Ảnh minh hoạ |
Đắk Lắk, Gia Lai, Đắk Nông tăng số vụ TNGT
Trao đổi vớiTạp chí GTVT, ông Bùi Văn Ngọc - Chánh văn phòng Ban ATGT tỉnh Đắk Lắk cho biết, từ khi QL14 qua địa bàn tỉnh đi vào sử dụng tình hình TNGT có chiều hướng tăng. Khi đường được đưa vào sử dụng đã rút ngắn thời gian lưu thông, tạo thuận lợi cho việc di chuyển, hàng hóa lưu thông dễ dàng, mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, do đường đẹp, xe chạy tốc độ nhanh hơn nên nguy cơ xảy ra tai nạn nhiều hơn, trên địa bàn tỉnh cũng xảy ra một số vụ làm chết người.
Theo ông Bùi Văn Ngọc, nguyên nhân dẫn đến những vụ tai nạn đáng tiếc trên là do khi đường đưa vào khai thác, các phương tiện lưu thông tốc độ nhanh khiến người tham gia giao thông chủ quan, đặc biệt là sự chủ quan về tốc độ dẫn đến nguy cơ xảy ra một số vụ TNGT gây chết người. Một nguyên nhân khác là do các phương tiện mất phanh, chủ quan vượt đường không quan sát chướng ngại vật phía trước dẫn đến xảy ra tai nạn.
Trên địa bàn tỉnh Đắc Lắk dọc QL14, Sở GTVT Đắc Lắk đã phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông tuyên truyền trên đài phát thanh cảnh báo tình hình TNGT dọc tuyến giúp các phương tiện cảnh tỉnh, bớt sự chủ quan khi tham giao thông. Lực lượng cảnh sát giao thông, Chi cục Quản lý Đường bộ 3 đã tăng cường tuần tra, kiểm soát tải trọng các phương tiện lưu thông trên QL14 để đảm bảo ATGT toàn tuyến.
Cũng như Đắk Lắk, đường Hồ Chí Minh đi qua địa bàn tỉnh Gia Lai kể từ khi thông xe, số vụ TNGT có tăng. Sau 2 tháng đưa vào sử dụng đã có 6 vụ tai nạn xảy trên tuyến QL14 qua địa bàn tỉnh. Trong đó, 4 vụ giữa ô tô và mô tô, 1 vụ mô tô với xe máy kéo nhỏ và 1 vụ là xe ô tô với người đi bộ. Những vụ tai nạn này sau khi được công an làm rõ đều được đánh giá là do sự chủ quan của người điều khiển phương tiện. Nguyên nhân cơ bản là lỗi của người tham gia giao thông chủ quan khi điều khiển các phương tiện, một nguyên nhân nữa là do lấn đường, thiếu quan sát gây ra tai nạn.
“Trước đây, đường xấu hơn, các phương tiện chạy tốc độ thấp hơn, còn bây giờ đường đẹp, các phương tiện chạy tới vận tốc cho phép thì các nguy cơ tiềm ẩn tăng lên”, ông Phạm Hiếu Trinh - Chánh văn phòng Ban ATGT tỉnh Gia Lai chia sẻ.
Không chỉ có Đắk Lắk, Gia Lai mà Đắk Nông cũng tăng số vụ TNGT, từ khi thông xe đến nay đã xảy ra 5 vụ, làm chết 11 người. So với cùng kỳ năm 2014, số vụ TNGT tăng 3 vụ, số người chết tăng 8 người.
Nguyên nhân dẫn đến TNGT là ý thức chấp hành pháp luật giao thông của một bộ phận người tham gia giao thông còn hạn chế, tình trạng sử dụng rượi bia khi tham gia giao thông, phóng nhanh vượt ẩu, thiếu chú ý quan sát vẫn còn là những nguyên nhân dẫn đến các vụ TNGT nghiêm trọng. Đồng thời, công tác TTKS, xử lý vi phạm TTATGT và sự phối hợp giữa các lực lượng liên quan chưa thực sự chặt chẽ, đồng bộ. Mặc dù, lực lượng tuần tra, thanh tra đã có nhiều cố gắng trong công tác xử lý vi phạm về TTATGT nhưng do còn mỏng về lực lượng, thiếu các trang thiết bị, công cụ hỗ trợ đồng bộ, hiện đại để đáp ứng được yêu cầu công tác nên còn nhiều hành vi vi phạm quy định về TTATGT chưa được phát hiện và xử lý triệt để.
Bên cạnh đó, hiện tượng tiêu cực, vi phạm quy trình xử lý còn xảy ra. Công tác quản lý Nhà nước về hoạt động vận tải và kiểm tra kiểm soát còn nhiều hạn chế, thiếu sót. Vi phạm hành lang ATGT đường bộ trên tuyến vẫn còn phổ biến, nhiều trường hợp vi phạm chưa được xử lý triệt để.
Đưa đường Hồ Chí Minh vào khai thác giúp giảm TNGT
Bên cạnh những tỉnh gia tăng về TNGT, còn có rất nhiều tỉnh lại có TNGT giảm cả 3 tiêu chí, điển hình là tỉnh Bình Phước. Trao đổi với Tạp chí GTVT, ông Nguyễn Tuấn Kiệt - Chánh văn phòng Ban ATGT tỉnh cho biết, sau khi thông xe tuyến QL14 thì tình hình TNGT trên địa bàn tỉnh là giảm cả 3 tiêu chí.
Để có được kết quả trên, Ban ATGT tỉnh đã tham mưu cho UBND tỉnh chương trình tổng thể chung cho cả năm, từ phân công lực lượng, tổng kết hội nghị đảm bảo ATGT trên địa bàn. Cho đến nay, tỉnh Bình Phước đã thực hiện nhiều kế hoạch chuyên đề như xe quá tải, kiểm tra nồng độ cồn, chỉ đạo huyện đảm bảo ATGT trong ngày lễ tết, khai giảng năm học mới”, ông Nguyễn Tuấn Kiệt cho biết thêm.
Không chỉ Bình Phước, từ khi đưa đường Hồ Chí Minh đoạn qua địa bàn tỉnh Kon Tum vào khai thác, tình hình TTATGT được ổn định, phương tiện tham gia giao thông thông suốt và an toàn, tạo được niềm tin cho người tham gia giao thông; TNGT có chiều hướng giảm so với thời gian trước khi đầu tư nâng cấp, không có hiện tượng UTGT.
Từ ngày thông xe đến nay đã xảy ra 6 vụ TNGT, làm chết 4 người, bị thương 3 người nhưng so với những tháng trước liền kề và so với cùng kỳ năm trước đều giảm được số người chết và số người bị thương. So với 2 tháng trước liền kề, số người bị thương giảm 66,6%, số người chết giảm 50%. So với cùng kỳ năm trước, số người bị thương giảm 50% và số người chết giảm 20%. Các vụ TNGT xảy ra chủ yếu do người điều khiển phương tiện không chấp hành các quy định về ATGT như: Không quan sát khi qua đường, tránh vượt sai quy định, điều khiển phương tiện chạy quá tốc độ, có sử dụng rượu, bia.
Để có được kết quả như vậy, tỉnh đã tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát, hướng dẫn và xử lý vi phạm quy định về trật tự, ATGT theo chuyên đề: Phương tiện chở hàng hóa quá tải, quá khổ; xe khách chở quá số người quy định; điều khiển phương tiện chạy quá tốc độ cho phép; hướng dẫn, nhắc nhở lái xe khi đi qua đoạn đường đèo dốc nguy hiểm; xử lý nghiêm đối với mô tô, xe gắn máy tham gia giao thông trên QL có hành vi vi phạm về trật tự, ATGT.
Ý thức người tham gia giao thông là mấu chốt Để giảm TNGT thì phải thực hiện tốt 3 vấn đề chính là hạ tầng, phương tiện, người tham gia giao thông. Nếu làm tốt cả 3 khâu đó thì TNGT sẽ giảm. Thời gian qua, đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên được đầu tư nâng cấp, mặt đường được mở rộng, biển báo, sơn vạch kẻ đường... được thực hiện đồng bộ, tạo thuận lợi cho người tham gia giao thông. Một nguyên nhân làm tăng số vụ TNGT là tuyến đường này không có dải phân cách, cộng với ý thức người tham gia giao thông kém, hay phóng nhanh vượt ẩu, lấn làn... Một điều đáng lưu ý, theo các nghiên cứu trên thế giới, giữa đường có dải phân cách với đường không có dải phân cách thì hệ số mất ATGT tăng lên gấp 9 lần, nguy cơ đối đầu phương tiện khi lưu thông tăng cao. Về góc độ phương tiện thì xe hết niên hạn sử dụng, xe quá tải đã được kiểm soát cơ bản, còn lại, có lẽ tập trung vào ý thức người tham gia giao thông. Xe chạy đường dài chủ yếu chạy ban đêm, mặc dù đã có những quy định về thời gian chạy xe tối đa bao nhiêu, dừng nghỉ bao nhiêu, nhưng việc thực hiện chưa triệt để nên dẫn đến TNGT. Người tham gia giao thông, đặc biệt là người điều khiển mô tô, mặc dù có đầy đủ bằng lái, nhưng khi tham gia giao thông chỉ cần có tiếng gọi là ngoặt đầu xe, khi sang đường không quan sát, không bật đèn báo hiệu... Đặc biệt là người điều khiển phương tiện vừa đi vừa làm việc khác như gọi điện thoại, nhắn tin, ôm hàng cồng kềnh… từ đó dễ gây ra tai nạn. Một đặc điểm của giao thông Việt Nam khiến TNGT tăng ở nước ta là dân bám đường để sinh sống, chỉ một đoạn đường mà lên đến n lần nút giao, mỗi nhà là một nút giao, khi ra khỏi nhà thường nhập ngay vào đường chính… Hiện nay, đường tốt, xe tốt thì giải pháp tăng cường ý thức người tham gia giao thông cũng phải được nâng cao hơn, chế tài phải được thực hiện nghiêm, lấy giáo dục là chính, giáo dục đến một mức nào đó, nếu cố tình vi phạm thì cần xử lý nghiêm khắc. Bên cạnh đó, các cơ quan quản lý Nhà nước cần nghiên cứu các chế tài phù hợp với giao thông hỗn hợp, đặc biệt là các yếu tố đặc thù ở Việt Nam, chỉ có như thế mới giảm được TNGT. PGS. TS. Hoàng Hà - Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ |
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.