Nét đẹp công sở ngành GTVT qua phong trào “4 xin, 4 luôn”

Tác giả: Cao Hà

saosaosaosaosao
Giao thông 24h 29/10/2019 14:55

Trong suốt 5 năm qua, việc thực hiện văn hóa công sở, văn hóa doanh nghiệp trong giao tiếp theo phương châm “4 xin, 4 luôn” đã góp phần xây dựng hình ảnh người lao động ngành GTVT đẹp hơn trong mắt người dân.

 

MJM_3167
Nhân viên Trạm thu phí BOT cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ luôn tươi cười với khách khi làm nhiệm vụ

Thay đổi hình ảnh người lao động ngành GTVT 

Kể từ tháng 5/2014 đến nay, việc xây dựng văn hóa công sở, văn hóa doanh nghiệp trong giao tiếp theo phương châm “4 xin”: “Xin chào, xin lỗi, xin cảm ơn, xin phép” và “4 luôn”: “Luôn mỉm cười, luôn nhẹ nhàng, luôn thấu hiểu, luôn giúp đỡ” mà Công đoàn GTVT Việt Nam phát động đã tạo sự chuyển biến mạnh mẽ và sâu rộng về ý thức tự tu dưỡng, rèn luyện, nâng cao ý thức, đạo đức, tác phong làm việc, tinh thần trách nhiệm của đội ngũ CB, CNVC lao động ngành GTVT. Điều này được người dân ghi nhận và đánh giá cao.

Có mặt tại Trung tâm Đăng kiểm Xe cơ giới 29-03V Hà Nội tại số 2, đường Cầu Giấy trong một buổi chiều thu, PV choáng ngợp trước số lượng xe đang chờ đăng kiểm và điều khiến chúng tôi ấn tượng hơn nữa là thái độ làm việc của các nhân viên nơi đây. Ngay khi có xe tiến vào cổng, đội ngũ nhân viên đã ra chỉ dẫn xe đỗ theo thứ tự và hướng dẫn khách hàng những thủ tục, quy trình cần thực hiện đăng kiểm.

Chia sẻ với PV, anh Phạm Đức Ngọc (trú tại quận Hai Bà Trưng, TP. Hà Nội) cho biết: “CB, NV tại trung tâm đăng kiểm này rất nhiệt tình chỉ bảo và sắp xếp, xử lý đăng kiểm cho các phương tiện rất nhanh chóng. Khi có vướng mắc thì được giải đáp, hướng dẫn tận tình với thái độ nhẹ nhàng. Về cơ bản, cách làm việc với người dân tại trung tâm này rất trách nhiệm, vì vậy tôi thường xuyên mang xe đến đây đăng kiểm”.

Dưới góc độ của người quản lý, ông Đỗ Tràng Hưng - Giám đốc Trung tâm Đăng kiểm Xe cơ giới 29-03V Hà Nội cho biết, để thực hiện văn hóa ứng xử theo phương châm “4 xin, 4 luôn”, Trung tâm đã có nhiều cố gắng và thay đổi. Mọi cán bộ trong Trung tâm đều có thái độ nhiệt tình, gần gũi, luôn lắng nghe khách hàng. Bên cạnh đó, Trung tâm có nhiều giải pháp tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng như có loa thông báo, xếp thứ tự xe kiểm định và khi lượng phương tiện đến kiểm định quá nhiều thì Trung tâm viết giấy hẹn và hẹn lịch kiểm định qua tổng đài. Sau 5 năm thực hiện văn hóa ứng xử, Trung tâm nhận được sự hài lòng từ khách hàng và lượng phương tiện đến kiểm định ngày càng đông.

Rời Trung tâm Đăng kiểm Xe cơ giới 29-03V Hà Nội, PV có mặt tại Trạm thu phí BOT cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ vào đúng giờ cao điểm, lưu lượng xe qua đây khá lớn. Từng đoàn xe nườm nượp băng qua trạm thu phí. Điều đáng nói, thay vì chỉ phát/thu thẻ, thu tiền, nhân viên thu phí tại đây luôn có nụ cười niềm nở cùng lời nói “xin chào", "xin cảm ơn”. Điều này đã tạo ấn tượng tốt đối với mỗi lái xe khi qua trạm, mang lại sự thoải mái nhất cho khách hàng. Nhiều lái xe sau khi chạy cung đường hàng trăm kilomet đã không giấu được sự hài lòng khi nhận được những nụ cười, lời nói nhẹ nhàng của nhân viên thu phí.

Tiếp tục lan tỏa 

Đánh giá về phong trào “4 xin, 4 luôn”, ông Đỗ Nga Việt - Chủ tịch Công đoàn GTVT Việt Nam cho biết, đến nay sau 5 năm, phong trào này vẫn được duy trì thường xuyên, tạo sức lan tỏa trong toàn thể CB, CNVC, hình thành nét đẹp văn hóa người giao thông. Điều dễ thấy nhất là tại những nơi trước kia “có tiếng” về sự lộn xộn, hách dịch như bến tàu, bến xe thì nay đã xuất hiện nhiều hơn những lời thưa gửi mềm mỏng, lịch sự, những sự chỉ dẫn, giúp đỡ nhiệt tình, chu đáo của nhân viên bán vé, nhân viên phục vụ… Tại các cơ quan hành chính thường xuyên tiếp xúc với người dân, doanh nghiệp đã có nhiều cải cách, đổi mới thủ tục hành chính, công khai, minh bạch, giảm bớt các thủ tục phiền hà hay thái độ cửa quyền, sách nhiễu.

Để phong trào đạt hiệu quả thiết thực, Công đoàn Ngành đã tranh thủ sự lãnh đạo của Đảng, phối hợp chặt chẽ với chuyên môn khi triển khai nhiệm vụ. Vì vậy, phong trào đã trở thành nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị. Việc triển khai thực hiện được xây dựng kế hoạch chi tiết, cụ thể cho từng cơ quan, đơn vị, từng chức danh, vị trí công việc. Phương châm “4 xin, 4 luôn” được đặt ở các vị trí dễ thấy nhất như để nhắc nhở CB, CNV, người lao động thực hiện, đồng thời người dân, doanh nghiệp thấy để giám sát.

Theo ông Đỗ Nga Việt, mặc dù trong một vài năm trở lại đây ngành GTVT gặp nhiều khó khăn nhưng Công đoàn GTVT Việt Nam vẫn xác định phải duy trì tốt và lan tỏa rộng văn hóa ứng xử này. Việc giữ được văn hóa ứng xử, văn hóa giao tiếp thực hiện theo phương châm “4 xin, 4 luôn” vô cùng quan trọng để tiếp tục duy trì truyền thống của Ngành cũng như duy trì tổ chức, thực hiện nhiệm vụ chính trị tại các đơn vị. 

“Chúng tôi quyết tâm tiếp tục thực hiện, động viên và thường xuyên đôn đốc, nhắc nhở tất cả các tổ chức, đặc biệt là tổ chức công đoàn duy trì từ các biểu ngữ, công tác tuyên truyền tại nơi công cộng, đơn vị, doanh nghiệp một cách nghiêm túc. Đơn vị nào lơ đãng đều được nhắc nhở. Chính vì vậy, cho dù gặp nhiều khó khăn nhưng văn hóa công sở trong Ngành vẫn được thực hiện rất tốt. Sau 5 năm, văn hóa này vẫn đang “sống” rất mạnh mẽ trong mỗi CB, CNV, mỗi tổ chức trong ngành GTVT. Chúng tôi tin tưởng trong tương lai, văn hóa này sẽ tiếp tục được phát triển lên một tầm cao mới khi Thủ tướng Chính phủ có Quyết định số 1847 về phê duyệt đề án văn hóa công vụ”, Chủ tịch Công đoàn GTVT Việt Nam khẳng định.

Trong những năm tiếp theo, Công đoàn GTVT Việt Nam sẽ tiếp tục tổ chức thực hiện các phong trào thi đua: “Cán bộ, công chức, viên chức thi đua thực hiện văn hóa công sở” giai đoạn 2019 - 2025 nhằm nâng cao nhận thức của CB, CNVC lao động về ý thức, trách nhiệm trong thực hiện văn hóa công vụ, văn hóa ứng xử trong giao tiếp, góp phần tạo dựng nên những giá trị văn hóa công sở, văn hóa doanh nghiệp, chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp, tạo niềm tin, môi trường giao tiếp thân thiện, nền nếp, làm việc khoa học, có kỷ cương, dân chủ; “Thực hiện văn hóa công sở là để phục vụ nhân dân tốt hơn”. Đồng thời, các tổ chức, đơn vị cần nghiên cứu, bổ sung những hình thức tuyên truyền đa dạng, phong phú, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ hơn nữa về phong trào “Văn hóa công sở”, gây dựng hình ảnh đẹp về người CB, CNVC lao động ngành GTVT

Ý kiến của bạn

Bình luận