

Tác giả: Trí Thiện

saosaosaosaosao
Giao thông 24h 03/01/2018 16:11

Trong cơn bão số 12 (ngày 4/11), liên tiếp 6 con tàu chìm tại biển Quy Nhơn, đáng chú ý, tàu Biển Bắc 16 chìm ngay cửa luồng khiến sự lưu thông gặp nhiều khó khăn. Bộ GTVT, Cục hàng hải VN và tỉnh Bình Định đang khẩn trương nạo nét, mở rộng luồng, đồng thời trục với ngay tàu đắm trong tháng 1/2018.

 

anh-1-nao-vet-thong-luong-cua-bien-quy-nhon-151282
Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam Nguyễn Xuân Sang kiểm tra hiện trường tàu Biển Bắc 16 bị chìm ở cửa biển Quy Nhơn - Ảnh: TRƯỜNG AN (Tuổi trẻ)

Có mặt tại luồng Quy Nhơn vào những ngày đầu năm mới, dù thời tiết trong xanh và đã qua những cơn bão, gió chỉ ở cấp 5-6, nhưng khi xuống thuyền, những cơn sóng lừng vẫn khiến không ít người say sóng.  Ông Nguyễn Bá Đính, Giám đốc Công ty CP Nạo vét dường biển 1 (Vinawaco) cho biết: Do thời tiết Quy Nhơn xấu, nên những khi trời đẹp như hôm nay,các đơn vị phải tranh thủ làm ngày, làm đêm để bù tiến độ. Cái khó hiện tại là có tàu đắm trong luồng, lại phải đảm bảo tàu bè lưu thông nên hoạt động nạo vét cần phải khẩn trương hơn.

“Mở rộng” luồng Quy Nhơn

Do tàu Biển Bắc 16 đắm trong luồng, đây là vị trí “eo nhỏ” nên tàu bè ra vào cực kỳ khó khăn. Sau nhiều cuộc họp giữa Bộ GTVT, UBND tỉnh Bình Định, Cục hàng hải VN đã đi đến thống nhất mở thêm đoạn luồng tạm bên đối diện tàu đắm.

Ông Nguyên Khôi, Tổng giám đốc Tổng công ty Xây dựng đường thủy (Vinawaco) cho biết: Vị trí luồng hàng hải mới này được thiết kế, nạo vét mở rộng phía bên trái từ phao số 4 đến phao số 6, đạt độ sâu -9,5m. Luồng có nhiều dài khoảng 888m, điểm rộng nhất thêm 70m so với luồng cũ, khối lượng thi công khoảng 30.000m3.

“Ngay sau khi được đồng ý phê duyệt, các đơn vị đã huy động tối đa nhân lực, máy móc thi công xuyên đêm. Dù luồng mới, đất cứng, thời tiết khó khăn nhưng chỉ sau 2 ngày, đoạn tuyến luồng mới đã hoàn thành, đạt độ sâu -9,5m. Đến ngày, 13/11/2017, tuyến luồng đã chính thức được thông, đảm bảo phục vụ tàu thuyền qua lại”, ông Khôi nói.

Cũng theo tìm hiểu của TBKTVN, do năm nay có một số khó khăn trong việc nhận chìm, nên một số dự án nạo vét hàng hải bị ách tắc, trong đó có luồng Quy Nhơn. Cũng do chậm nạo vét nên nhiều điểm trên luồng bị bồi lắng nghiêm trọng.

Ông Huỳnh Anh Văn, Trưởng phòng pháp chế, Cảng vụ hàng hải Quy Nhơn cho biết: Trước khi tàu đắm, luồng Quy Nhơn công bố độ sâu -8m (đáng lẽ là phải -9,5m so với mực nước số 0 hải độ), điều này khiến đa số tàu thuyền có tải trọng từ 30.000 DWT đến 50.0000 DWT không vào được luồng, gây nhiều thiệt hại cho cảng biển và vận tải biển.

Chính vì thế, để đảm bảo sự thông suốt toàn tuyến, ông Nguyễn Bá Đính cho biết, hiện Công ty Cổ phần nạo vét đường biển 1 đã huy động 2 tàu hút, xả đáy lớn nhất Việt Nam là Long Châu và Long Châu 2 cùng hơn 70 cán bộ công nhân viên nạo vét mở luồng Quy Nhơn. Sau hơn 1 tháng nạo vét (thực chất đơn vị thi công chỉ được 15 ngày do thời tiết xấu), khối lượng đạt khoảng 300.000m3. Dù nhiều khó khăn, nhưng công Đính cam kết trong tháng 1/2018, sẽ nỗ lực hoàn thành xong nạo vét toàn bộ luồng Quy Nhơn.

Khẩn trương trục vớt tàu đắm trong luồng

Trao đổi với TBKTVN, ông Huỳnh Anh Văn cho biết thêm: Trong cơn bão số 12, có 6 tàu chìm tại biển Quy Nhơn, lý do là điểm neo đậu trú bão tại khu vực đã đầy, không thể tiếp nhận thêm tàu, vì thế, các tàu này buộc phải đậu ngoài biển nên đã bị sóng đánh chìm. Riêng tàu Biển Bắc 16, nằm trong luồng nên cấp thiết phải trục vớt ngay. Ngay sau khi tàu chìm, Cảng vụ Quy Nhơn đã phối hợp với các đơn vị thực hiện hút dầu an toàn,tìm kiếm các thuyền viên còn mất tích và yêu cầu sớm trục vớt tàu Biển Bắc 16.

Để việc trục vớt và tìm kiếm thuyền viên được nhanh chóng, ông Nguyễn Xuân Sang, Cục trưởng Cục hàng hải VN cho biết: Cục đã thành lập Tổ công tác đặc biệt do một Cục phó làm tổ trưởng, cùng 8 thành viên liên ngành. Tổ công tác này có nhiệm vụ tiếp tục chỉ đạo tìm kiếm các thuyền viên tàu Jupiter còn mất tích, chỉ đạo khai thác luồng hàng hải Quy Nhơn sau khi được mở rộng, đôn đốc việc trục vớt các tàu bị chìm và mắc cạn ở vùng biển Quy Nhơn.

Tuy nhiên, theo tìm hiểu của TBKTVN, việc trục với tàu Biển Bắc 16 không hề đơn giản. Đây là tàu chở cliker xi măng, đã chìm ở độ sâu từ -12m đến -14m. Mà muốn trục vớt thì phải lấy hàng, nhưng việc xử lý xi măng đã đóng khối ở độ sâu như vậy là không hề đơn giản, phải có các đơn vị trục vớt chuyên nghiệp, đủ mạnh thực hiện.

Ông Nguyễn Cảnh Toàn, Phó giám đốc Công ty TNHH VTB Cửu Long – đơn vị thực hiện nhiệm vụ trục vớt cho biết: Do thời tiết xấu và luồng Quy Nhơn là khu vực sóng lừng nên rất khó khăn khi trục vớt. Dự kiến, nếu điều kiện thời tiết cho phép, Công ty Cửu Long sẽ tiến hành thi công vào ngày 5/1/2018.

“Điểm khó nhất hiện tại là phá clinker đã đông kết sẽ dùng bơm áp lực có công xuất 18kg/cm2, sau đó, sẽ dùng cần cẩu nổi có gầu để đưa clinker từ 2 hầm lên xà lan. Nếu xuôn sẻ chúng tôi sẽ hoàn thành “bốc hàng” trong 10 ngày. Đây là khâu khó khăn nhất. Dự kiến, toàn bộ quá trình trục vớt sẽ hoàn thành trước tết Nguyên đán Mậu Tuất”, ông Toàn nói.

Theo Cục trưởng Cục Hàng hải Nguyễn Xuân Sang, việc trục vớt các tàu đắm là rất quan trọng, vì thế, các đơn vị trục vớt chậm sẽ tiến hành xử lý theo đúng quy định, thay bằng các đơn vị đủ năng lực.

Ý kiến của bạn

Bình luận