Ảnh minh họa. |
Bồi dưỡng miễn phí cho học sinh yếu
Sáng 30/3, sở GD&ĐT Hà Nội đã tổ chức Hội nghị triển khai công tác thi THPT quốc gia và tuyển sinh đại học hệ chính quy năm 2018. Tham dự là đại diện các phòng ban trực thuộc Sở, các Phòng Giáo dục và lãnh đạo hàng trăm trường THPT trên địa bàn Hà Nội. Các vấn đề liên quan đến việc đăng kí dự thi (ĐKDT) năm 2018 của thí sinh đã được các đại biểu đưa ra để trao đổi thẳng thắn.
Ông Phạm Quốc Toản - Phó Phòng Quản lý thi và Kiểm định chất lượng sở GD&ĐT Hà Nội lưu ý các đơn vị, cần quán triệt và hướng dẫn cụ thể, rõ ràng tới các em thí sinh khi làm hồ sơ đăng kí dự thi.
"Dù hình thức thi năm nay vẫn cơ bản giữ ổn định như năm 2017, nhưng chúng ta vẫn phải chú ý hướng dẫn các em học sinh điền đúng, đủ thông tin trong hồ sơ ĐKDT nhằm tránh các sai sót không đáng có. Đơn cử như việc viết hoa chữ 'N - H' cũng dễ gây nhầm lẫn. Từ đó mã trường, tên trường ĐH cũng có thể sẽ khác, Học viện Nông nghiệp có thể nhầm lẫn thành Học viện Ngân hàng.
Ngoài ra, các nhà trường cần tuyên truyền tới các em đăng kí mua hồ sơ ĐKDT theo đúng biểu mẫu mà bộ GD&ĐT quy định. Tránh trường hợp mua các hồ sơ biểu mẫu trôi nổi trên thị trường, không rõ nguồn gốc dễ dẫn đến ghi sai thông tin cá nhân, giới tính và tên mã trường, cụm thi của thí sinh”, ông Toản lưu ý.
Về công tác ôn luyện, dạy phụ đạo cho học sinh, đại diện sở GD&ĐT Hà Nội yêu cầu các trường cần thực hiện nghiêm túc, đúng tinh thần chỉ đạo của lãnh đạo UBND thành phố về cấm dạy thêm học thêm trái quy định. Nếu dạy cần phải dựa trên tinh thần tự nguyện và đồng ý của phụ huynh học sinh, tuyệt đối không được cắt xén chương trình chính khóa.
Ông Toản nói: “Các trường cần tổ chức cho giáo viên giảng dạy bám sát đề thi tham khảo của bộ GD&ĐT, hướng dẫn học sinh nắm vững kiến thức, tránh học tủ. Phân công thầy cô giáo chủ nhiệm bồi dưỡng cho học sinh có kết quả còn yếu, việc dạy bồi dưỡng này thì trích từ tiền ngân sách chứ không thu tiền của học sinh”.
Các mốc thời gian quan trọng
Trong năm 2018, một số đối tượng được bổ sung vào dạng tuyển thẳng như: Người được giải thưởng trong các cuộc thi về mỹ thuật do Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch tổ chức được xét tuyển thẳng hoặc ưu tiên xét tuyển vào đại học.
Người đạt một trong các giải Nhất, Nhì, Ba trong các cuộc thi tay nghề khu vực ASEAN và quốc tế, nếu có bằng tốt nghiệp THPT hoặc bằng tốt nghiệp trung cấp đã học và thi đạt yêu cầu đủ khối lượng kiến thức văn hóa THPT theo quy định thì được tuyển thẳng vào các trường để học ngành nghề phù hợp với nghề đã đạt giải.
Đợt 1 ĐKDT Quốc gia và xét tuyển ĐH năm 2018 sẽ bắt đầu từ ngày 1/4 - 20/4. Trong khoảng thời gian này, tất cả các thí sinh (không phân biệt diện miễn thi hay không) phải đăng kí dự thi để cung cấp thông tin cá nhân của thí sinh; các bài thi/môn ĐKDT và đăng kí nguyện vọng xét tuyển ĐH 2018.
Sau ngày 20/4, thí sinh không được quyền thay đổi cụm thi, các thông tin về bài thi/môn thi đã đăng kí. Thí sinh được quyền thay đổi nguyện vọng xét tuyển vào đại học một lần duy nhất sau khi biết kết quả thi.
Đợt 2 xét đăng kí công nhận tốt nghiệp, chậm nhất ngày 24/5 tất cả các thí sinh dự thi để xét công nhận tốt nghiệp phải đăng kí xét công nhận tốt nghiệp để cung cấp kết quả thông tin kết quả học tập, hạnh kiểm năm lớp 12. Thí sinh đã học xong chương trình THPT từ năm 2017 trở về trước nộp phiếu đăng kí xét công nhận tốt nghiệp THPT vào thời điểm nộp phiếu ĐKDT.
Đối với thí sinh tự do đã học hết chương trình THPT trong năm học 2016 - 2017 trở về trước nhưng chưa tốt nghiệp THPT thì ĐKDT tại trường phổ thông trên địa bàn quận/huyện nơi cư trú (theo xác nhận của UBND cấp xã/phường) hoặc tại trường phổ thông nơi học lớp 12. Thí sinh đi công tác xa nếu có đủ căn cứ về việc không thể dự thi tại nơi cư trú hoặc nơi học lớp 12 được đăng kí dự thi tại trường phổ thông trên địa bàn nơi công tác.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.