Ngành Giao thông vận tải: Chuẩn bị tốt nguồn nhân lực chất lượng cao

Tác giả: Hoàng Thạch

saosaosaosaosao
Giao thông 24h 25/11/2018 06:16

Thời gian qua, Bộ GTVT luôn nhận thức sâu sắc về vị trí, vai trò nguồn nhân lực trong chiến lược phát triển của Ngành. Từ đó, Bộ đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan tập trung nghiên cứu, phân tích làm rõ tình hình phát triển nhân lực, trong đó đặc biệt quan tâm đến nhân lực chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu hội nhập của Ngành, đặc biệt là cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4.

 

dsc_4713_1-1304
 Sinh viên Trường Đại học Hàng hải Việt Nam

Chất lượng để khẳng định vị thế

Nhằm đáp ứng kịp thời, chuẩn bị những điều kiện tốt nhất để phát triển nguồn nhân lực, Bộ GTVT đã thành lập Ban Chỉ đạo về công tác đào tạo theo nhu cầu xã hội. Ban Cán sự đảng Bộ đã ban hành Chương trình hành động về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu phát triển của Ngành, phù hợp với chiến lược, quy hoạch phát triển nhân lực của Chính phủ.

Bên cạnh đó, Bộ GTVT đã rà soát việc thực hiện quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học và cơ sở giáo dục nghề nghiệp, thực hiện điều chỉnh để phù hợp với quy hoạch phát triển nhân lực quốc gia, đáp ứng nhu cầu nhân lực của thị trường lao động trong nước và tham gia thị trường lao động quốc tế. Bộ phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo trình Thủ tướng Chính phủ và được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận bổ sung Trường Đại học Hàng hải Việt Nam vào danh sách các trường đại học trọng điểm của mạng lưới các cơ sở giáo dục đại học thuộc hệ thống giáo dục quốc dân. Bộ đã phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội trình và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đưa 3 trường nghề (Trường Cao đẳng nghề GTVT Trung ương I, Trường Cao đẳng nghề GTVT Trung ương II và Trường Cao đẳng nghề GTVT Trung ương III) vào danh sách phát triển các trường nghề chất lượng cao.

Đồng thời, Bộ GTVT đã xây dựng, trình và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch mạng lưới các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Bộ GTVT đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. Theo đó, giai đoạn đến năm 2020, Bộ GTVT thực hiện rà soát, sắp xếp, kiện toàn các đơn vị sự nghiệp đảm bảo phù hợp với danh mục dịch vụ sự nghiệp công ngành GTVT, đảm bảo tinh gọn, đồng bộ, thống nhất; thực hiện tách bạch chức năng quản lý nhà nước và chức năng cung cấp dịch vụ công; thí điểm chuyển một số đơn vị sang mô hình doanh nghiệp hoặc thực hiện cổ phần hóa những đơn vị đủ điều kiện theo quy định; các đơn vị tăng dần mức độ tự chủ hàng năm phù hợp với lộ trình tính giá dịch vụ sự nghiệp công.Tính đến nay có 20 trường thuộc Bộ GTVT, trong đó có 4 trường đại học, học viện, 4 trường cao đẳng, 8 trường cao đẳng nghề, 02 trường trung cấp chuyên nghiệp và 02 trường trung cấp nghề.

Giai đoạn vừa qua, Bộ GTVT đã tăng cường đầu tư cho các trường đại học, cao đẳng và trường nghề, huy động mọi nguồn lực để tăng cường cơ sở vật chất cho các trường, tranh thủ tìm các nguồn vốn khác trong Bộ đầu tư cho trường,

chỉ đạo các trường dành phần lớn nguồn vốn tự có để đầu tư, nâng cấp cơ sở vật chất.Thực hiện đào tạo theo nhu cầu của xã hội, các trường đã và đang đẩy mạnh các loại hình đào tạo dần trở thành những cơ sở đào tạo đa ngành. Hiện nay, các trường đã mở và tổ chức đào tạo trên 100 ngành nghề đào tạo: Đào tạo sau đại học 8 ngành; đại học 44 ngành; cao đẳng 46 ngành; trung cấp 64 ngành; hệ dạy nghề trên 70 nghề.

Chuẩn bị tốt nhất cho nguồn nhân lực 4.0

Giờ học lái máy
Giờ học lái máy của sinh viên Trường Cao đẳng Giao thông vận tải Trung ương I

Nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, các trường đã tổ chức xây dựng chương trình đào tạo trên cơ sở đảm bảo những nội chương trình đào tạo, chủ động lựa chọn giáo trình giảng dạy, tập trung xây dựng và công bố chuẩn đầu ra. Nhiều trường đã tiếp cận với chương trình đào tạo của các trường đại học tiên tiến trên thế giới và từng bước thực hiện công nhận tín chỉ, văn bằng, tạo điều kiện thuận lợi trong trao đổi sinh viên, hội nhập khu vực và quốc tế như:

Trường Đại học Hàng hải Việt Nam xây dựng 02 chương trình đào tạo chuyên ngành đào tạo đại học chất lượng cao là Điện tự động công nghiệp, Công nghệ thông tin; 01 chuyên ngành đào tạo đại học Tự động thủy khí, 02 chuyên ngành đào tạo văn bằng 2 là Luật Hàng hải; Xây dựng dân dụng và công nghiệp. Trường Đại học GTVT TP. Hồ Chí Minh xây dựng đề án đào tạo 3 ngành chất lượng cao là Quản trị logistics và vận tải đa phương thức, Kỹ thuật điện tử truyền thông và Kinh tế xây dựng. Bên cạnh đó, một số trường cao đẳng nghề đã bắt đầu nhận chuyển giao các chương trình đào tạo của nước ngoài từ Tổng cục Dạy nghề  (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội).

Nhằm mục đích nâng cao chất lượng đào tạo, đáp ứng nhu cầu phát triển nhân lực của các thành phần kinh tế khác nhau, các trường tiếp tục tổ chức đào tạo theo cách tiếp cận năng lực từ việc phát triển chương trình, tổ chức đào tạo, đánh giá kết quả người học theo chuẩn năng lực thực hiện. Đồng thời song song với hệ đào tạo chính quy, các trường thực hiện đào tạo hệ mở rộng, liên kết đào tạo, đào tạo theo nhu cầu xã hội. Các trường thường xuyên tham gia các cuộc thi tay nghề ASEAN, cấp quốc gia và quốc tế; tổ chức thường xuyên hội thi tay nghề giỏi trong Ngành.

Nhằm thu hút đội ngũ nhân lực chất lượng cao, Bộ GTVT khuyến khích cán bộ trong và ngoài ngành có năng lực chuyên môn và phẩm chất đạo đức, có tâm huyết, nguyện vọng cống hiến tài năng, góp phần xây dựng và phát triển ngành GTVT về làm việc trong các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ, trong đó có chính sách ưu đãi về tiền lương, tiền thưởng và các loại phụ cấp bằng tiền khác trong quá trình học tập. Thời gian qua, nhiều nhà khoa học, chuyên gia ngoài ngành đã vào công tác trong ngành GTVT. Các cơ quan, đơn vị cũng đã cố gắng tạo điều kiện làm việc tốt nhất, bao gồm cơ sở hạ tầng như phòng thí nghiệm, xưởng thực nghiệm…

Những năm gần đây, Bộ GTVT đặc biệt quan tâm đến chất lượng công chức nên công tác tuyển dụng công chức đã từng bước được quan tâm và có những kết quả nhất định. Công tác tuyển dụng công chức về cơ bản đã bước đầu xuất phát từ nhu cầu công việc, việc tìm người thay vì người để sắp xếp, bố trí việc. Mặt khác, Bộ GTVT đã xây dựng, ban hành Quy chế tuyển dụng công chức và đã thực hiện tuyển dụng công chức bằng hình thức thi tuyển cạnh tranh. Từ năm 2011 đến nay, Bộ GTVT đã tổ chức 02 kỳ thi tuyển công chức với hình thức cạnh tranh theo vị trí việc làm

Ý kiến của bạn

Bình luận