Nghịch lý: Giá xăng dầu tăng phi mã, cước vận tải không thể tăng?

Tác giả: Nhóm PV

saosaosaosaosao
Bạn đọc 16/02/2022 06:00

Xăng dầu chiếm khoảng 35-40% tổng chi phí của doanh nghiệp vận tải. Khi loại nhiên liệu này tăng lên mức cao kỷ lục trong vòng 8 năm qua, nhưng các doanh nghiệp không dễ tăng cước vận tải.


IMG_20220215_134335

Doanh nghiệp vận tải thêm khó khăn chồng chất khi giá xăng dầu tăng

Xăng dầu tăng mạnh tác động trực tiếp tới hoạt động vận tải

Đánh giá về việc giá xăng dầu tăng cao ảnh hưởng tới hoạt động vận tải, ông Đỗ Văn Bằng - Giám đốc Cty TNHH Minh Thành Phát (hãng xe Sao Việt) chạy tuyến Hà Nội - Lào Cai cho biết, đây là mức tăng "khủng khiếp" mà doanh nghiệp phải đối diện, được ví như "giọt nước làm tràn ly" khiến các đơn vị vận tải lao đao trước nhiều áp lực.

Theo ông Bằng, chi phí nhiên liệu chiếm khoảng 35% cơ cấu giá thành vận tải. Khi xăng dầu tăng thêm gần 1.000 đồng/lít, tỉ lệ này tăng lên khoảng 40% với giá thành vận tải. Tuy nhiên, tăng giá cước vận chuyển muốn tăng không phải là điều dễ dàng khi các hợp đồng đã ký. Chưa kể, nếu tăng giá lên ngay, nhiều khách hàng dễ phản ứng, ảnh hưởng rất lớn đến việc sản xuất, kinh doanh.

Có hơn 70 xe khách chuyên chạy hợp đồng du lịch tại miền Bắc, ông Nguyễn Trọng Khánh - Giám đốc Công ty TNHH X.E Việt Nam - cho rằng, từ cuối năm 2021, đầu năm 2022, xăng dầu tiếp tục tăng giá, là lần thứ 4 liên tiếp giá xăng dầu phi mã. Giá giá xăng dầu điều chỉnh tăng mạnh tác động đến việc kinh doanh của hàng loạt doanh nghiệp vận tải vốn đã rất khó khăn trong thời gian dịch bệnh vừa qua.

"Xe của công ty chúng tôi chạy dầu, mỗi ngày tiêu tốn khoảng 3.000 lít dầu, tương đương khoảng 57 triệu đồng. Nhưng mỗi lần chạy, các chuyến xe chỉ lác đác vài khách, trong khi, nhà xe vẫn phải chi trả tiền lương cho lái xe và nhân viên phục vụ; cùng với việc duy trì hoạt động các văn phòng".

Theo ông Khánh, trước áp lực xăng dầu tăng giá, doanh nghiệp vận tải sẽ tính toán điều chỉnh giá cước theo hướng tăng khoảng 10-20% để cân đối doanh thu. Tuy vậy, doanh nghiệp đang ở thế khó vì không dễ gì khách hàng chấp nhận tăng giá trong bối cảnh “mỗi thứ đều tăng một ít” như vậy.

17B02100_2_15022022_134248_KsosKJ

Nhiều doanh nghiệp vận tải lo phí xăng dầu tăng nhưng không thể tăng cước ngay. Trong ảnh: xe khách tuyến Thái Bình - Hà Nội chỉ lác đác vài người đi lại trong dịp cuối tuần - Ảnh cắt từ clip.

Giá xăng dầu trong nước ở thời điểm này đang ở mức cao nhất trong vòng 8 năm qua. Giá xăng tăng trong khi vận tải hành khách bằng xe ôm công nghệ chỉ mới được cho phép hoạt động trở lại cách đây ít ngày đã khiến không ít tài xế lao đao.

Tại khu vực Bến xe Giáp Bát (Hà Nội), hàng loạt tài xế xe ôm công nghệ mỏi mòn chờ khách. Ghi nhận của PV Tạp chí GTVT cho thấy, dù là thời điểm thành phố cho phép học sinh, sinh viên được đi học lại ngay sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 song lượng hành khách tại bến xe này rất đìu hiu, vắng vẻ, các tài xế “ngồi chơi” dài.

Anh Nguyễn Đình Sơn cho biết, anh chạy thêm xe ôm công nghệ để tự lo phí sinh hoạt, học tập và phụ giúp gia đình. Tuy nhiên theo anh Sơn, công việc chạy xe ôm đang gặp nhiều khó khăn bởi giá xăng tăng chóng mặt. "Ngày trước chỉ cần đổ 70.000 – 80.000 đồng là đầy bình rồi, bây giờ phải 120.000 đồng mới đủ. Giá xăng tăng kéo theo nhiều mặt hàng khác cũng tăng giá. Trong khi khách đi xe thì đìu hiu. Dịch bệnh đã gây khó nay lại càng khó hơn".

"Giá xăng tăng ảnh hưởng rất nhiều đến thu nhập, do vây, kể từ thời điểm giá xăng dầu tăng mạnh, mình và các đồng nghiệp không dám chạy lòng vòng tìm khách như mấy hôm trước vì sợ không đủ tiền đổ xăng, chạy không đủ lệnh sẽ bị sai thải", anh Sơn chia sẻ.

Mặc dù gặp rất nhiều khó khăn do giá xăng dầu tăng cao, tuy nhiên, anh Sơn cũng như các tài xế xe ôm khác vẫn giữ nguyên giá cước để hỗ trợ khách hàng, nhất là những người lao động chịu ảnh hưởng nặng bởi dịch COVID-19 vừa qua.

IMG_20220213_195850

Giá xăng tăng đã ảnh hưởng rất nhiều đến thu nhập của lái xe Grab

Đề xuất giảm thuế, phí cho doanh nghiệp vận tải

Theo ông Bùi Danh Liên - Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội chia sẻ tới báo chí, giá xăng tăng cao tác động tới giá cước và các chi phí hoạt động của ngành vận tải, không chỉ có vận tải đường bộ mà hàng không, đường thuỷ, đường biển đều bị ảnh hưởng.

"Giá cước vận chuyển tăng cao cũng sẽ tác động tới mặt bằng giá, dẫn tới nguy cơ lạm phát. Doanh nghiệp sẽ phải tính toán vào cơ cấu giá thành vận tải. Cuối cùng người tiêu dùng sẽ phải gánh chịu hậu quả của việc tăng giá này", ông Liên nhận định.

Ông Liên nhấn mạnh giải pháp cần được ưu tiên hàng đầu vẫn là các cá nhân, doanh nghiệp chủ động tiết kiệm xăng dầu; khuyến khích người dân di chuyển bằng phương tiện công cộng.

Đồng quan điểm, chuyên gia kinh tế La Văn Thái cho rằng, sau gần 2 năm chống chọi với dịch COVID-19, đến nay, doanh nghiệp đã kiệt sức và không còn phương án nào để đảm bảo nguồn thu. Do vậy, cách duy nhất để họ giảm bớt khó khăn trước áp lực xăng dầu tăng giá là Nhà nước cần miễn hoặc giảm các loại thuế phí cho doanh nghiệp vận tải. Điển hình là phí bảo trì đường bộ và thu phí BOT.

Chuyên gia kinh tế La Văn Thái cũng cho rằng, các cơ quan quản lý Nhà nước nên xem xét giảm thuế bảo vệ môi trường thông qua mỗi lít xăng dầu. Hiện nay, mức thu loại thuế này đang khá lớn từ 3.800-4.000 đồng một lít xăng dầu. Khi giá xăng dầu được điều chỉnh đi xuống, giá các loại hàng hoá mới quay đầu giảm và cước vận chuyển cũng sẽ được điều chỉnh hợp lý.

Trước đó, chiều 11/2, liên Bộ Tài chính - Công Thương quyết định điều chỉnh giá bán lẻ xăng dầu theo chu kỳ 15 ngày/lần.

Theo đó, giá xăng cao nhất là 24.570 đồng một lít (tăng 980 đồng); RON 95 là 25.320 đồng một lít (tăng 960 đồng).

Với lần điều chỉnh tăng rất mạnh lần này, giá bán lẻ xăng dầu trong nước đã vượt 25.000 đồng một lít với mặt hàng RON 95 và là mức cao nhất từ tháng 8/2014. 

Sức ép trước đà tăng liên tục của giá xăng dầu quá lớn, nhiều doanh nghiệp vận tải đã buộc phải tăng giá cước vận chuyển từ 5-10%.

Ý kiến của bạn

Bình luận