Khó khăn nào cũng có thể vượt qua...
Có lẽ không cần phải đợi đến con số tổng kết của ngành Hàng không, chúng ta đều có thể hình dung được sự sụt giảm khi hàng không là lĩnh vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ đại dịch Covid-19.
Tại các cảng hàng không, lượng hành khách thông qua đạt 66 triệu lượt khách, giảm 43% so với năm 2019; lượng hàng hóa thông qua đạt 1,3 triệu tấn, giảm 14,7% so với năm 2019. Đối với các hãng HKVN, năm 2020 vận chuyển được 32,1 triệu khách, giảm 41,6% so với năm 2019; vận chuyển hàng hóa đạt 287,2 nghìn tấn, giảm 35,1% so với năm 2019. Đó là những con số biết nói, là minh chứng cụ thể cho những khó khăn mà các hãng HKVN nói riêng và hàng không thế giới nói chung phải đối mặt trong năm qua.
Khó khăn chồng chất khó khăn như vậy, tuy nhiên đến nay không một hãng hàng không nào của Việt Nam chịu “đầu hàng” mà vẫn tìm mọi biện pháp để “bay” qua đại dịch. Mỗi hãng có một hướng đi, chiến lược riêng, song tựu chung lại đều thể hiện tinh thần, bản lĩnh của con người Việt Nam, luôn kiên cường trong mọi hoàn cảnh.
Có lẽ, chưa bao giờ hàng không phải lo vị trí đỗ, sắp xếp tàu bay, rồi còn phải bảo quản động cơ tàu bay khi không được cất cánh trong mùa dịch. Đó là chưa kể khi có sự cố xảy ra, rồi mưa bão giông lốc, hàng loạt máy bay nằm phơi mình như vậy sẽ phải được xử lý như thế nào? Đó quả thực là bài toán khiến nhiều cơ quan, nhà chức trách và bộ phận trực tiếp nhà ga, sân bay phải đau đầu.
Dừng bay, dừng hoạt động, rồi thời gian đầu khi được bay trở lại cũng chỉ cầm chừng, đợt dịch này chưa dứt đã đến đợt dịch kia, khó khăn vẫn luôn chất đầy. Không được bay, lương phi công giảm mạnh, bộ phận tiếp viên cũng không ngoại lệ. Nhiều tiếp viên hàng không phải xoay sang nghề dạy online về kỹ năng để trở thành tiếp viên hoặc chia sẻ những tình huống làm việc “trên trời”. Đối với lao động mặt đất, nhiều bộ phận phải làm việc luân phiên, thu nhập theo đó chỉ bằng một nửa hoặc thấp hơn.
Đến thời điểm hiện tại, hoạt động bay thương mại quốc tế vẫn chưa thể mở lại do tình hình dịch bệnh trên thế giới vẫn còn diễn biến phức tạp. Do đó, HKVN không thể “hồi phục” trong một sớm một chiều. Tuy nhiên, các hãng HKVN luôn chuẩn bị sẵn sàng để được tung đôi cánh bay đến các miền xa cho thỏa “nỗi nhớ” bầu trời.
Sẵn sàng để tăng tốc
Vừa qua, hai dự án nâng cấp đường băng sân bay Tân Sơn Nhất, Nội Bài với tổng mức đầu tư hơn 4.000 tỷ đồng đã hoàn thành giai đoạn một, đảm bảo phục vụ Tết.Sau 6 tháng thi công, dự án nâng cấp, cải tạo đường băng Tân Sơn Nhất (tổng mức đầu tư 2.015,3 tỷ đồng) đã sửa chữa xong đường băng 25R/07L, dài 3 km, rộng gần 46 m; 4 đường lăn nối E1, NS1, W4, W6 cùng các công trình phụ trợ. Tương tự, dự án nâng cấp, cải tạo đường băng sân bay Nội Bài (tổng mức đầu tư 2.031 tỷ đồng) đã hoàn thành cải tạo 3.000 m đường cất, hạ cánh 1B và các đường lăn nối, hệ thống thoát nước.
Sân bay Nội Bài và Tân Sơn Nhất phải đóng cửa một đường để sửa chữa nên các nhà chức trách hàng không, các đơn vị quản lý cảng và hãng hàng không vẫn phải lên phương án điều chỉnh kế hoạch khai thác để đảm bảo chất lượng dịch vụ và an ninh, an toàn hàng không trong bối cảnh sân bay vừa thi công vừa khai thác. Cục trưởng Cục HKVN Đinh Việt Thắng cho biết, căn cứ vào các giai đoạn thi công của dự án, Cục HKVN đưa ra phương án điều tiết chuyến bay cho phù hợp với năng lực khai thác. Trong suốt quá trình thi công, Cục HKVN đã giám sát chặt chẽ để đảm bảo nhà thầu thực hiện đúng biện pháp thi công và biện pháp an ninh an toàn đã được phê duyệt. Đồng thời, các cảng vụ hàng không Nội Bài và Tân Sơn Nhất thường xuyên giám sát, đảm bảo an toàn tuyệt đối các chuyến bay. Đặc biệt, để đảm bảo công tác an ninh, an toàn bay, theo chỉ đạo từ Cục HKVN, các đơn vị liên quan đều có kế hoạch chủ động ứng phó với các tình huống phát sinh trong thời gian tạm đóng cửa một đường cất, hạ cánh. Trong đó, cả sân bay Nội Bài, Tân Sơn Nhất đều đã tiến hành điều chỉnh phương án khẩn nguy, cứu nạn, cứu hộ, di dời máy bay, quán triệt các lực lượng liên quan tăng cường phối hợp, đảm bảo tuyệt đối an toàn bay.
Bước sang những ngày đầu năm mới 2021, một sự kiện quan trọng đã được diễn ra tại tỉnh Đồng Nai, đó là Lễ Khởi công xây dựng Cảng HKQT Long Thành giai đoạn 1 - Dự án thành phần 3 sau bao năm chờ đợi.
Như phát biểu của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc: “Dự án sân bay Long Thành nằm trong số 16 dự án sân bay được mong chờ nhất thế giới. Việc đầu tư xây dựng Cảng HKQT Long Thành là cần thiết và cấp bách nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển của thị trường hàng không, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, tăng cường khả năng bảo đảm quốc phòng - an ninh. Đây cũng là dự án hạ tầng có quy mô vốn lớn nhất Việt Nam từ trước đến nay”.
Theo quy hoạch đã được phê duyệt, dự án nằm trên địa bàn 6 xã của huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai, có diện tích 5.000 ha, trong đó diện tích đất xây dựng kết cấu hạ tầng cảng hàng không là 2.750 ha, diện tích đất cho quốc phòng và xây dựng kết cấu hạ tầng hàng không dùng chung quân sự và dân dụng là 1.050 ha, diện tích đất cho hạng mục phụ trợ, công nghiệp hàng không và công trình thương mại khác là 1.200 ha. Tổng mức đầu tư cho toàn bộ dự án là 336.630 tỷ đồng, được chia làm 3 giai đoạn. Khi hoàn thành, sân bay Long Thành sẽ có 4 đường cất, hạ cánh, 4 nhà ga hành khách cùng với các hạng mục phụ trợ đồng bộ, công suất 100 triệu hành khách/năm và 5 triệu tấn hàng hóa/năm. Đây quả thật là một công trình đồ sộ, quy mô, tầm cỡ với những công nghệ hiện đại bậc nhất được sử dụng.
Tiếp sau những cái tên Vietnam Airlines, Vietjet Air, Pacific Airlines, Bamboo Airways, Việt Nam sẽ có thêm hãng hàng không mới Vietravel Airlines. Tất cả đã sẵn sàng cho những hành trình và trải nghiệm hứa hẹn nhiều điều thú vị.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.