Kịch bản nào cho thị trường ô tô nếu tiếp tục được "giải cứu"?

Tác giả: Huyền Thương

saosaosaosaosao
Thị trường 23/05/2024 14:57

Nhiều người có thể sẽ "cố đợi" đến khi chính sách giảm lệ phí trước bạ có hiệu lực mới "xuống tiền" mua xe. Nhưng diễn biến từ những lần "giải cứu" thị trường trước đây cho thấy, chi phí mua ô tô có thể sẽ không có gì thay đổi.

Theo Chỉ thị số 12/CT-TTg ngày 21/4/2024 về các nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, Thủ tướng chính phủ Phạm Minh Chính đã giao Bộ Tài chính nghiên cứu và đề xuất phương án gia hạn thời hạn nộp thuế, đồng thời giảm lệ phí trước bạ (LPTB) cho các loại xe sản xuất và lắp ráp trong nước (CKD) trong tháng 5/2024.

Đây không phải là lần đầu tiên chính sách giảm LPTB dành cho xe CKD được thực hiện. Vào nửa cuối năm 2020, nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp ô tô giải phóng hàng tồn kho do dịch Covid-19, chính sách giảm LPTB cho ô tô CKD lần đầu tiên được thực hiện. Chính sách này đã được thực thi lần thứ 2 từ ngày 1/12/2021 và kéo dài trong 6 tháng. Gần đây hơn, từ ngày 1/7 đến 31/12/2023, đợt giảm LPTB thứ 3 đã được áp dụng theo Nghị định số 41/2023/NĐ-CP của Chính phủ.

Mẫu xe gầm cao 7 chỗ ngồi Custin lắp ráp trong nước tại nhà máy Hyundai Ninh Bình.  Kịch bản nào cho thị trường ô tô nếu được giảm lệ phí trước bạ?

Mẫu xe gầm cao 7 chỗ ngồi Custin lắp ráp trong nước tại nhà máy Hyundai Ninh Bình.

Tác động của chính sách giảm LPTB

Không thể phủ nhận, các đợt giảm LPTB đều nhằm mục tiêu hỗ trợ ngành công nghiệp ô tô trong nước vượt qua khó khăn khi sức mua chung giảm mạnh. Kết quả cũng đã cho thấy, những hiệu ứng tích cực, doanh số bán ra của thị trường cải thiện rõ rệt. Lần này, thị trường ô tô cũng đang trong tình trạng cần "giải cứu".

Theo báo cáo của Hiệp hội các Nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), chỉ có 58.165 ô tô được bán ra trong quý I/2024, giảm 17% so với cùng kỳ năm ngoái. Đáng chú ý, thị trường u ám ngay cả khi các hãng xe, đại lý và nhà nhập khẩu liên tục đưa ra các chương trình ưu đãi, khuyến mãi nhằm "kích thích" người tiêu dùng.

Chính sách giảm LPTB là một trong những yếu tố quan trọng để kích thích thị trường tăng trưởng, khuyến khích người tiêu dùng mua sắm ô tô trong bối cảnh kinh tế khó khăn.

Thứ nhất, giảm LPTB sẽ làm giảm chi phí cho người mua ô tô mới. Điều này có thể thúc đẩy nhu cầu mua sắm và giúp thị trường ô tô phục hồi sau giai đoạn suy thoái.

Thứ hai, việc giảm LPTB cho xe CKD cũng sẽ giúp thị trường sôi động hơn, đặc biệt là tăng cạnh tranh giữa ô tô CKD và ô tô nhập khẩu. Những lần giảm LPTB trước cũng cho thấy các hãng xe nhập khẩu đã phải tăng cường khuyến mại để cạnh tranh với xe trong nước. Điều này tất nhiên sẽ tác động đến thị trường và người tiêu dùng sẽ có nhiều lựa chọn hơn, không chỉ là mua xe CKD mà còn có cơ hội mua xe nhập khẩu.

Mua ngay hay chờ đợi?

Đây là bài toán đau đầu với nhiều người đang có ý định mua xe mỗi khi có thông tin giảm LPTB. Thực tế, không có gì khó hiểu khi người tiêu dùng có thể sẽ "cố đợi" đến khi chính sách có hiệu lực mới "xuống tiền". Tuy nhiên, việc chờ đợi này có "đáng giá" và liệu giá xe có thực sự giảm hay không?

Việc giảm 50% LPTB cho ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước đang được đề xuất. Tuy nhiên, chính sách này chưa chính thức và chưa có lộ trình rõ ràng. Nếu đề xuất này được Chính phủ phê duyệt sớm và có hiệu lực, việc chờ đợi là hợp lý. Nhưng nếu việc giảm LPTB bị kéo dài hoặc không được thực thi trong thời gian ngắn, người dùng có thể bỏ lỡ cơ hội mua xe với giá tốt khi thị trường đang ngập tràn những chương trình giảm giá, khuyến mại.

Thực tế, không phải đến bây giờ mà ngay từ đầu năm, các đại lý và hãng xe đã tung ra nhiều ưu đãi hấp dẫn để giải quyết hàng tồn kho và tăng sức cạnh tranh. Mức giảm đối với các dòng xe phổ thông có thể lên tới 100 - 200 triệu đồng. Do đó, thời điểm hiện tại cũng là lúc giá xe ô tô đang rất hấp dẫn. Còn một yếu tố rất đáng cân nhắc được rút ra từ "kinh nghiệm" của 3 lần giảm LPTB trước đây. Đó chính là khi chính sách có hiệu lực thì cũng là lúc các hãng xe và đại lý dần rút bớt các chương trình ưu đãi, vì "đã có nhà nước lo". Nếu vậy, chi phí mua ô tô có thể… vẫn như cũ.

Bên cạnh các yếu tố thị trường, người tiêu dùng muốn mua xe ô tô cũng nên cân nhắc đến nhu cầu cá nhân. Nếu đang có nhu cầu thực sự, người dùng có thể tham khảo các ưu đãi và giá bán hiện tại cũng như các chính sách vay mua trả góp và lãi suất ngân hàng, để có được một mức giá lăn bánh cuối cùng tốt nhất.

Ô tô là một tài sản lớn, mua ngay hay đợi là một bài toán đau đầu với nhiều người vào lúc này, khi thị trường dự báo sẽ có nhiều thay đổi phía trước. Hơn nữa, thị trường ô tô vốn rất nhạy cảm với các chính sách và tình hình kinh tế chung cũng như lãi suất cho vay. Theo các chuyên gia, sự ổn định cung cầu và tác động của chính sách giảm LPTB sẽ cần được theo dõi và đánh giá kỹ lưỡng để đưa ra dự đoán chính xác hơn về thị trường ô tô trong tương lai.

Ý kiến của bạn

Bình luận