Nguồn nhân lực chất lượng cao cho các doanh nghiệp hỗ trợ hiện vẫn đang thiếu hụt rất lớn. (Ảnh minh họa: KT) |
Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ từ năm 2016 đến năm 2025 bao gồm nhiều hoạt động khác nhau, được Chính phủ xác định là cơ sở để phát triển, tăng trưởng trở thành một ngành công nghiệp bền vững tại Việt Nam.
Một trong những yêu cầu được đặt ra trong chương trình này là tích cực hỗ trợ, đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu của các ngành sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ.
Tuy nhiên hiện nay, nguồn nhân lực còn thiếu và yếu đang là trở ngại lớn của nhiều doanh nghiệp hoạt động trong ngành công nghiệp hỗ trợ. Nhiều doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ vẫn than thở rằng, đang gặp khó khăn bởi nguồn lực lao động đa phần chưa đáp ứng được yêu cầu.
Là một doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực cơ khí chính xác chuyên gia công các sản phẩm cho khách hàng trong các khu công nghiệp đặc biệt là các doanh nghiệp nước ngoài, ông Lê Huy Thức, Tổng Giám đốc PMTT Group cho rằng, doanh nghiệp rất khó tuyển dụng nhân công, dù đã trực tiếp “đặt hàng” từ nhiều trường đại học, cao đẳng.
“Nhu cầu của doanh nghiệp hiện nay muốn tiếp nhận sinh viên ra trường nhưng phải làm việc được ngay. Trong khi sinh viên được đào tạo ở cấp Đại học vẫn thừa, thì nguồn nhân lực trình độ cao đẳng, trung cấp hiện nay lại vô cùng khan hiếm, khiến doanh nghiệp rất khó tuyển dụng”, ông Thức cho biết.
Nhìn vào hiện trạng của ngành công nghiệp hỗ trợ trong những năm qua có thể thấy, nhu cầu về sản phẩm công nghiệp hỗ trợ là rất lớn, đặc biệt là khi tốc độ đầu tư của các doanh nghiệp nước ngoài vào Việt Nam ngày càng tăng cao. Trong bối cảnh khoa học công nghệ phát triển mạnh, đòi hỏi chất lượng sản phẩm của các doanh nghiệp hỗ trợ sẽ ngày càng khắt khe hơn.
Trong bối cảnh đó, các doanh nghiệp ngoài việc phải đầu tư nhiều hơn cho dây chuyền công nghệ mới, hiện đại để đáp ứng yêu cầu sản xuất thì việc trang bị nguồn nhân lực chất lượng cao cho quá trình này ngày càng trở nên bức thiết. Tuy thế, hiện trạng nguồn nhân lực ở Việt Nam thông qua các trường Đại học, Cao đẳng đang cho thấy sự bất cập, thực sự chưa đào tạo và cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cho doanh nghiệp.
Nhận xét về nguồn nhân lực cho công nghiệp phụ trợ nói riêng, TS. Phạm Xuân Khánh, Hiệu trưởng Trường cao đẳng nghề Công nghệ cao Hà Nội (HHT) cho rằng, hiện các trường, các cơ sở đào tạo hiện chủ yếu vẫn đang đào tạo theo năng lực và khả năng của mình, dẫn đến nguồn lực chưa thực sự đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp.
Trong khi đó, các doanh nghiệp cũng chưa có sự kết nối chặt chẽ với nhà trường để yêu cầu đào tạo những gì doanh nghiệp cần, điều này đã dẫn đến nhiều doanh nghiệp phụ trợ luôn bị thiếu hụt nguồn nhân lực.
“Nếu đào tạo sinh viên ngắn hạn nhưng khi ra trường để làm việc được ngay là một yêu cầu rất khó, trong bối cảnh người lao động chưa có tay nghề. Các khoá ngắn hạn chỉ dành cho những người đào tạo lại, bổ sung hoặc đào tạo nâng cao. Để có nhân sự tay nghề cao, doanh nghiệp cần theo sát quá trình đào tạo dài hạn. Nên có sự hỗ trợ thêm hoặc hỗ trợ trực tiếp cho người lao động, hay cung cấp kinh phí cho các cơ sở đào tạo theo số lượng người đăng ký học”, TS. Phạm Xuân Khánh nêu rõ.
Cũng theo TS. Phạm Xuân Khánh, thách thức vô cùng lớn về nguồn nhân lực khi Việt Nam ngày càng hội nhập sâu rộng với nền kinh tế thế giới là nguồn lao động có kỹ năng, tay nghề, ngoại ngữ tốt ở các nước sẽ di chuyển vào Việt Nam. Đặc biệt những thách thức từ cuộc cách mạng Công nghiệp 4.0 đang lan toả toàn cầu, càng đòi hỏi nguồn nhân lực Việt Nam phải có kế hoạch, chiến lược phát triển cụ thể, nắm bắt cơ hội từ 4.0 và vượt qua thách thức.
Trong những năm qua, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách cho phát triển công nghiệp hỗ trợ, nhưng việc triển khai tới doanh nghiệp còn hạn chế. Doanh nghiệp hỗ trợ ngoài vấn đề nhân sự còn “vướng” rất nhiều về vốn ngân hàng, đất đai, điều kiện hỗ trợ xúc tiến – kết nối cung cầu…
Do đó, để phát triển công nghiệp hỗ trợ, ông Nguyễn Hoàng, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp ngành công nghiệp hỗ trợ Hà Nội nhấn mạnh, cần có những đột phá trong triển khai bằng quyết tâm của các cấp các ngành nhằm cụ thể hoá các chính sách, để doanh nghiệp có thể tiếp cận được các nguồn lực về tài chính công nghệ, hướng tới sự kết nối giữa doanh nghiệp trong nước và nước ngoài ngay tại thị trường Việt Nam.
Đặc biệt, để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho công nghiệp hỗ trợ, ông Hoàng đề xuất đến sự hợp tác hai chiều. Các trường đào tạo tiến hành khảo sát, trao đổi với các doanh nghiệp về nhu cầu nhân lực, từ đó xây dựng những phương pháp đào tạo mang tính trọng tâm.
"Phía các doanh nghiệp hỗ trợ cũng hướng tới việc liên kết chặt chẽ với các nhà trường đưa ra yêu cầu cụ thể, hỗ trợ nhà trường đào tạo nhân lực, tạo việc làm cho sinh viên… có như vậy nhân lực cho công nghệ hỗ trợ mới thực sự đáp ứng được yêu cầu", ông Hoàng nói.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.