Các đơn vị ngành GTVT ký cam kết không hút thuốc lá khi làm việc và tuân thủ quy định cấm hút thuốc tại các địa điểm công cộng theo quy định |
Hiệu quả từ những mô hình hay
Thứ trưởng Nguyễn Văn Công - Trưởng ban Chỉ đạo Phòng chống tác hại thuốc lá (Bộ GTVT) cho biết, Bộ GTVT là một trong những bộ đầu tiên của cả nước ban hành Chỉ thị phòng chống tác hại của thuốc lá. Do tính chất quản lý nhà nước của ngành GTVT đối với các công trình giao thông, các phương tiện giao thông cùng với rất nhiều lượt khách tham gia trên các phương tiện giao thông nên Bộ GTVT gắn công tác phòng chống tác hại của thuốc lá với nhiệm vụ, công tác bảo vệ sức khỏe người lao động của Ngành và bảo vệ sức khỏe cộng đồng.
Đặc biệt, gần 7 năm Luật Phòng chống tác hại của thuốc lá được Quốc hội ban hành và đi vào cuộc sống, đến nay trên 90% các cơ quan, đơn vị trực thuộc ngành GTVT thực hiện nghiêm quy định nơi làm việc không hút thuốc lá. Hiện nay, tất cả các bệnh viện, cơ sở y tế ngành GTVT đều thực hiện và ký cam kết xây dựng “Bệnh viện không khói thuốc”. Các nhà ga, bến tàu, bến xe cũng xây dựng mô hình không khói thuốc, có khu vực riêng dành cho người hút thuốc. Các phương tiện giao thông công cộng không khói thuốc như trên các tuyến xe buýt, xe khách đường dài…
Đại diện Tổng công ty Vận tải Hà Nội cho biết, để giảm hút thuốc lá thụ động tại các địa điểm giao thông công cộng ở Hà Nội, giảm và tiến tới chấm dứt việc hút thuốc lá trên phương tiện vận tải hành khách, Sở GTVT Hà Nội đã triển khai dự án tăng cường thực thi môi trường không khói thuốc thông qua tăng cường thưởng phạt và sự tham gia của cộng đồng tại Bến xe Giáp Bát, Bến xe Gia Lâm và Bến xe Mỹ Đình.
Cụ thể, tại các bến xe này đã lắp đặt, gắn biển nội quy, cấm hút thuốc lá, tuyên truyền giáo dục sức khỏe tại các văn phòng, khu vực làm việc, trên xe buýt của 11 công ty vận tải và 6 bến xe cũng như tại 500 nhà chờ xe buýt toàn thành phố; phát thanh thông điệp “Không hút thuốc lá vì sức khỏe bản thân và cộng đồng” 02 lần/ngày tại bến xe.
Bên cạnh đó, tại hệ thống bến xe do Tổng công ty Vận tải Hà Nội quản lý cũng quy định riêng chỗ hút thuốc lá, đội thực thi hướng dẫn khách đến nơi hút thuốc quy định, tạo sự văn minh trật tự, không hút tràn lan. Hàng ngày, đội thực thi báo cáo kết quả giám sát. Đối với lái xe, nhân viên phục vụ cũng có những mức xử phạt từ thấp đến cao cho mỗi lần vi phạm hút thuốc nơi công cộng.
Với cách làm này, đại diện Tổng công ty Vận tải Hà Nội cho biết, tại Bến xe Mỹ Đình và Bến xe Giáp Bát, tình trạng người hút thuốc lá thụ động đã giảm hẳn. Để thực sự phát huy hiệu quả hơn nữa của dự án, hai bến xe này sẽ đưa quy định cấm hút thuốc vào quy chế nội bộ, thi đua đối với cán bộ, nhân viên (dự kiến hoàn chỉnh và thực thi từ năm 2020).
Cũng chia sẻ về môi trường không khói thuốc, ông Hà Quốc Hùng - Trưởng ga Hà Nội (Tổng công ty Đường sắt Việt Nam) cho biết, mỗi ngày ga Hà Nội có 12 chuyến tàu đi và đến, phục vụ khoảng 6.000 hành khách. Do đó, xây dựng môi trường không khói thuốc đã được lãnh đạo đơn vị hết sức quan tâm.
Ngoài việc tuyên truyền trên các chuyến tàu và bằng tờ rơi, biển báo, decal cấm hút thuốc tại những nơi công cộng, ga Hà Nội còn triển khai mô hình “Cán bộ, nhân viên nhà ga nói không với khói thuốc lá”. Theo đó năm 2018, tại nhiều vị trí trong nhà ga được gắn biển cấm hút thuốc lá. Năm 2019, đơn vị này tiếp tục duy trì và phấn đấu trên các toa tàu, cán bộ nhân viên của ga đều gương mẫu thực hiện nghiêm túc quy định này.
“Kẻ” đầu độc tim mạch thầm lặng
Lãnh đạo Bộ GTVT và Tổng công ty Đường sắt Việt Nam gắn biển “Nhà ga không khói thuốc tại ga Hà Nội” |
Theo thống kê tại Việt Nam, số trường hợp tử vong do các bệnh không lây nhiễm chiếm 73% tổng số ca tử vong do bệnh tật và thương tích, mà một trong những những nguyên nhân là do tỷ lệ sử dụng thuốc lá cao. Cùng với các tổn thất về sức khỏe, sử dụng thuốc lá cũng gây ra các tổn thất về kinh tế và là một trong những nguyên nhân của sự nghèo đói. Điều tra tình hình sử dụng thuốc lá ở người trưởng thành tại Việt Nam cho thấy, năm 2015 số tiền người dân Việt Nam chi mua thuốc lá là 31.000 tỷ đồng. Bên cạnh đó, tổng chi phí điều trị và tổn thất do mất khả năng lao động vì ốm đau và tử vong sớm của 5 nhóm bệnh trong số 25 bệnh do sử dụng thuốc lá gây ra là ung thư phổi, ung thư đường tiêu hóa, hô hấp trên, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, nhồi máu cơ tim, đột quỵ là hơn 23.000 tỷ đồng/năm.
Theo các chuyên gia hàng đầu về y tế, hút thuốc lá tác động tới một số phần khác của bệnh tim. Vì vậy, dù dùng một ít thuốc lá mỗi ngày sẽ tăng nguy cơ mắc bệnh đáng kể. Theo một thử nghiệm nghiên cứu trên đối tượng cho thấy, những người hút 4 điếu thuốc lá mỗi ngày sẽ tăng 2,5 nguy cơ mắc bệnh suy yếu động mạch vành. Người hút thuốc lá có nguy cơ từ 02 - 4 lần mắc các bệnh về tim và hơn 70% chết vì các căn bệnh này so với người không hút thuốc.
Theo BS. Đặng Quốc Khánh - Trưởng phòng Y tế Dự phòng và Các chương trình y tế (Cục Y tế GTVT), để đẩy lùi tác hại của thuốc lá, các ngành chức năng cần quy định cụ thể về môi trường không khói thuốc; tăng thuế đối với thuốc lá cao hơn nữa; đẩy mạnh tuyên truyền đến đông đảo quần chúng nhân dân biết tác hại to lớn của thuốc lá...
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.