Nga muốn tham gia tái sử dụng tên lửa phục vụ cho du lịch

Ứng dụng 14/03/2016 14:35

Du lịch không gian từ lâu được biết đến như một cơ hội kinh doanh tiềm năng

3630582_spaceshiptwo_tinhte

Tàu vũ trụ SpaceShipTwo thế hệ mới của Virgin Galactic. Ảnh: Space.com.​

 Nga - một trong những cường quốc không gian của thế giới, đang có kế hoạch tham gia vào cuộc đua phát triển tên lửa tái sử dụng, nhằm mục đích chuyên chở những người giàu có đi vào vũ trụ. Du lịch không gian từ lâu được biết đến như một cơ hội kinh doanh tiềm năng, và cơ hội này ngày càng trở nên khả thi bởi sự ra đời của công nghệ tái sử dụng tên lửa, vốn được khởi đầu bởi các công ty tư nhân Mỹ hồi năm ngoái. Phải kể đến đó là hãng Blue Origin (do nhà sáng lập Amazon - ông Jeff Bezos đứng đầu) và Virgin Galactic. Giờ đây, KosmoKurs - một công ty hàng không vũ trụ đến từ Nga cho biết họ cũng có thể sẽ sớm cung cấp một dịch vụ tương tự như những gì mà Blue Origin hay Virgin Galactic hướng tới.

Tuần trước, cơ quan vũ trụ Nga Roscosmos được cho là đã phê duyệt thiết kế của KosmoKurs, bao gồm một tên lửa tái sử dụng và tàu vũ trụ có thể vận chuyển hành khách vào không gian, ở độ cao gần 200 km so với bề mặt Trái đất. Nhận được chấp thuận, công ty tư nhân này sẽ bắt tay vào việc biến những thứ có trong bản vẽ thành hiện thực, với kỳ vọng thực hiện chuyến bay đầu tiên vào năm 2020. Được biết, mỗi chuyến bay dự kiến sẽ kéo dài 15 phút. Trong đó, có khoảng 5-6 phút hành khách sẽ được trải nghiệm cảm giác sống trong môi trường không trọng lực, tương tự như các phi hành gia trên Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS).

Với thông tin trên, có thể thấy những gì mà KosmoKurs muốn làm cũng tương tự như việc mà Blue Origin có kế hoạch triển khai. Trong cuộc đua này, Blue Origin đang tạm dẫn đầu khi hãng đã thực hiện 2 chuyến bay không người lái thành công, với tàu vũ trụ New Shepard. Hiện thời gian bắt đầu bán vé cũng như giá cả vẫn chưa được công ty của CEO Jeff Bezos tiết lộ. Trong khi đó, một công ty khác từ Mỹ là Virgin Galactic do tỷ phú người Anh - Richard Branson đứng đầu, sẽ đưa khách du lịch lên đến độ cao gần 100 km cho 4 phút không trọng lực, trên phi thuyền SpaceShipTwo. Chi phí phải trả cho mỗi chỗ ngồi trên tàu vũ trụ của Virgin Galactic vào khoảng 250.000 USD, gần giống như con số đưa ra bởi KosmoKurs. Theo hãng tin TASS (Nga), KosmoKurs sẽ bán mỗi vé với giá từ 200.000 đến 250.000 USD.

Ngoài ra, nếu bạn đang thắc mắc vì sao cái tên SpaceX không được nhắc đến trong bài viết này, thì có một lời giải thích đơn giản: mục đích mà SpaceX hướng tới không phải là du lịch không gian. Sứ mệnh của Elon Musk và đội ngũ của mình là phát triển tên lửa tái sử dụng để vận chuyển vệ tinh, hàng hóa lên không gian. Mong muốn cuối cùng của hãng là đưa được con người lên vũ trụ, hay cụ thể hơn là trạm ISS và sao Hỏa.

Ý kiến của bạn

Bình luận