Các ngân hàng trung ương như Cục dự trữ Liên bang Mỹ đặt ra mức lãi suất cơ bản để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế ổn định. |
Đây là một trong những nhiệm vụ quan trọng nhất của họ, vì nó xác định chi phí vay và cho vay tiền. Khi lãi suất tăng lên, giá trị của thế chấp và các khoản vay khác cũng tăng lên. Kết quả là ngày càng ít người mua nhà hoặc vay tiền đầu tư vào hoạt động kinh doanh của họ, và nền kinh tế sẽ chậm lại.
Ngược lại, để kích thích nền kinh tế, các ngân hàng trung ương có thể hạ thấp lãi suất cơ bản, làm cho chi phí vay tiền trở nên rẻ hơn. Số tiền vay tăng lên, và nền kinh tế sẽ tăng tốc – ít nhất về mặt lý thuyết.
Tại sao điều này lại quan trọng?
Tăng trưởng kinh tế trực tiếp liên quan đến việc làm. Tăng trưởng nhanh đồng nghĩa với nhiều việc làm hơn. Tuy nhiên, nếu nền kinh tế phát triển quá nhanh, nó có thể bị quá tải.
Người dân vay nợ quá nhiều, và có thể không trả được nợ. Ngân hàng trung ương cung cấp quá nhiều tiền và giá cả tăng quá nhanh. Trong trường hợp xấu nhất, cung cấp quá nhiều tiền có thể dẫn tới lạm phát vượt ngoài tầm kiểm soát.
Ví dụ, siêu lạm phát đã tàn phá nền kinh tế Đức vào đầu những năm 1920s, sau khi chính phủ cố gắng in nhiều tiền để trả nợ sau Thế chiến thứ nhất.
Ngân hàng trung ương bóng gió về việc thay đổi lãi suất như thế nào?
Các nhà đầu tư thường muốn các ngân hàng trung ương ổn định và dễ đoán. Họ cần biết điều gì sắp xảy ra để có thể lập kế hoạch đầu tư cho phù hợp. Xây dựng một doanh nghiệp hoặc quản lý danh mục đầu tư trở nên khó khăn nếu các động thái tăng/giảm lãi suất bất ngờ xảy ra. Đây là lý do vì sao nhiều ngân hàng trung ương cố gắng báo hiệu tăng hoặc giảm lãi suất trước. Và nhiệm vụ của các nhà đầu tư là phải giải mã các tín hiệu này.
Ví dụ, khi Jean-Claude Trichet còn làm Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu từ 2003 – 2011, một trong những cụm từ được lặp đi lặp lại của ông là ngân hàng cần phải cảnh giác về lạm phát. Bất cứ khi nào ông thay đổi một chút thông điệp của mình và nói rằng ‘sự cảnh giác mạnh mẽ’ đã được bảo đảm, các nhà đầu tư biết từ kinh nghiệm rằng điều này báo hiệu việc tăng lãi suất, thường vào ngay tháng tiếp theo. Kết quả là giá trị của đồng euro giảm xuống ngay sau thông báo của ông Trichet – tất cả chỉ vì sự xuất hiện thêm của một từ duy nhất.
Người kế nhiệm của Trichet, Mario Draghi, cũng đã sử dụng từ ‘cảnh giác’ để ra dấu hiệu về hành động chính sách tiền tệ (trong trường hợp của ông là để kích thích chứ không phải kìm hãm nền kinh tế), và các thị trường đã phản ứng lại theo những thông báo của ông Draghi.
Những trách nhiệm khác của ngân hàng trung ương là gì?
Các ngân hàng trung ương tăng và giảm nguồn cung tiền bằng cách mua và bán trái phiếu. Tiền lưu thông càng nhiều, thì việc vay mượn càng dễ dàng xảy ra. Ngân hàng trung ương cũng quản lý dự trữ ngoại tệ và đóng vai trò người cho vay như kế sách cuối cùng. Họ cũng quyết định ngân hàng có thể cho vay bao nhiêu và lượng tiền các ngân hàng này phải giữ lại. Giảm yêu cầu dự trữ - tỷ lệ vốn mà các ngân hàng phải nắm giữ - cũng có thể kích thích nền kinh tế vì nó giải phóng tiền cho vay.
Kể từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, các ngân hàng trung ương đã sử dụng một loạt các biện pháp độc đáo để khôi phục tăng trưởng kinh tế. Họ đã bơm tiền vào các ngân hàng thương mại bằng cách mua trái phiếu của họ, với hi vọng rằng những ngân hàng này sẽ cho các nhà đầu tư vay khoản tiền này. Các ngân hàng trung ương ở châu Âu và Nhật Bản đã giảm lãi suất cơ bản của họ xuống mức âm, trừng phạt hiệu quả các ngân hàng tiết kiệm mà không cho vay.
Tóm lại, các quyết định của ngân hàng trung ương có thể định hình nền kinh tế, nhưng các yếu tố khác cũng đóng vai trò nhất định. Trong đó, lực lượng lao động có tay nghề cao, đổi mới công nghệ, cơ sở hạ tầng tốt rất quan trọng để tăng trưởng nền kinh tế một cách mạnh mẽ.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.