Ngày Doanh nhân, nghe start up kể "lời nguyền kinh doanh'

Doanh nhân 14/10/2017 09:36

Từ nông dân làm rẫy đến mở quán cà phê gọi vốn triệu đô, từ kỹ sư bỏ đi trồng nấm, những người trẻ start up cứ gặm bánh mì, tiết kiệm từng đồng xu để mưu đồ cơ nghiệp, coi kinh doanh như một lời nguyền.

 

Ngày Doanh nhân, nghe start up kể %22lời ngu
Lê Hoàng Long đang viết tiếp ước mơ xe điện thông minh của mình sau khi vượt qua giai đoạn phải hẹn tới lần 80 mới được đối tác đồng ý hợp tác - Ảnh: Bảo Ngọc

Từ anh chàng làm rẫy, một doanh nhân 8X đã tạo ra được một thương hiệu hút vốn triệu USD. Từ kỹ sư... thất bại, hiện vẫn phải tiết kiệm từng đồng nhưng nữ doanh nhân trồng nấm đang quyết mở rộng kinh doanh... Những câu chuyện trên đang vẽ lên ý chí kinh doanh mà nhiều doanh nhân muốn nhân ra, đặc biệt cho giới trẻ.

Gặm bánh mì sản xuất xe điện "Made in Vietnam"

Đến giờ khi đang sở hữu nhà máy sản xuất, lắp ráp xe điện công suất 500.000 xe/năm, CEO Lê Hoàng Long vẫn được biết đến với việc hình thành chuỗi cửa hàng điện thoại HKphone vào những năm 2007-2009.

Phải ăn bánh mì cầm hơi để đi phát triển chuỗi cửa hàng kinh doanh điện thoại, Lê Hoàng Long từng bán được 15.000 - 20.000 điện thoại/năm. 

Nhưng vào đầu năm 2010, chuỗi cửa hàng kinh doanh điện thoại HKphone có doanh số bán hàng tụt thê thảm.

Quyết định thế chấp hết nhà cửa vào ngân hàng để vay vốn sản xuất điện thoại HKphone, Lê Hoàng Long đã tìm gặp và kết nối được các doanh nghiệp như Quacom và Media Tek. 

Một loạt dòng sản phẩm HKphone Revo đã ra đời. Năm 2010, mỗi tháng công ty bán được mười mấy nghìn điện thoại. 

Nhưng việc không muốn phụ thuộc công nghệ vào Quacom và Media Tek trong sản xuất chip thất bại. HKphone cũng không thể cạnh tranh với Samsung và Apple, Long lỗ nhiều chục tỉ đồng.

Chuyển sang mảng xe đạp, xe máy điện, Lê Hoàng Long đi tìm gặp rất nhiều nhà sản xuất linh phụ kiện trong nước, nhưng đến cả chục lần họ không tiếp vì chê Pega không đấu lại nổi xe điện Trung Quốc. Có nơi tới lần gặp thứ 80 họ mới chấp nhận hợp tác.

Cho đội ngũ sang thực hành ở Tập đoàn công nghệ Bosch (Đức), đến nay đội ngũ của Long đã nắm công nghệ sản xuất xe đạp điện. 

Long tiết lộ: theo kế hoạch, tháng 5-2018 Pega sẽ cho ra đời dòng xe điện thông minh đầu tiên kết nối với smartphone, tích hợp bản đồ, sử dụng sim 4G để điều khiển xe... Lê Hoàng Long lần này tin vào tương lai khi nhiều nước đang cấm dần xe dùng nhiên liệu xăng dầu...

Từ phụ làm rẫy đến ước mơ học viện cà phê

Dù mới mở quán cà phê đầu tiên năm 2015 và đến nay Shin Coffee mới có 4 quán, nhưng công ty của Nguyễn Hữu Long vừa được một trong những chuỗi nhà hàng ẩm thực lớn nhất Việt Nam rót vốn 1,8 triệu USD xây dựng nhà máy chế biến cà phê chất lượng cao để xuất khẩu.

Năm 12 tuổi, một mình mẹ không đủ sức nuôi 4 đứa con ăn học, nên Long vào Gia Lai phụ làm rẫy cà phê cho một người bà con. 

17 tuổi, một mình vào TP.HCM kiếm sống, tình cờ gặp một vị khách người Nhật, sau nhiều lần nói chuyện, ông Shintaro (tên vị khách Nhật Bản) đã nhận Long làm con nuôi. 

Long được học bổ túc văn hóa, 22 tuổi Long mới tốt nghiệp phổ thông và thi đậu khoa tiếng Nhật của một trường đại học.

Với vốn liếng tiếng Nhật, Long đi phiên dịch kiếm thêm tiền và đầu tư mở quán, mua cà phê hạt về rang xay đem bán. 

Thất bại. Có việc tại một công ty con của Tập đoàn Toyota ở Nhật Bản nhưng cũng chính tại đây, văn hóa và công nghệ cà phê của Nhật Bản khiến anh bị mê hoặc. 

Gần như tiền kiếm được từ công việc chính bao nhiêu, Long đều dành cho việc nạp kiến thức về cà phê của Nhật.

Năm 2015, Nguyễn Hữu Long quay về Việt Nam mở quán Shin Coffee. Sau một thời gian ngắn, Shin coffee trở thành điểm đến của những người sành cà phê với hơn 120 loại cà phê đến từ những vùng nổi tiếng trên thế giới...

Người Nhật không trồng cà phê nhưng họ có các thương hiệu cà phê nổi tiếng thế giới, tất cả ở cách làm, nên Long chuẩn bị khai trương một học viện cà phê tại TP.HCM với mong muốn những ai yêu thích hay muốn kinh doanh cà phê đều có thể đến.

Sợ rủi ro nên phải sang Singapore

Nhưng cũng có doanh nghiệp vẫn chưa tự tin khởi nghiệp ở Việt Nam. Công ty Bitdeal Solution Technology có trụ sở tại Anh, với ứng dụng tạo cơ hội cho mọi người mua sắm online vừa được rót vốn trên 60 triệu USD từ các nhà đầu tư, nhưng chủ lại là một người Việt. 

Nguyễn Thái Hòa, người sáng lập Bitdeal, cho hay để phát triển ở thị trường châu Á, sau khi cân nhắc, công ty đã phải chọn Singapore do đánh giá môi trường đầu tư ở Việt Nam có nhiều rủi ro, nhất là với những công nghệ quá mới.

"Nếu Nhà nước có chính sách rõ ràng hơn với các công ty khởi nghiệp về công nghệ thì sẽ là một cơ hội rất lớn cho Việt Nam trong kỷ nguyên 4.0. 

Nhân tài về công nghệ của Việt Nam không thiếu, chỉ thiếu chính sách ưu đãi và môi trường đầu tư minh bạch", ông Hòa nói.

Không chỉ là vất vả...

Gặp chị Nguyễn Thị Hiếu giữa đất Bangkok (Thái Lan) dịp tháng 8-2017, nỗi vất vả và ý chí của một doanh nhân hiện lên thật rõ.

Tham gia chương trình xúc tiến hàng Việt ở Thái Lan, ban tổ chức đưa ra giá tham khảo tiền khách sạn 1,5 - 2 triệu đồng/đêm.

Là doanh nhân nhưng Hiếu cố tìm bằng được phòng chỉ 200.000 đồng/đêm. Mấy ngày ở Thái, dù hút khách nhưng Hiếu bán linh chi chỉ bằng giá bán ở VN, trong khi phải bán giá cao gấp 3 lần mới đủ chi phí đưa hàng qua đây.

Cũng với ý chí và cách làm "vượt khó" trên, từ trang trại chỉ hơn 200m2 để bắt đầu khởi nghiệp, đến nay Hiếu đã mở rộng trại nấm linh chi lên 2.000m2 với nhiều sản phẩm như nấm linh chi đỏ, cao và nấm linh chi hòa tan...

"Tôi quan niệm làm nghề gì cũng vất vả cả. Khi gặp khó khăn, mình sáng tạo để vượt qua nó, không chấp nhận bỏ cuộc" - Hiếu chia sẻ.

Ý kiến của bạn

Bình luận