Nếu đề xuất tăng giá, phí của ACV được chấp thuận, hành khách đi máy bay có thể tốn kém hơn. Ảnh: Người lao động |
Tổng Công ty Cảng Hàng không Việt Nam (ACV) vừa có văn bản gửi Bộ Giao thông Vận tải đề xuất tăng và thu mới một số giá, phí dịch vụ hàng không.
Theo đó, phí sân bay nội địa được đề xuất tăng từ 70.000 đồng/người lên 100.000 đồng/người từ ngày 1/1/2017. Mức điều chỉnh liên quan đến các hãng hàng không là giá cất - hạ cánh quốc nội, giá dịch vụ sân đậu, máy bay tại các sân bay căn cứ.
Đơn vị này lý giải, chi phí đầu tư và khai thác cho mỗi vị trí sân đậu máy bay lên đến 4,57 tỷ đồng/năm nhưng chỉ thu được từ các hãng hàng không trong nước 162-192 triệu đồng/máy bay nên không có khả năng thu hồi vốn đầu tư.
Ngoài ra, ACV cũng đề xuất bổ sung thu dịch vụ bảo đảm an ninh hàng không đối với xe nạp nhiên liệu, xe suất ăn… để có khả năng thu hồi vốn đầu tư, tiếp tục đầu tư đáp ứng sản lượng tăng quá nhanh của các hãng hàng không và tạo sức hấp dẫn thu hút nhà đầu tư rót vốn vào các cảng địa phương.
Hơn nữa, đơn vị cho rằng nhà nước bù chi phí đầu vào cho các hãng hàng không trong nước thông qua việc ưu đãi giá dịch vụ hàng không quốc nội và ACV là đơn vị cung ứng dịch vụ nên phải gánh chịu trực tiếp khoản bù chi phí này.
'Không có chuyện bù lỗ'
Trao đổi với Zing.vn, Cục trưởng Hàng không Lại Xuân Thanh cho hay việc điều chỉnh giá, phí dịch vụ hàng không “chắc chắn phải làm”, nhưng mức độ thế nào, cụ thể ra sao Cục Hàng không còn phải thẩm định, xin ý kiến của các đơn vị liên quan rồi trình phương án lên Bộ.
Theo ông Thanh, trong bối cảnh kinh tế thị trường hiện nay, giá thành sẽ phản ánh thực chất chất lượng dịch vụ.
“Có ý kiến cho rằng hàng không giá lại rẻ hơn đường sắt là vô lý”, ông Thanh nói.
Tuy nhiên, Cục trưởng Hàng không khẳng định từ trước đến nay nhà nước không phải bù lỗ một đồng nào cho ngành hàng không. Tất cả các đơn vị đều có lãi kể cả các doanh nghiệp (DN) hạ tầng đến các hãng hàng không, chỉ trừ những DN mới tham gia thị trường.
“Các đơn vị lớn của ngành hàng không như Tổng Công ty Cảng, Tổng công ty hàng không Việt Nam, Tổng Công ty quản lý bay Việt Nam suốt nhiều năm qua đều có lãi và Nhà nước chưa bao giờ phải bù lỗ cả”, ông Thanh nhấn mạnh.
Trong khi đó, trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Nhật, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải cho biết, hệ thống giá dịch vụ hàng không nội địa có loại 10 năm nay không tăng, ngân sách nhà nước không thể bù lỗ mãi.
Dẫu vậy, lãnh đạo Bộ GTVT khẳng định sẽ thận trọng xem xét đề xuất này.
Có tối thiểu 100 tỷ đồng mới được lập hãng hàng không
Chính phủ vừa ban hành nghị định quy định cụ thể mức vốn tối thiểu để thành lập và duy trì doanh nghiệp kinh doanh vận chuyển hàng không.
Cụ thể, khai thác đến 10 tàu bay thì mức vốn là 700 tỷ đồng đối với doanh nghiệp có khai thác vận chuyển hàng không quốc tế, 300 tỷ đồng đối với doanh nghiệp chỉ khai thác vận chuyển hàng không nội địa.
Khai thác từ 11 đến 30 tàu bay, mức vốn là 1.000 tỷ đồng đối với doanh nghiệp có khai thác vận chuyển hàng không quốc tế, 600 tỷ đồng Việt Nam đối với doanh nghiệp chỉ khai thác vận chuyển hàng không nội địa.
Khai thác trên 30 tàu bay, mức vốn là 1.300 tỷ đồng đối với doanh nghiệp có khai thác vận chuyển hàng không quốc tế, 700 tỷ đồng Việt Nam đối với doanh nghiệp chỉ khai thác vận chuyển hàng không nội địa.
Cần tối thiểu 100 tỷ đồng để lập hãng hàng không. |
Đáng chú ý, nghị định quy định mức vốn tối thiểu để thành lập và duy trì doanh nghiệp kinh doanh hàng không chung là 100 tỷ đồng.
Đối với doanh nghiệp kinh doanh vận tải hàng không có vốn đầu tư nước ngoài phải đáp ứng 2 điều kiện: phía nước ngoài chiếm không quá 30% vốn điều lệ, và phải có ít nhất một cá nhân Việt Nam hoặc một pháp nhân Việt Nam giữ phần vốn điều lệ lớn nhất. Trường hợp pháp nhân Việt Nam có vốn đầu tư nước ngoài thì phần vốn góp nước ngoài chiếm không quá 49% vốn điều lệ của pháp nhân.
Cục trưởng Hàng không Lại Xuân Thanh cho hay, trước khi quy định trên được ban hành, các cơ quan đã phải nghiên cứu, thẩm định thực tế.
“Tôi nghĩ đó là mức hợp lý để một hãng hàng không có vốn duy trì hoạt động. Chúng tôi đã tính toán đầy đủ các yếu tố để đảm bảo tính hợp lý, khả năng kinh doanh, nguồn lực cho DN duy trì hoạt động một cách tối thiểu. So với nghị định cũ, nghị định này đã được rút gọn theo hướng có lợi cho DN hơn nhiều”, ông Thanh khẳng định.
Theo ông Thanh, hàng không là cả một dây chuyền, chỉ cần đứt một đoạn có khi cả dây chuyền phải ngừng hoạt động.
Tuy nhiên, trước câu hỏi liệu ở Việt Nam có bao nhiêu DN, cá nhân có đủ năng lực đáp ứng yêu cầu trên, ông Thanh cho rằng rất khó nói, có lẽ con số đó không nhiều.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.