Nước dâng cao khiến giao thông qua cầu tràn xã Nghĩa Thuận, huyện Nghĩa Đàn (Nghệ An) bị chia cắt hoàn toàn. |
Ngày 18/7, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An - Trưởng ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Nghệ An Nguyễn Xuân Đường đã có Công điện khẩn về ứng phó với cơn bão số 3.
Theo đó, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã cần kiểm tra, quyết định việc sơ tán dân, đặc biệt là ở vùng ven biển, cửa sông, vùng có nguy cơ ngập sâu; các khu nhà tập thể, nhà cao tầng xuống cấp, khu vực có nguy cơ sạt lở đất... theo các kịch bản được duyệt; huy động các lực lượng hỗ trợ nhân dân chằng chống nhà cửa, kho tàng, trường học, bệnh viện, công sở, cây xanh, biển hiệu; đặc biệt đảm bảo an toàn các công trình xây dựng có sử dụng cần cẩu tháp, các cột ăng ten....
Các đơn vị tiếp tục kiểm đếm, kêu gọi tàu thuyền về nơi trú ẩn an toàn, hướng dẫn việc sắp xếp, neo đậu tàu thuyền an toàn tại nơi tránh trú, tuyệt đối không để người ở lại trên tàu, thuyền, lồng bè nuôi trồng thủy sản khi có bão; kiểm tra, sẵn sàng vận hành các công trình tiêu úng, trục tiêu, kênh tiêu, phối hợp chặt chẽ với các công ty Thủy lợi để vận hành tiêu úng kịp thời cho khu vực đô thị, khu vực dân cư và sản xuất nông nghiệp.
Tại tỉnh Hà Tĩnh, Bí thư Tỉnh ủy Lê Đình Sơn cũng đã đề nghị đoàn công tác Tỉnh ủy xuống cơ sở, chỉ đạo các địa phương thực hiện tốt “4 tại chỗ”; các ban phòng chống bão lụt, cấp ủy, chính quyền các địa phương tập trung thực hiện tốt các giải pháp phòng chống với mưa bão số 3…Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy đề nghị các cấp ngành, người dân nghiêm túc thực hiện các Công điện của UBND tỉnh.
Theo đó, trước hết, người dân phải chủ động phòng tránh, dứt khoát phải đưa thuyền bè vào nơi trú ẩn, di dời đến nơi an toàn; kiểm tra, kiểm soát các hồ đập, hệ thống cống, đảm bảo an toàn vùng hạ du; tập trung cao cho việc sơ tán dân ở vùng nguy cơ sạt lở và vùng biển có nguy cơ triều cường.
Đường liên xã Châu Bính – Châu Tiến, huyện Quỳ Châu (Nghệ An) bị nước lũ làm trôi cống. (Ảnh BNA) |
Trước đó, do mưa lớn kéo dài xảy ra trên địa bàn Nghệ An và Hà Tĩnh nên tại một số huyện thị đã xảy ra tình trạng lũ lụt cục bộ, nhiều công trình giao thông bị hư hỏng nặng, nhiều tuyến đường bị chia cắt.
Tại xã Châu Bính, huyện Quỳ Châu (Nghệ An), lũ tràn về đã làm trôi cống, cắt ngang đoạn đường giao thông liên xã nên mọi hoạt động qua lại nơi đây bị chia cắt. Đập tràn nối liền 2 xã Môn Sơn và Lục Dạ, huyện Quỳ Châu nước dâng cao và chảy xiết, gây nguy hiểm cho người đi qua. Đặc biệt, tại cầu tràn Khe Mọi thuộc địa phận bản Hồng Sơn, xã Lục Dạ, huyện Quỳ Châu, mực nước dâng cao nên giao thông bị chia cắt hoàn toàn.
Tại cầu tràn Dinh nối liền xã Nghĩa Hưng, huyện Nghĩa Đàn và xã Nghĩa Xuân, huyện Quỳ Hợp (Nghệ An) nước ngập sâu trên mặt cầu 1,7m. Tại cầu tràn Hiếu, xã Nghĩa Thịnh, huyện Nghĩa Đàn (Nghệ An) đoạn KM92+B50, Quốc lộ 48E nối xã Nghĩa Thịnh với xã Nghĩa Hưng, nước ngập sâu khoảng 1m, nguy hiểm cho người và phương tiện qua lại. Hiện chính quyền địa phương đã lập hàng rào, biển báo cấm không để người dân qua đập tràn bị ngập.
Trong sáng nay (18/7), tại Km 82+286 QL8A đi Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo đã xảy ra tình trạng sạt lở đất đá, tuy nhiên khối lượng không nhiều nên các phương tiện vẫn đi lại bình thường.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.