Sau khi sự việc xảy ra, các ban nganh từ Trung ương đến địa phương đã vào cuộc kiểm tra tình hình, xử lý và tìm hiểu nguyên nhân dẫn đến cá chết hàng loạt dọc bờ biển 4 tỉnh từ Hà Tĩnh vào đến Thừa Thiên - Huế.
Hệ thống kênh chứa nước thải của Formosa. |
Độc tố khiến cá chết hàng loạt từ đâu ra?
Chiều 23/4, 2 Bộ là Bộ NN&PTNT, Bộ TN&MT cùng đại diện 4 tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế đã ngồi lại để nghe báo cáo tình hình chung, tình hình từng địa phương cũng như báo các của các ngành và mổ xẻ về sự việc.
Trong buổi làm việc, rất nhiều vấn đề được quan tâm nhưng nguyên nhân dẫn đến cá chết hàng loạt trong thời gian qua đã làm nóng buổi làm việc. Theo đó, những nguyên nhân như cá bị nhiễm dịch bệnh, do môi trường nước đã được loại bỏ và tất cả đều có một nhận định chung là cá chết hàng loạt là do bị nhiễm độc, độc tố cực mạnh, nhưng độc tố đó là độc tố gì? Độc tố từ tự nhiên hay do con người xả thải ra môi trường thì chưa biết? Phải chờ 3-4 ngày nữa mới có thể có kết quả xác định.
Ông Lê Trần Nguyên Hùng, Phó Giám đốc sở NN&PTNT Thừa Thiên - Huế đặt ra câu hỏi: Tại sao không bắt đầu ở tỉnh nào mà bắt đầu từ Hà Tĩnh? Sau đó mới lần lượt lan vào Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế nhưng không lan vào các tỉnh tiếp theo? Các chuyên gia về nuôi trồng thủy sản phân tích: Qua diễn biến cụ thể, quan trắc và tìm hiểu thì bắt đầu có một dòng hải lưu chảy qua Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, vào đến eo Lăng Cô thì bị chặn lại và gặp dòng đối lưu chảy ra khơi, ra vịnh Bắc Bộ.
Tại buổi làm việc ông Vũ Văn Tám, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT đánh giá lại tình hình và thừa nhận cá chết ở các tỉnh miền Trung là một hiện tượng bất thường, lần đầu tiên xuất hiện nhưng lại diễn ra trên diện rộng, ảnh hưởng rất lớn đến đời sống và sản xuất của người dân.
Ông Tám cũng khẳng định: Qua lấy mẫu kiểm nghiệm và phân tích thì đã loại bỏ được 2 nguyên nhân là không phải do bị dịch bệnh và môi trường nước, chỉ còn một nguyên nhân là độc tố, độc tố thì đòi hỏi thời gian lấy mẫu, phải phân tích ở những phòng thí nghiệm mà đủ tiêu chuẩn để xác minh được. Thủ tướng Chính phủ đã giao cho Bộ TN&MT chủ trì, nếu chúng tôi có lấy được mẫu và phân tích được thì chúng tôi cũng cung cấp cho Bộ TN&MT. Thời gian tới Bộ NN&PTNT sẽ tiếp tục cử các đơn vị chuyên môn vào để hỗ trợ các địa phương.
Formosa xả cái gì, xả như thế nào?
Trong bối cảnh cá chết hàng loạt ven biển 4 tỉnh miền Trung được các cơ quan chức năng xác định là do bị nhiễm độc tố, loại độc tố gì đang được làm rõ, thì hệ thống ống xả thải khổng lồ của Formosa cắm sâu xuống đáy biển đang được dư luận hết sức quan tâm.
Liên quan đến hệ thống đường ống khổng lồ của Formosa dài 1,5km, đường kính hơn 1m, nằm sâu cách mặt nước biển khoảng 17m, cách bờ biển 1,5km, mỗi ngày xả ra 12.000m3. Tại buổi làm việc chiều 23/4, Thứ trưởng Bộ TN&MT Võ Tuấn Nhân cho biết: Quy trình xả thải của Formosa đã được Bộ TN&MT cấp phép theo đúng quy định pháp luật Việt Nam. Toàn bộ nước thải phải được xử lý trước khi xả thải và có hệ thống quan trắc tự động đặt tại Formosa do Sở TN&MT Hà Tĩnh quản lý. Tuy nhiên, việc được phép xả thải, được phép chạy đường ống ngầm với việc nước thải đó có chất gì gây hại môi trường hay không, hai chuyện đó khác nhau. Việc này đang được kiểm tra.
Được biết, trong thời gian gần đây Formosa có nhập về một lượng rất lớn hóa chất để súc rửa, vệ sinh hệ thống đường ông và máy móc. Trong đó có những hóa chất độc và cực độc. Theo tài liệu của Hải quan Vũng Áng, từ ngày 8/1/2016 đến 11/4/2016, Formosa đã thông quan, nhập về gần 297 tấn hóa chất, trong số này có những hóa chất chống gỉ CYC-VPrefilm900, chất loại bỏ gỉ CYC-Vprefilm400, chất chống ăn mòn CYC-Vclosetrol360, chất chống ăn mòn CYC-VMA 796…
Danh mục 297 tấn hóa chất được Formosa nhập về. |
Qua tìm hiểu vào thời điểm xảy ra cá chết hàng loạt chết tại vùng biển Vũng Áng và khu vực phụ cận trùng với dịp công ty Formosa dùng một lượng lớn hóa chất súc rửa đường ống, nhưng không thông báo cho địa phương.
Liên quan đến việc sử dụng một lượng lớn hóa chất để xúc rửa đường ống, phía Formosa đã xác nhận và thông tin họ thực hiện theo quy trình khép kín, nghiêm ngặt, sau đó được đưa vào khu xử lý nước thải công nghiệp để xử lý và khi thải ra đã có hệ thống quan trắc tự động kiểm soát.
Như tin đã đưa, ngày 24/4, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng đã trực tiếp về làm việc tại Hà Tĩnh, đi kiểm tra tại một số địa phương có cá, tôm chết, nghe báo cáo nắm bắt tình hình. Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã chỉ đạo các Bộ, ban ngành, chính quyền địa phương nhanh chóng tìm ra nguyên nhân, có phương án xử lý tốt, hỗ trợ người dân sớm ổn định cuộc sống.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.