Ngành ô tô Việt Nam và bài toán hỗ trợ

Tác giả: Huyền Thương

saosaosaosaosao
Thị trường 11/06/2024 08:14

Hỗ trợ thị trường ô tô bằng chính sách giảm 50% lệ phí trước bạ cho xe sản xuất, lắp ráp trong nước chỉ được xem là giải pháp tình thế. Ngành ô tô Việt Nam cần những giải pháp căn cơ hơn để tăng trưởng bền vững.

Thị trường ô tô "mất phanh", hàng tồn kho lên cao

Sau khi đạt mốc trên 500.000 xe vào năm 2022, thị trường ô tô Việt Nam đã sụt giảm mạnh vào năm 2023. Theo Hiệp hội các Nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), lượng ô tô tiêu thụ của các thành viên VAMA đạt 301.989 xe, giảm tới 25% so với năm trước. Cộng thêm doanh số từ TC Motor với 67.450 xe, năm 2023, thị trường ô tô Việt Nam chỉ tiêu thụ khoảng 370.000 xe.

Bước sang năm 2024, mặc dù các hãng xe liên tục tung ra các chương trình giảm giá, khuyến mại kích cầu song thị trường vẫn sụt giảm đáng lo ngại. Báo cáo bán hàng từ VAMA và Tập đoàn Thành Công (TC Group) cho thấy trong tháng 1/2024, hầu hết các doanh nghiệp đều có doanh số giảm từ 45% đến 76%. Chỉ tính riêng các thành viên của VAMA, tổng doanh số bán xe toàn thị trường của các đơn vị thành viên VAMA chỉ đạt 19.243 xe, giảm tới 50% so với tháng trước. Trong đó lượng xe lắp ráp trong nước bán ra chỉ còn 9.783 xe, giảm tới 59%, xe nhập khẩu nguyên chiếc giảm 36%, (đạt 9.460 xe).

Lũy kế 4 tháng đầu năm 2024, các thành viên VAMA tiêu thụ 82.515 xe, giảm 11% so với 2023. Trong đó, xe ô tô du lịch giảm 14%; xe thương mại giảm 3% và xe chuyên dụng giảm 28%.

Theo dữ liệu của TC Group, doanh nghiệp có lượng ô tô tiêu thụ dẫn đầu thị trường, doanh số bán ô tô Hyundai tháng 4/2024 đạt 4.276 xe, giảm so với 4.542 xe so tháng trước và giảm 4.592 xe so với cùng kỳ. Lũy kế 4 tháng đầu năm 2024 doanh số bán ô tô Hyundai đạt 14.420 xe, giảm mạnh so với 19.328 xe của 4 tháng đầu năm 2023.

Ước tính tồn kho ô tô đến nay khoảng trên 70.000 xe các loại, trong đó chủ yếu là xe sản xuất năm 2023.

Sức mua ô tô suy giảm mạnh khiến lượng xe tồn kho của các doanh nghiệp tăng cao kể từ đầu năm đến nay.

Sức mua ô tô suy giảm mạnh khiến lượng xe tồn kho của các doanh nghiệp tăng cao kể từ đầu năm đến nay.

"Giải cứu" bằng chính sách ưu đãi

Theo lý giải của Bộ Công Thương, tình trạng chưa hoàn toàn phục hồi sau đại dịch, suy thoái kinh tế hiện hữu đã tác động nghiêm trọng đến các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô và toàn nền kinh tế. Đặc biệt, sức ép lạm phát, tỷ giá, lãi suất gia tăng... gây ảnh hưởng đến tâm lý người tiêu dùng, dẫn đến xu hướng thắt chặt chi tiêu đối với những mặt hàng có giá trị cao.

Mặc dù các doanh nghiệp ô tô liên tục đưa ra các chương trình ưu đãi, hỗ trợ nhằm khuyến khích người tiêu dùng mua sắm. Song chỉ dựa vào nguồn lực và các giải pháp kích cầu riêng lẻ sẽ không đủ để tạo ra sức bật giúp thị trường ô tô tăng trưởng ổn định và bền vững, trong bối cảnh kinh tế thế giới biến động phức tạp và còn bất ổn.

Thực tế, để khuyến khích ngành công nghiệp ô tô phát triển cũng như thực hiện có hiệu quả cam kết tại các hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam là thành viên, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách ưu đãi về thuế, phí, lệ phí đối với ngành ô tô, công nghiệp hỗ trợ (CNHT) ô tô, như các chính sách về thuế nhập khẩu; thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB); lệ phí trước bạ (LPTB) và các chính sách ưu đãi khác.

Chỉ tính riêng về LPTB, từ năm 2022 đến nay, Chính phủ đã 3 lần giảm 50% mức thu LPTB đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước (quy định tại Nghị định số 70/2020/NĐ-CP có hiệu lực từ 28/6/2020 đến 31/12/2020;Nghị định số 103/2021/NĐ-CP có hiệu lực từ 1/12/2021 đến 31/5/2022); Nghị định số 41/2023/NĐ-CP có hiệu lực từ 1/7/2023 đến 31/12/2023).

Việc giảm 50% mức thu LPTB đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước đã góp phần hỗ trợ tài chính cho người tiêu dùng, qua đó cũng hỗ trợ các doanh nghiệp ô tô giải quyết lượng ô tô tồn kho. Đồng thời, chính sách ưu đãi về LPTB cũng thúc đẩy các nhà sản xuất ô tô trong nước đẩy mạnh sản xuất, lắp ráp xe mới đưa vào thị trường, nâng cao năng lực cạnh tranh của ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước đáp ứng nhu cầu thị trường nội địa, hướng tới mục tiêu xuất khẩu sang khu vực ASEAN.

Nhiều yếu tố cần cân nhắc khi quyết định giảm LPTB lần thứ 4

Có thể thấy cứ mỗi lần ngành công nghiệp ô tô trong nước gặp khó, nhờ vào cú "hích" hỗ trợ của các chính sách ưu đãi, đặc biệt là giảm LPTB, mức tiêu thụ ô tô lại khởi sắc. Chính vì vậy, giải pháp này thường được doanh nghiệp trông chờ.

Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia tại một cuộc tọa đàm được Tạp chí Hải quan tổ chức mới đây, chính sách hỗ trợ LPTB chỉ là liều thuốc "cấp cứu" vào những thời điểm đặc biệt khó khăn, cần phải tính tới các giải pháp lâu dài để ngành công nghiệp ô tô nhanh chóng có một "cơ thể" khỏe mạnh vững chắc.

Mặc khác việc thực hiện các giải pháp hỗ trợ ưu đãi từ chính sách thuế, lệ phí cũng cần phải cân nhắc nhiều yếu tố. Đơn cử như chính sách giảm 50% LPTB, theo Bộ Tài chính, sẽ tác động đến giảm thu NSNN.

Chẳng hạn, từ tháng 12/2021 đến hết tháng 5/2022, Chính phủ đã giảm 50% mức thu LPTB đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước. Động thái hỗ trợ này giúp "kích" thị trường, số lượng ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước đăng ký trong tháng 12/2021 là 103.722 xe, tăng 2,67 lần so với tháng 11/2021; và trong 5 tháng đầu năm 2022, số lượng ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước tiêu thụ là 294.455 xe, tăng từ 1,2 đến 2 lần so với các tháng cùng kỳ năm 2021. Tuy nhiên, chính sách này cũng khiến NSNN giảm thu về LPTB tương ứng 8.727 tỷ đồng.

Chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh cho rằng so sánh khoản hụt thu này với kết quả lượng xe bán ra tăng lên sau 3 lần giảm LPTB cho ô tô sản xuất trong nước cho thấy, nhờ doanh số bán hàng tăng lên nên rõ ràng thu ngân sách từ thuế TTĐB, thuế GTGT, thuế TNDN cũng tăng lên, qua đó hỗ trợ cho khoản hụt thu ngân sách do giảm LPTB.

"Trên phương diện đó, tôi cho rằng vẫn có thể tiếp tục xem xét giảm LPTB năm 2024 khi các DN sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước đang gặp nhiều khó khăn trong sản xuất kinh doanh cũng như trong cạnh tranh với xe nhập khẩu. Đây cũng là giải pháp để nuôi dưỡng nguồn thu", chuyên gia Đinh Trọng Thịnh nói.

Đại diện doanh nghiệp ô tô, ông Đoàn Tú Anh, Phó Giám đốc Phụ trách kinh doanh Kia - Mazda Yên Nghĩa (Hà Đông, Hà Nội), cho rằng thực tế qua 3 lần giảm LPTB, thị phần của xe ô tô lắp ráp trong nước tăng trưởng mạnh. Theo ông Tú Anh, tại thời điểm này, việc giảm LPTB sẽ giúp ích rất nhiều cho các DN sản xuất ô tô.

Các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp trong nước một lần nữa chờ đợi sự hỗ trợ từ chính sách.

Các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp trong nước một lần nữa chờ đợi sự hỗ trợ từ chính sách.

"Đứng trên góc độ nhà sản xuất đầu nguồn cũng như các đại lý phân phối, về phía nhà sản xuất, phải có đầu ra tốt thì mới đảm bảo được công ăn việc làm cho người lao động, đảm bảo các khoản thuế TNDN, thuế GTGT, thuế TTĐB nộp vào ngân sách, qua đó đảm bảo nguồn thu cho các địa phương", ông Đoàn Tú Anh nói. "Hiện nay với tình trạng sản lượng tiêu thụ giảm, các DN là đại lý cũng đang gặp nhiều khó khăn về phi phí vận hành, nhiều chi nhánh, đại lý đang trong tình trạng báo lỗ. Hy vọng chính sách giảm LPTB được triển khai để giúp các DN vượt qua được điểm hoà vốn trong năm nay".

Tuy nhiên, câu chuyện hỗ trợ thị trường bằng chính sách LPTB đang có nhiều chiều hướng tranh cãi. Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long, cho rằng về phía đối tượng thụ hưởng, DN và người tiêu dùng rất hoan nghênh chủ trương này. Tuy nhiên, về phía Bộ Tài chính, những giải pháp tác động đến nguồn thu ngân sách cần xem xét, cân nhắc kỹ lưỡng.

Theo ông Ngô Trí Long, việc giảm LPTB đối với ô tô sản xuất trong nước đã được triển khai trong những năm gần đây. Năm 2024, việc có tiếp tục triển khai giải pháp này hay không cần được tính toán cân đối ngân sách; tính toán nhu cầu hiện nay trên thị trường ô tô; cần nghiên cứu xem xét việc giảm LPTB có vi phạm các cam kết quốc tế hay không; hạ tầng giao thông có đảm bảo không…

Ông Long cũng chia sẻ trong bối cảnh hiện nay, cần tạo điều kiện cho ngành sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước phát triển. Việc giảm LPTB cũng được xem là một động lực hỗ trợ.

"Đối với người tiêu dùng, hiện nay nhu cầu mua xe ô tô tăng, xe ô tô không phải là cái gì đó xa xỉ nữa nên cần tạo động lực cho người tiêu dùng. Tóm lại, nếu xem xét cân đối được ngân sách thì nên tiếp tục giảm LPTB cho ô tô sản xuất trong nước trong năm 2024", ông Ngô Trí Long nói.

Để công nghiệp ô tô tăng trưởng bền vững

Ngoài ra, còn có ý kiến cho rằng chính sách này có khả năng chưa tuân thủ hoàn toàn quy định theo nguyên tắc Đối xử quốc gia trong khuôn khổ Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) và các Hiệp định thương mại tự do (FTA). Việt Nam hiện là thành viên của WTO và đã ký kết nhiều FTA song phương và đa phương, trong đó đã cam kết thực hiện nguyên tắc đối xử quốc gia trong thương mại và đầu tư. Theo đó, hiện nay chính sách thuế, phí, lệ phí tại các văn bản quy phạm pháp luật được áp dụng thống nhất giữa hàng hóa sản xuất trong nước và hàng hóa nhập khẩu.

Quan trọng hơn đến nay, Việt Nam đã ký kết 17 Hiệp định thương mại tự do và sẽ thực hiện cắt giảm thuế quan (trong đó có thuế nhập khẩu đối với ô tô) theo lộ trình đã cam kết. Theo đó, thuế nhập khẩu ô tô từ các nước có ký kết FTA với Việt Nam sẽ được cắt giảm mạnh mẽ và hướng tới về 0% (thuế nhập khẩu ô tô từ các nước ASEAN đã là 0%, đối với thị trường EU, bước sang năm 2024, thuế suất thuế nhập khẩu ô tô chở người dưới 09 chỗ từ các quốc gia này cao nhất chỉ còn 42,5%).

Để cạnh tranh được với các sản phẩm nguyên chiếc nhập khẩu (được áp mức thuế NK 0%), ngành công nghiệp trong nước cần "khỏe mạnh" một cách bền vững, chắc chắn thay vì chỉ trông chờ vào các giải pháp "cứu trợ" tạm thời.