Sáng nay (10/6), tại Hà Nội, Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ, Văn phòng các Chương trình Khoa học & Công nghệ tổ chức Hội thảo “Báo cáo kết quả xây dựng bản đồ công nghệ, lộ trình công nghệ và đổi mới công nghệ áp dụng cho ngành chọn tạo giống lúa, sản xuất lúa gạo tại Việt Nam.”
Thứ trưởng Trần Văn Tùng phát biểu khai mạc Hội thảo |
Hội thảo có sự tham dự của Thứ trưởng Bộ Khoa học & Công nghệ Trần Văn Tùng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học công nghệ & Môi trường - Quốc hội Lê Bộ Lĩnh, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phan Xuân Cường, Chủ tịch Hội đồng chính sách Khoa học & Công nghệ quốc gia Hoàng Văn Phong, cùng hơn 100 cán bộ quản lý xây dựng chiến lược, chính sách khoa học công nghệ của các Bộ, ban, ngành, viện nghiên cứu, trường đại học…
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Thứ trưởng Trần Văn Tùng cho biết, Nghị quyết của Đảng và Chính phủ luôn coi đổi mới khoa học công nghệ là quốc sách hàng đầu, là một trong những động lực quan trọng nhất để phát triển kinh tế xã hội. Chính vì vậy, chương trình Đổi mới công nghệ quốc gia đến năm 2020 đã chủ động lựa chọn, giao cho các đơn vị tổ chức triển khai xây dựng bản đồ công nghệ, lộ trình đổi mới công nghệ cho một số ngành, lĩnh vực sản xuất quan trọng.
Thứ trưởng đánh giá bản đồ công nghệ tuy mới xuất hiện ở Việt Nam nhưng đã có ý nghĩa thực tiễn cao và đóng vai trò quan trọng trong việc định hướng phát triển khoa học công nghệ cũng như xây dựng chiến lược phát triển các ngành, lĩnh vực hiện nay.
Tiến sĩ Tạ Việt Dũng - Cục trưởng Cục ứng dụng và Phát triển công nghệ báo cáo kết quả nghiên cứu phương pháp xây dựng bản đồ công nghệ tại Việt Nam |
Báo cáo tại Hội thảo, Tiến sĩ Tạ Việt Dũng - Cục trưởng Cục ứng dụng và Phát triển công nghệ cho biết, bản đồ công nghệ ra đời tại Mỹ vào những năm 70 trong bối cảnh nước Mỹ phải đối diện với khủng hoảng năng lượng trầm trọng. Chính phủ Mỹ đã huy động một lượng lớn các nhà khoa học để xây dựng một lộ trình đổi mới công nghệ, nhằm tìm ra nguồn năng lượng mới. Sau 20 năm nghiên cứu xây dựng bản đồ công nghệ và thực hiện lộ trình đổi mới công nghệ, họ đã thành công vượt bậc khi tìm ra nguồn năng lượng từ dầu mỏ. Học tập thành công của Mỹ, nhiều quốc gia phát triển như Đức, Nhật, Hà Lan, Hàn Quốc... cũng bắt đầu nghiên cứu xây dựng bản đồ công nghệ và lộ trình đổi mới công nghệ trong lĩnh vực điện tử, chế tạo, giao thông và nhiều lĩnh vực khác. Hiện tại, 80% doanh nghiệp Nhật Bản, 50% doanh nghiệp Hàn Quốc đã có bản đồ công nghệ.
Nhận thức được vai trò quan trọng của bản đồ công nghệ, năm 2005 Bộ Khoa học và Công nghệ đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ về tính cấp thiết của việc xây dựng bản đồ công nghệ cho một số ngành quan trọng của Việt Nam. Đề xuất của Bộ KH&CN đã được hiện thực hóa thông qua chương trình Đổi mới công nghệ quốc gia đến năm 2020 được phê duyệt theo Quyết định số 677/QĐ-TTg ngày 10 tháng 5 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ.
Năm 2013, Bộ Khoa học & Công nghệ đã giao Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ xây dựng phương pháp chung để thiết lập bản đồ công nghệ, lộ trình đổi mới công nghệ. Sau 2 năm nghiên cứu, Cục đã xây dựng thành công phương pháp thiết lập bản đồ công nghệ cho các ngành, các lĩnh vực tại Việt Nam và tiến hành thử nghiệm xây dựng bản đồ công nghệ cho ngành sản xuất khuôn mẫu. Trên cơ sở phương pháp chung đã được nghiên cứu thành công, Công ty Cổ phần giống cây trồng Trung ương đã tiến hành xây dựng bản đồ công nghệ, lộ trình đổi mới công nghệ cho lĩnh vực chọn tạo giống lúa, sản xuất lúa gạo tại Việt Nam, để đến nay chính thức công bố.
Dự kiến trong năm 2016, Việt Nam sẽ tiếp tục xây dựng bản đồ công nghệ cho ngành sản xuất vắc xin; từ năm 2017-2018 là lĩnh vực công nghệ gen, lĩnh vực công nghệ tế bào gốc, ngành sản xuất vật liệu và linh kiện điện tử, bán dẫn; năm 2019 là ngành công nghiệp cơ khí và một số sản phẩm chủ lực, sản phẩm trọng điểm; đến năm 2020 cơ bản hình thành hệ thống bản đồ công nghệ các ngành, lĩnh vực sản xuất quan trọng.
Để hoàn thành mục tiêu này, trong thời gian tới, Việt Nam cần tiếp tục triển khai thực hiện xây dựng bản đồ công nghệ đối với các ngành, lĩnh vực sản xuất các sản phẩm trọng điểm, sản phẩm chủ lực, sản phẩm quốc gia; áp dụng các kết quả xây dựng bản đồ công nghệ, lộ trình đổi mới công nghệ với phát triển KH&CN; thực hiện việc quản lý các đề tài, dự án, chương trình KH&CN; hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng lộ trình đổi mới công nghệ và thực hiện hoạt động đầu tư nghiên cứu phát triển, đổi mới công nghệ một các rõ ràng và hiệu quả.
Bản đồ công nghệ đóng vai trò hoạch định chiến lược, giúp chúng ta nhận diện rõ ràng, chính xác những vấn đề như: Ta đang sở hữu những công nghệ nào? Khoảng cách của chúng ta so với các đối thủ cạnh tranh? Chúng ta có thể sản xuất được sản phẩm nào? Ở phân khúc thị trường nào? Năng lực vận hành, năng lực nghiên cứu đến đâu và đáp ứng như thế nào đối với yêu cầu phát triển công nghệ, sản phẩm. Trên cơ sở bản đồ công nghệ đã được xây dựng, chúng ta có thể xác định mình cần tập trung phát triển sản phẩm nào? Phát triển như thế nào? Cần những công nghệ gì? Trong điều kiện nguồn lực hạn chế, cần tập trung triển khai những hoạt động cụ thể nào như các nhiệm vụ nghiên cứu các cấp, chuyển giao công nghệ hay đầu tư, mua bán sáp nhập… |
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.