ột đơn vị nữ thanh niên xung phong Đoàn 515 chống lầy |
Tuyến đường Hồ Chí Minh đã trở thành chiến trường ác liệt, nơi đọ sức quyết liệt giữa ta và địch. Trong cuộc chiến ác liệt ấy, công tác vận tải chiến lược liên tục phát triển và ngày càng lớn mạnh, trong đó có sự phát triển nghệ thuật quân sự của chiến trường Trường Sơn thể hiện qua các vấn đề sau:
Nghệ thuật kết hợp thế trận tác chiến với thế trận vận tải, lấy thế trận vận tải làm trung tâm, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chi viện chiến lược cho chiến trường miền Nam
Nhiệm vụ của chiến trường Trường Sơn là “đánh địch mà đi, mở đường mà tiến”, thực hiện bằng được sự chi viện về mọi mặt của hậu phương lớn miền Bắc cho tiền tuyến lớn miền Nam nhằm đánh bại cuộc chiến tranh ngăn chặn của không quân, bộ binh Mỹ, ngụy thực hiện chi viện miền Nam thắng lợi; giải quyết vấn đề ai thắng ai trong cuộc đọ sức này, bên nào có tư duy khoa học quân sự và nghệ thuật quân sự ưu việt bên đó sẽ chiến thắng.
Nghệ thuật kết hợp thế trận tác chiến với thế trận vận tải, lấy thế trận vận tải làm trung tâm, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chi viện chiến lược cho chiến trường miền Nam có những tư tưởng, nguyên tắc chung, nhưng chỉ trở thành vũ khí sắc bén, vô địch khi được vận dụng và phát triển một cách sáng tạo vào đặc điểm của chiến trường Trường Sơn. Chiến trường Trường Sơn - nơi giao chiến giữa ta và quân đội Mỹ diễn ra trên địa bàn rừng núi thiên hiểm, có không gian rộng lớn với chiều dài trên 1.000km, chiều ngang trên 100km, xa hậu phương.
Nghệ thuật quân sự trong tổ chức vận tải chiến lược rất coi trọng cả “thế” lẫn “lực”, trong đó “thế” được nhận thức như một “đòn bẩy” sức mạnh, vì vậy phải xây dựng thế trận vận tải vững chắc và tìm mọi cách phá thế địch ngăn chặn. Thế trận vững chắc trong vận tải quân sự trên đường Trường Sơn trước hết là thế bố trí lực lượng đánh địch bảo vệ tuyến vận tải chiến lược đường Trường Sơn chi viện cho chiến trường miền Nam.
Thế trận vận chuyển còn bao gồm: Tổ chức cung độ hợp lý, phù hợp với sức cơ động của bộ đội vận tải và khả năng chỉ huy của người cán bộ; tổ chức các khu vực tập kết của đội hình xe vận tải có lợi nhất; tổ chức hệ thống chỉ huy giao thông; tổ chức trận địa phòng ngự của các lực lượng chiến đấu hiệp đồng binh chủng ở trọng điểm; tổ chức hệ thống kéo cứu xe, hệ thống quân y, hệ thống thông tin bảo đảm, đồng thời rất coi trọng tổ chức nghi binh lừa địch, chiến thuật, chiến đấu. Nghệ thuật kết hợp thế trận tác chiến với thế trận vận tải ở chiến trường Trường Sơn còn được thể hiện sự kết hợp giữa thế trận vận tải cơ giới với vận tải thô sơ, cả bằng đường bộ và đường sông, trong đó khẳng định vận tải cơ giới là chủ yếu. Như vậy, nghệ thuật kết hợp thế trận tác chiến với thế trận vận tải trên tuyến đường Trường Sơn đã có bước tiến nhảy vọt khi “chiến dịch vận tải” xuất hiện với quy mô hiệp đồng các lực lượng (binh chủng) và khối lượng vận chuyển lên rất cao.
Nghệ thuật hạn chế chỗ mạnh, khoét sâu chỗ yếu của địch để đánh địch, thực hiện đánh địch mà đi, mở đường mà tiến trong nhiệm vụ vận tải chiến lược
Năm 1969, chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh”, địch tiếp tục dùng không quân tăng cường đánh phá ngăn chặn tuyến vận tải chiến lược Trường Sơn với quy mô ngày càng ác liệt và tàn bạo hơn. Toàn bộ tuyến đường bị liệt vào một trong những “vùng bắn phá tự do” của hỏa lực không quân, pháo binh địch.
Đánh giá đúng địch là đánh giá đúng chỗ mạnh, yếu của địch một cách toàn diện, tìm mọi cách tránh chỗ mạnh của địch và kiên quyết khoét vào chỗ yếu của chúng để đánh chúng. Để đối phó với kẻ thù ta phải biết tránh chỗ mạnh, đánh vào chỗ yếu của địch. Đối với ta, phải biết phát huy cái mạnh, khắc phục chỗ yếu của mình. Ai nắm được Trường Sơn thì người đó nắm quyền chủ động trên chiến trường và người đó không ai khác chính là bộ đội Trường Sơn có đầy đủ mưu lược và dũng khí chủ động đánh và tránh địch một cách sáng tạo để giành thắng lợi.
Nghệ thuật tập trung nỗ lực vào địa điểm và thời cơ quyết định, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ vận tải chiến lược
Từ thực tiễn hoạt động đánh phá, ngăn chặn của địch, chúng ta thấy nhiệm vụ của bộ đội Trường Sơn là rất nặng nề. Tư tưởng tiến công, nguyên tắc tập trung mọi nỗ lực vào địa điểm và thời cơ quyết định để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ vận tải chiến lược. Nghệ thuật tập trung nỗ lực vào địa điểm thời cơ quyết định được thể hiện ở chỗ ta tập trung lực lượng, phương tiện tác chiến: “Mở đường mà tiến, bám trụ trọng điểm, bám chặt đội hình xe”; chọn mục tiêu mà đánh, chọn trọng điểm để bảo vệ, chọn thời cơ để đánh địch và vận tải. Khi đã chọn đúng thì kiên quyết tập trung lực lượng đánh địch và vận chuyển thắng lợi. Địch đánh phá ở đâu ta sửa chữa ngay đến đấy. Địch phá đường ban ngày ta phải sửa chữa thông xe ngay. Địch đánh đêm không để vận tải tắc đêm. Đường chưa thông, công binh chưa nghỉ… Đối với bộ đội phòng không, thực hiện tư tưởng tiến công: Tập trung lực lượng xây dựng trận địa bám trụ ngay nơi trọng điểm để chủ động bắn máy bay địch bảo vệ cho đội hình xe tiến vào chiến trường; bảo vệ cầu đường, kho tàng, chân hàng, bãi tập kết và nơi xuất phát của các đoàn vận tải chiến lược… Để bảo vệ đội hình xe hành tiến trên các nẻo đường, các đơn vị phòng không - không quân phải thực hiện chốt trận địa, kết hợp với cơ động phục kích đón lõng, tập trung lực lượng, tạo lập thế trận nhiều tầng hỏa lực, kết hợp trận địa thật với trận địa giả, đánh địch có trọng điểm và vào thời cơ có lợi; kết hợp đánh tập trung của bộ đội chủ lực với đánh rộng rãi của các lực lượng tại chỗ trên chiến trường Trường Sơn; tập trung nỗ lực vào địa điểm và thời cơ quyết định còn thể hiện ở chỗ tập trung lực lượng vận tải vượt qua trọng điểm, cung đường vào thời cơ có lợi để bảo toàn lực lượng vận tải chuyển hàng nhanh chóng đến với chiến trường.
Phát triển nghệ thuật chiến dịch trong vận tải chiến lược - nét mới trong nghệ thuật quân sự Việt Nam
Sự phát triển mới của chiến dịch vận tải chính là sự kết hợp chặt chẽ giữa tác chiến và vận tải, giữa lực lượng chiến đấu và lực lượng vận tải trong cùng một chiến dịch. Thực hiện cùng lúc hai mục tiêu là đánh địch và vận tải, đánh địch để vận tải nhưng cuối cùng là vận tải thắng lợi. Bước phát triển nổi bật và độc đáo nhất của nghệ thuật chiến dịch trong vận tải chiến lược trên chiến trường Trường Sơn là trong mỗi cung đường, mỗi chuyến hàng vận chuyển, các đơn vị thuộc các binh chủng, các ngành nghề khác nhau thuộc các binh trạm, các khu vực trên mặt trận Trường Sơn đều hành động theo sự chỉ huy tập trung thống nhất, hiệp đồng chặt chẽ nhằm đạt được mục đích thống nhất.
Như vậy, sự phát triển của nghệ thuật chiến dịch trong vận tải chiến lược đã có những nét mới, nổi bật trong nghệ thuật quân sự Việt Nam, đó là sử dụng lực lượng tổng hợp để tạo ưu thế trong thế trận vận tải quân sự và chiến thắng quân địch. Tính tổng hợp của nghệ thuật chiến dịch trong vận tải chiến lược trên chiến trường Trường Sơn còn được thể hiện ở sự kết hợp chặt chẽ giữa các lực lượng, thế và thời cơ trong từng trận chiến đấu, trên từng cung đường, qua từng trọng điểm..
59 năm đã trôi qua, cuộc chiến đấu anh dũng của quân và dân ta bảo vệ tuyến vận tải quân sự chiến lược, chống chiến lược ngăn chặn của địch trên chiến trường Trường Sơn vẫn còn để lại cho các thế hệ hôm nay và mai sau một mốc son rực sáng trong lịch sử chiến tranh và nghệ thuật quân sự Việt Nam. Báo Lơ Phi-ga-rô (Pháp) ngày 31/12/1971 Viết: “Điều làm cho người ta buồn phiền là đường Hồ Chí Minh không thể phá hủy được. Người Mỹ đã xác nhận điều đó”. Chiến trường Trường Sơn vẫn tồn tại, vẫn sẽ là chiến trường chủ yếu giữ mối liên hệ giữa các chiến trường, giữa các miền: Bắc - Trung - Nam của Việt Nam và của 3 nước Đông Dương
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.