Nên đưa môn học Luật Giao thông vào chương trình đào tạo

30/04/2018 17:29

Gần đây, liên tiếp xảy ra các vụ tai nạn giao thông (TNGT) liên quan đến các em học sinh. Thực tế này đặt ra yêu cầu các cơ quan chức năng cần đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền cũng như sớm nghiên cứu, đưa môn học Luật Giao thông vào chương trình giảng dạy, đào tạo ở các cấp học.

 

Nên đưa môn học Luật Giao thông vào chương trình đ
Cơ quan chức năng cần sớm nghiên cứu đưa môn học Luật Giao thông vào trong chương trình đào tạo.

Thực trạng đáng lo ngại

TNGT đi qua, nỗi đau để lại và thật đau xót hơn khi trong thời gian ngắn trở lại đây, số vụ TNGT liên quan đến các em học sinh đang có chiều hướng gia tăng. Nhắc đến vụ TNGT thương tâm xảy ra vào tối 21-4 trên đường Hồ Chí Minh, đoạn qua xã Húc Nghì (huyện Đakrông – Quảng Trị) khiến 4 em học sinh bị tử vong, nhiều người chưa hết bàng hoàng.

Trước đó, em Hồ Văn Vinh (16 tuổi), Hồ Văn Đao (13 tuổi), Hồ Văn Xếp (15 tuổi) và Hồ Văn Hoài (14 tuổi) cùng ở xã Húc Nghì chở nhau trên xe môtô mang BKS 74L1-142.12 lưu thông trên đường Hồ Chí Minh theo hướng vào xã Húc Nghì đã xảy ra va chạm với xe ôtô mang BKS 74C-051.69 đang dừng bên đường. Cú va chạm khiến 3 em đi trên xe môtô tử vong tại chỗ và 1 em tử vong trên đường đi cấp cứu.

Chỉ chưa đầy một ngày sau, vào hồi 14h ngày 22-4, xe ôtô mang BKS 37A-274.54 do anh Đinh Nhâm Thông (trú tại TP Vinh, Nghệ An) điều khiển đang lưu thông theo hướng Hưng Nguyên – TP Vinh thì xảy ra va chạm với 2 xe đạp điện của nhóm học sinh đang trên đường đi học về. Hậu quả vụ tai nạn khiến các em học sinh ngã xuống đường và phải nhập viện cấp cứu trong tình trạng chấn thương nặng.

Trong đó, có em Trần Thị Anh Th (17 tuổi) ở xã Hưng Lam, huyện Hưng Nguyên bị tử vong do vết thương quá nặng. Hai vụ TNGT thương tâm trên chỉ là điển hình trong số nhiều vụ tai nạn, va chạm giao thông liên quan đến các em học sinh xảy ra trong thời gian qua.

Tuy chưa có con số thống kê đầy đủ về tình trạng vi phạm, TNGT liên quan tới các em học sinh, song qua khảo sát dọc tuyến QL1A đi qua địa bàn các tỉnh miền Trung: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình… cũng như trên địa bàn các thành phố lớn: Hải Phòng, Hà Nội v.v.., có thể thấy, nỗi lo về vi phạm, TNGT ở các em học sinh luôn hiện hữu. Khi có mặt tại cổng một số trường THCS, THPT vào giờ tan học dễ dàng thấy các lỗi vi phạm về đội mũ bảo hiểm, điều khiển xe chở quá số người quy định, điều khiển môtô, xe máy khi chưa có GPLX của các em học sinh còn phổ biến.

Đại úy Lê Văn Tiến, Phó Đội trưởng Đội CSGT số 9 – Phòng CSGT Công an TP Hà Nội chia sẻ, thời gian qua, đơn vị đã nhiều lần mở đợt ra quân xử lý các trường hợp học sinh điều khiển phương tiện xe môtô, xe đạp điện vi phạm (không đội mũ bảo hiểm, chở quá số người quy định…), song do thiếu ý thức, một bộ phận các em học sinh vẫn tái vi phạm. Điều này đòi hỏi nhà trường, gia đình và chính quyền địa phương phải tăng cường công tác tuyên truyền hơn nữa đối với các em.

Đồng quan điểm trên, thầy Nguyễn Thế Hưng, Hiệu trưởng Trường THPT Phạm Hồng Thái (Hà Nội) cho rằng, dù nhà trường thường xuyên phổ biến, tuyên truyền và nhắc nhở các em học sinh chấp hành Luật Giao thông, nhưng tình trạng các em học sinh ngồi sau xe môtô do phụ huynh chở đến trường không đội mũ bảo hiểm vẫn còn tồn tại.

Phụ huynh không nuông chiều con

Trước câu hỏi, biện pháp nào đẩy lùi vi phạm, TNGT liên quan tới các em học sinh? Thầy Nguyễn Thế Hưng nêu ý kiến, việc lồng ghép các nội dung tuyên truyền về ATGT trong các bài giảng, giờ ngoại khóa ở trường thôi chưa đủ. Lẽ vì công tác tuyên truyền trong nhà trường chỉ là “giờ học lý thuyết”, còn quá trình tham gia giao thông chính là “giờ học thực hành”.

Ví như trên lớp, các em học sinh được nghe thầy cô tuyên truyền nội dung: “điều khiển phương tiện không được lấn làn đường, không đường vượt đèn đỏ”, nhưng khi tham gia giao thông, các em lại thấy các lỗi vi phạm trên diễn ra phổ biến thì việc tuyên truyền trên ghế nhà trường sẽ không đem lại hiệu quả cao.

Bên cạnh đó, các bậc phụ huynh phải là tấm gương cho các em học sinh noi theo; nên mọi người hãy tránh nuông chiều quá mà để các em vi phạm Luật Giao thông (điều khiển xe môtô khi chưa có GPLX; không đội mũ bảo hiểm khi ngồi trên xe đạp điện, xe môtô…).

Theo Đại tá Trần Sơn, nguyên Phó trưởng Phòng Hướng dẫn luật và Điều tra, xử lý TNGT - Cục CSGT (Bộ Công an), công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục của gia đình, nhà trường và các tổ chức đoàn thể về pháp luật ATGT bằng những hình thức, nội dung thiết thực như: thông qua khẩu hiệu pa nô áp phích – biển báo, giờ học tập ngoại khóa… cần được tăng cường hơn nữa. Việc tuyên truyền nên phổ biến rộng rãi ở các cấp học (mầm non, tiểu học, THCS, THPT…), tạo nền tảng nhận thức cho các em.

Cùng với đó, các cơ quan chức năng sớm nghiên cứu, đưa nội dung kiến thức pháp luật về TTATGT vào trong chương trình giảng dạy, đào tạo. Coi đây là một trong những môn học có tính chất điều kiện. Như vậy, việc xây dựng văn hóa giao thông trong trường học sẽ được nâng lên thành thói quen tự giác cho các em học sinh.

Liên quan đến vấn đề này, chiều 6-4, tại Hội nghị đánh giá công tác phối hợp giữa Bộ Giao thông Vận tải và UBND TP Hà Nội trong công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực giao thông vận tải trên địa bàn thành phố, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung cũng đã đề xuất đưa chương trình học Luật Giao thông đường bộ vào bậc học THPT để khi tốt nghiệp xong các em có thể thi lấy GPLX môtô và ôtô.

Theo đánh giá của Cục CSGT (Bộ Công an), hiện nhiều em được gia đình chiều chuộng, giao xe môtô cho điều khiển khi chưa đủ tuổi; khi vi phạm Luật Giao thông, bị lực lượng chức năng xử lý thì bố mẹ, gia đình lại tìm mọi cách xin bỏ qua lỗi vi phạm khiến các em càng coi thường pháp luật, tuỳ tiện, vô ý thức khi tham gia giao thông.

Tình trạng học sinh không đội mũ bảo hiểm, chở ba, đi hàng ngang, vượt đèn đỏ, phóng nhanh vượt ẩu, lạng lách đánh võng điều khiển xe đạp điện, xe máy điện không đội mũ bảo hiểm; học sinh tiểu học không được cha mẹ nhắc nhở và thực hiện quy định đội mũ bảo hiểm khi đi môtô, xe máy… đang là những vấn đề khó trong việc nâng cao văn hóa giao thông cho thanh, thiếu niên hiện nay.

Ý kiến của bạn

Bình luận