Bằng cách chọn rời Liên minh châu Âu hay Brexit, người Anh vừa đem đến cho nhiều du khách cơ hội hiếm có để sở hữu những bộ cánh sang trọng như chiếc áo khoác Burberry , chiếc khăn hiệu Harrods Stilton, Liberty với mức giá rẻ, qua đó thúc đẩy tăng trưởng ngành du lịch, thời trang.
Kết quả của cuộc trưng cầu dân ý được công bố hôm 24/6 đã khiến đồng bảng Anh giảm mạnh, làm cho hàng hóa và dịch vụ của nước này rẻ hơn tương đối trong mắt du khách ngoại.
Cho nên, những tín đồ thích thời trang và đi du lịch ắt hẳn sẽ không bỏ lỡ cơ hột bất ngờ này. Bằng chứng là trên ứng dụng du lịch Ctrip.com của Trung Quốc, lượng tìm kiếm kỳ nghỉ tại Anh "tăng đột biến" trong khi trang tin Phoenix của Trung Quốc đưa tin du khách sang London chỉ để "mua, mua và mua".
Có thể nhiều lĩnh vực tại Anh gặp khó khăn hậu Brexit, nhưng với các công ty thời trang thì đây quả là cơ hội.
Bảng Anh rớt giá mang lại cơ hội cho các công ty thời trang xa xỉ của Anh khi người Trung Quốc là khách hàng mua sắm nhiều nhất hàng cao cấp khi đi du lịch nước ngoài. Năm 2015, có đến 270.000 chuyến "ghé thăm” của người Trung Quốc tới Anh, tăng 46%, theo số liệu của trang du lịch VisitBritain. Hãng hàng không British Airways cũng cho biết, bảng Anh giảm giá sẽ thúc đẩy lượng khách du lịch đến Anh.
Edouard Meylan, giám đốc điều hành hãng đồng hồ Thụy Sỹ H.Moser & Cie, cho biết "Tôi không ngạc nhiên khi thấy khách du lịch Trung Quốc và Trung Đông đổ xô đến Anh. Mọi người sẵn sàng đi du lịch chỉ để mua được món đồ có mức chiết khấu 5-10% hay 20%".
Du khách đến Anh tăng lên sẽ mang lại lợi ích cho các công ty của Anh như Burberry Group và Mulberry Group - vốn đang vật lộn trong bối cảnh nhu cầu hàng xa xỉ giảm và nguy cơ khủng bố tại châu Âu. Anh là thị trường lớn thứ 6 thế giới về chi tiêu cho hàng xa xỉ với mức 15,5 tỷ euro (17,2 tỷ USD).
Zihao Xie, du khách 24 tuổi từ tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc cùng gia đình đến Anh để mua sắm hàng xa xỉ. Tận dụng cơ hội bảng Anh giảm giá, cậu đã mua được một chiếc áo choàng Burberry và chị gái cậu thì mua được một chiếc túi Coach.
Cơ hội cho ngành du lịch, thời trang
Michael Ward, giám đốc của hãng Harrods cho biết bất cứ đợt sụt giảm giá trị ngắn hạn nào của đồng Bảng Anh đều sẽ ảnh hưởng “tích cực” đến lượng khách du lịch đến thành phố London.
Song các lợi ích này có thể mất thời gian để trở thành hiện thực, vì du khách sẽ mất thêm thời gian để xin visa và đặt phòng khách sạn, theo trang Ctrip.com. Ngoài ra, một số doanh nghiệp sang trọng cũng có thể nâng giá bán sản phẩm nếu đồng bảng trượt giá lâu dài. Hiện giá cổ phiếu hãng LVMH của Pháp và Kering, công ty sở hữu thương hiệu Gucci, cũng đang giảm vì các nhà đầu tư lo ngại về rủi ro của cuộc bỏ phiếu ở Anh đối với cả ngành.
Theo giới phân tích ngân hàng HSBC viết trong một ghi chú, “Một trong những lý do quan trọng để bạn mua sản phẩm xa xỉ là chúng làm bạn thỏa mãn”.
Bảng Anh giảm 10% có thể giúp lợi nhuận trước thuế của doanh nghiệp thời trang như Burberry tăng thêm 90 triệu bảng, theo John Guy, nhà phân tích tại MainFirst Bank AG. Thị trường Anh đóng góp 10% tổng doanh thu của Burberry và 60% số đó là từ du khách, theo ước tính của Citigroup.
Tin vui cho du lịch London có thể là tín hiệu buồn cho khu muc sắm Ginza ở Tokyo. Tuy lượng khách Trung Quốc sang Nhật Bản tháng vừa qua tăng 31% so với một năm trước, lượng du khách đang tăng chậm lại trong thời gian gần đây vì yen Nhật tăng giá.
Theo Michella Ma, một chuyên gia phân tích của Bloomberg, đi du lịch đến Anh hay Châu Âu hiện tại thay vì đến Nhật Bản sẽ có thể tiết kiệm cho khách du lịch 40%.
“Nếu tương lai của đồng yên còn bất ổn và tăng mạnh, việc này vô tình ngăn chặn mọi khách du lịch đến Nhật Bản”, Yoko Yamazaki, giám đốc của một công ty du lịch tại Nhật cho biết.
Ngoài ra, các sòng bạc tại Macau cũng đón nhận tin xấu khi đồng Nhân dân tệ mất giá so với đồng đô la Hồng Kông, khiến những người du lịch mà đặc biệt là khách Trung Quốc ít ghé thăm ốc đảo cờ bạc này.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.