Ngày 5/9 là ngày học sinh cả nước hân hoan đến trường, khai giảng năm học mới. Chẳng giống như những đứa trẻ khác được cha mẹ sắm sửa sách vở, quần áo, Hồng Nguyên lọ mọ một mình chuẩn bị bút thước, sách giáo khoa cho thật chỉn chu, sẵn sàng cho một năm mới. Cậu bé 13 tuổi tự mình làm công việc này suốt 6 năm qua.
Nguyễn Hồng Nguyên (SN 2006, học sinh lớp 8, trường Phổ thông Cao Sơn) lớn lên tại bản Mười, xã Lũng Cao, huyện Bá Thước, tỉnh Thanh Hóa. Em chịu thiệt thòi cả về vật chất lẫn tinh thần. Ngay khi còn nhỏ, cha bỏ nhà đi, mình mẹ nuôi hai chị em Nguyên. Điều kiện kinh tế khó khăn, một ngày, người phụ nữ ấy phải rời quê hương vào Nam lập nghiệp, để lại hai đứa trẻ, đứa lớn 8 tuổi, đứa nhỏ 7 tuổi nương tựa vào nhau.
Không có mẹ ở bên suốt 6 năm ròng, Nguyên quá quen với cuộc sống tự lập và không cần sự trợ giúp của ai. Nhất là sau đó không lâu, khi chị gái lên trường nội trú huyện học, chỉ thi thoảng về nhà hôm cuối tuần, ngôi nhà sàn hai gian không có bóng dáng người mẹ, người chị trở nên lạnh lẽo, trống vắng.
Em Nguyễn Hồng Nguyên 13 tuổi tự lập suốt 6 năm, nuôi ý chí được đi học. |
Dù luôn thiếu thốn tình cảm lẫn vật chất, bản thân em luôn tự ý thức và nỗ lực học tập.
Mỗi năm, Nguyên được nhận 800.000 đồng, mỗi học kỳ 400.000 đồng từ trợ cấp cho gia đình thuộc diện hộ nghèo của xã. Có thời điểm khốn khó, mẹ không gửi tiền về, Nguyên phải đi câu cá bống để bán lấy tiền, chắt chiu mua bút sách hoặc đổi lấy gạo thổi cơm lấp đầy chiếc bụng đói. Thời gian này, ngày em chỉ ăn một bữa.
Với bản tính tự trọng có thể do tự lập tự sớm, em ít khi nhận quà của ai, trừ khi đó là quà chung dành cho các bạn toàn trường. Thầy Hà Ngọc Tiếm, giáo viên chủ nhiệm, nhớ lại mùa đông năm Nguyên học lớp 6, nhiều lần các thầy có đem tặng em đồ ăn và chút quần áo, nhưng duy nhất chiếc áo của thầy Tiếm là em nhận. Đó là một lần rất hiếm hoi cậu bé này nhận quà từ người khác.
Căn nhà Nguyên ở phía sau là đồi núi, phía trước là đường đi học. Về đêm, nơi đây tối mịt vì không có điện. |
Nơi em ở là ngôi nhà sàn, bên cạnh lối đi lên đồi và hướng ra con đường đến trường. Cách đây 2 năm, mỗi khi mưa xuống là nhà bị dột, cửa sổ còn không có để đóng lại, gió tạt nước mưa vào trong, ướt sạch.
Cũng nhờ có trường Phổ thông Cao Sơn và các thầy giáo kết nối, ngôi nhà được một tổ chức thiện nguyện sửa sang, lợp lại mái, đến nay đỡ sập sệ hơn nhiều.
Trong nhà Nguyên vẫn để quần áo của mẹ, dù chị gần năm nay thậm chí không gọi điện về. Nguyên bảo:“Nếu có gọi, mẹ sẽ chỉ gọi cho chị gái em thôi!”. Nhắc đến mẹ, đôi mắt buồn của em chùng hẳn xuống.
Cậu học sinh không ngại gian khổ, khảng khái, tự trọng, không thích nhận quà từ người khác. |
Có lẽ cũng vì muốn chứng tỏ bản thân trưởng thành, mạnh mẽ đủ để bảo vệ người khác, Nguyên chẳng bao giờ chia sẻ nỗi buồn cho ai, kể cả những lúc cô đơn nhất… Người duy nhất khiến đôi mắt cậu sáng lên mỗi khi nhắc tới, là người chị gái Nguyễn Thị Thảo - học sinh lớp 9 trường THPT Bá Thước 3.
Nguyên tự hào kể chị Thảo được học tại ngôi trường nội trú huyện là nhờ đạt học bổng dành cho học sinh giỏi nhất trường. Mỗi khi có điều kiện, Thảo thường dành cuối tuần về nhà thăm Nguyên, mang về cho em đồ ăn ngon. Nhắc đến chị gái, đôi mắt cậu bé sáng lên, lấp lánh niềm hạnh phúc. Với Nguyên, chị Thảo là tấm gương để học tập.
ĐÈN PIN - NGƯỜI BẠN ĐỒNG HÀNH
Từ khi người chị gái cách em 2 tuổi đi học ở trường nội trú huyện, Nguyên bắt đầu cuộc sống một mình. Thời gian đầu em cảm thấy buồn tủi và khó khăn vô cùng, nhất là khi đêm xuống không có điện, xung quanh là một màu đen kịt, gió thổi đến nao lòng.
Trong màn đêm của bản Mười, ánh sáng từ chiếc đèn pin như khiến căn nhà bớt lạnh lẽo, cô đơn. |
Những tối không ai đến chơi cùng, người bạn đồng hành với em là chiếc đèn pin sạc. Em đội nó lên đầu để đọc sách, học bài. Trông Nguyên không khác gì một người thợ mỏ tí hon. Chiếc đèn này là món quà được tặng nên em rất trân quý nó.
Nguyên bảo: “Học kiểu này cũng chẳng làm sao hết, em quen rồi! Vả lại, những lúc đi học về em thường tranh thủ ôn bài sớm, trước khi mặt trời xuống núi”.
Được mẹ đưa đến trường từ năm 2 tuổi, đối với cậu bé Nguyên, lớp học là ngôi nhà thứ hai, các thầy giáo là gia đình, thẳm sâu trong tiềm thức em trường học không chỉ là nơi cho em kiến thức, mà là nơi để gắn bó. Chính vì vậy, ước mơ lớn nhất của em, là dù có chuyện gì xảy ra, em vẫn muốn được đi học.
Nguyên mơ ước sẽ học được đến bậc đại học, trở thành một cầu thủ bóng đá mang vinh quang về cho Tổ quốc. |
Nguyên từng chẳng dám nghĩ đến tương lai. Khi thầy chủ nhiệm gặng hỏi, cậu từng tâm sự: “Thưa thầy, để nói sau này làm gì, em không biết được, vì cuộc sống của gia đình em rất khó khăn. Em chỉ biết học thôi, còn tương lai ra sao, em không dám nghĩ tới”.
Ước mơ của cậu bé 13 tuổi này là trở thành cầu thủ bóng đá đem vinh quang về cho quê hương mình như cầu thủ Quang Hải.
“Dù có xảy ra chuyện gì, em vẫn sẽ cố gắng đi học. Em mong sau lớp 9 có thể được học tiếp lên phổ thông, rồi thi lên đại học”, Nguyên nói chắc nịch.
Thảo Nguyên - tên của hai chị em - gợi đến cánh đồng xanh mướt trải dài những hy vọng của mẹ các em. Có lẽ, chị gửi gắm trong đó mong ước rằng các con chị lớn lên được mơ ước, được tự do như cánh đồng lúa xanh nơi bản Mười, Lũng Cao xứ Thanh quê hương.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.