Hình ảnh trích từ trò chơi vidéo AC-130 Gunship Simulator, chụp lại từ Youtube |
Quân đội Nga hôm 14/11/2017 đã công bố những hình ảnh được cho là "bằng chứng không thể chối cãi" của việc Hoa Kỳ "bảo vệ" tổ chức Nhà nước Hồi giáo (Daech hay còn gọi là IS). Tuy nhiên mạng xã hội nhanh chóng phát giác đó là những ảnh chụp lại màn hình một trò chơi video.
Trên các tài khoản chính thức Twitter và Facebook, và một thông cáo mà AFP nhận được, bộ Quốc phòng Nga đăng các không ảnh đen trắng, nói rằng được chụp ngày 9/11 tại biên giới Iraq-Syria.
Cơ quan này khẳng định đây là những "bằng chứng không thể chối cãi" cho thấy Hoa Kỳ "vừa làm ra vẻ đấu tranh chống khủng bố trước cộng đồng quốc tế, vừa bảo vệ cho các đơn vị Daech".
Tuy nhiên tổ chức phi chính phủ Conflict Intelligence Team (CIT) cùng với nhiều cư dân mạng nhanh chóng phát hiện những tấm ảnh này lấy từ trò chơi video chiến tranh "AC-130 Gunship Simulator: Special Ops Squadron" (tạm dịch "Mô phỏng trực thăng chiến đấu AC-130: Đội đặc nhiệm").
Theo CIT, những hình ảnh còn lại là từ các video do Bộ Nội vụ Iraq phổ biến vào năm 2016, về các cuộc không kích quân thánh chiến.
Quân đội Nga bèn nhanh chóng xóa các ảnh đã bị phát hiện, và nói với hãng tin nhà nước Nga RIA-Novosti đây là "sự nhầm lẫn" của một nhân viên dân sự.
Đại tá Ryan Dillon, phát ngôn viên của liên minh chống thánh chiến do Hoa Kỳ lãnh đạo, chế giễu rằng các thông cáo của Bộ Quốc phòng Nga cũng "chính xác" như các cuộc không kích của họ.
Theo ông, sự cố các hình ảnh lấy từ trò chơi video "phù hợp với những cáo buộc của Bộ Quốc phòng Nga, đó là vô căn cứ, không chính xác và hoàn toàn sai trái".
Hồi tháng Sáu, nhiều phương tiện truyền thông cho biết Tổng thống Nga Vladimir Putin đã cho đạo diễn Mỹ Oliver Stone xem một video về Không quân Nga oanh kích Syria, nhưng trên thực tế, đó là cảnh không quân Mỹ oanh kích Afghanistan từ hồi năm 2013.
Điện Kremlin sau đó đã bác bỏ thông tin này.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.