Nghiên cứu đổi mới thực hành kế toán cho sinh viên Trường Đại học Giao thông vận tải

14/01/2018 11:49

Hiện nay đang tồn tại tình trạng một bộ phận không nhỏ sinh viên chưa được tiếp xúc với công việc kế toán thực tế tại doanh nghiệp, nên sau khi ra trường vẫn chỉ có một lượng kiến thức lý thuyết mà chưa biết áp dụng trong thực tế như thế nào, đồng thời thiếu kỹ năng cần thiết như: Giao tiếp, xử lý tình huống, ngoại ngữ… nên doanh nghiệp phải đào tạo lại.


TS. PHẠM THỊ LAN ANH

Trường Đại học Giao thông vận tải

TÓM TẮT: Hiện nay đang tồn tại tình trạng một bộ phận không nhỏ sinh viên chưa được tiếp xúc với công việc kế toán thực tế tại doanh nghiệp, nên sau khi ra trường vẫn chỉ có một lượng kiến thức lý thuyết mà chưa biết áp dụng trong thực tế như thế nào, đồng thời thiếu kỹ năng cần thiết như: Giao tiếp, xử lý tình huống, ngoại ngữ… nên doanh nghiệp phải đào tạo lại. Thực hành kế toán là nội dung quan trọng của chương trình đào tạo để xây dựng kỹ năng nghề cho sinh viên. Tuy nhiên, nội dung học phần này còn thiếu sự gắn kết với thực tế, do đó chưa phát huy được hiệu quả đào tạo. Bài báo đề xuất mô hình thực hành mô phỏng lại hoạt động kế toán trong một doanh nghiệp vận tải, cho phép sinh viên trải nghiệm công việc của một kế toán viên thực thụ, xây dựng cho sinh viên kỹ năng nghề nghiệp thực tế, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của người tuyển dụng.

TỪ KHÓA: Thực hành kế toán, thực hành kế toán Đại học Giao thông vận tải, kế toán mô phỏng, kế toán ảo.

Abstract: At present, a large number of students have not been approached to actual accounting practice in enterprises, they could not understand actual task and lack of working skills such as communication, dealing with situations, foreign languages… upon graduation. Therefore, enterprises have to re-educate them. Accounting practice is an important part of the curriculum to build professional skills for students. However, the content of this module is lack of connection with reality, so it has not brought the training effect. The paper proposes a practical model by simulating the accounting activity in a transport enterprise. This model allows students to experience the work of a true accountant, build professional career skills for students, to response the increasing demands of recruiters.

Keywords: Accounting practice, UTC’s accounting practice, accounting simulation, virtual accounting.

1. ĐẶT VẤN ĐỀ

Thực hành là nội dung không thể thiếu trong bất kỳ chương trình đào tạo nào. Với ngành kế toán, thực hành lại càng có ý nghĩa quan trọng, khi mà thông tin kế toán mang tính pháp lý và phải đảm bảo phản ánh trung thực hiện trạng, bản chất các nghiệp vụ kinh tế phát sinh tại doanh nghiệp. Nội dung thực hành kế toán hiện nay của nhiều trường đại học trong đó có Trường Đại học GTVT, thường bao gồm 2 nội dung chính là: Tổ chức hạch toán và ứng dụng công nghệ thông tin trong kế toán. Mô hình thực hành này đã hình thành, xây dựng cho sinh viên những kỹ năng nghề nghiệp cơ bản. Tuy nhiên trong bối cảnh cạnh tranh và hội nhập hiện nay, mô hình này đã xuất hiện một số hạn chế về nội dung và phương thức thực hiện nên chưa phát huy hết hiệu quả của thực hành nghề. Theo đánh giá của doanh nghiệp tuyển dụng, sinh viên tốt nghiệp ra trường thiếu kỹ năng nghề, phần lớn chưa có khả năng làm việc được ngay mà phải qua đào tạo lại. Do đó, rất cần có những nghiên cứu tìm ra giải pháp đổi mới nội dung thực hành trong đào tạo kế toán để đáp ứng yêu cầu thực tiễn lao động sản xuất.

2. NỘI DUNG

2.1. Yêu cầu thực tiễn với nhân lực nghề kế toán

Kinh tế Việt Nam đang trong giai đoạn phát triển, doanh nghiệp được thành lập ngày càng nhiều và kéo theo nhu cầu tuyển dụng nhân sự. Kế toán là một trong những vị trí bắt buộc phải tuyển để có thể hình thành một bộ máy hành chính phục vụ cho hoạt động của doanh nghiệp. Theo dự đoán của các chuyên gia về nghề nghiệp, đến năm 2018, mức độ tăng trưởng của ngành kế toán còn lên đến 22%.

Cộng đồng kinh tế ASEAN đã được thành lập vào cuối năm 2015 cho phép 8 ngành nghề lao động trong các nước ASEAN được tự do di chuyển thông qua các thỏa thuận công nhận tay nghề tương đương, trong đó có nghề nghiệp kế toán, kiểm toán. Đây sẽ là cơ hội cho lao động ngành kế toán mở rộng, phát triển nghề nghiệp trong môi trường quốc tế.

Ngành kế toán có nhu cầu tuyển dụng cao, song tỷ lệ thất nghiệp cũng lớn. Theo báo cáo thị trường tuyển dụng trong 6 tháng đầu năm 2017 của Công ty tuyển dụng trực tuyến VietnamWorks, thị trường nhân sự ngành sản xuất và kế toán tại Việt Nam đang đối mặt với tình trạng thừa số lượng nhưng thiếu chất lượng. Các doanh nghiệp tuyển dụng nhân sự kế toán cho biết, có đến 80% - 90% sinh viên được tuyển dụng chưa có khả năng tiếp cận ngay được với công việc của một kế toán thực sự, doanh nghiệp phải đào tạo lại. Lý do chủ yếu là các ứng viên có kiến thức chuyên môn về kế toán nhưng chưa đủ kỹ năng cần thiết khác để có thể đảm nhiệm được ngay công việc.

Để đáp ứng với yêu cầu của doanh nghiệp và xã hội hiện nay, sinh viên phải được trang bị các hiểu biết về giao dịch kinh tế, tài chính chứ không chỉ đơn thuần là kiến thức ghi chép sổ sách, đồng thời dành thời gian để nâng cao kĩ năng xử lý dữ liệu, sử dụng công nghệ thông tin, thông thạo ngoại ngữ và cần rèn luyện kĩ năng mềm như: Làm việc nhóm, lập kế hoạch, giao tiếp, kỹ thuật trả lời phỏng vấn…

2.2. Nội dung học phần thực hành trong chương trình đào tạo kế toán

Thực hành kế toán có ý nghĩa quan trọng trong đào tạo. Việc thiết kế xây dựng mô hình thực hành kế toán hợp lý sẽ giúp hiện thực hóa các lý thuyết kế toán trừu tượng, khó hiểu thành các vấn đề rõ ràng, dễ nắm bắt, dễ thực hiện cụ thể và là cơ hội để sinh viên tiếp cận một cách hiệu quả thực tế công việc tương lai.

Để sinh viên thâm nhập vào môi trường thực tế và hiểu được công việc kế toán ở doanh nghiệp, chương trình đào tạo trong các trường đại học đã có các môn học: “Tổ chức và thực hành kế toán”, “Ứng dụng công nghệ thông tin trong kế toán” và học phần “Thực tập tốt nghiệp”.

Qua quá trình trực tiếp giảng dạy, hướng dẫn thực tập và nghiên cứu, tiếp cận, phân tích thực tế, chúng tôi thấy về nội dung thực hành đang triển khai cho chương trình đào tạo kế toán tuy đầy đủ về mặt kiến thức chuyên môn và đã có ý nghĩa quan trọng trong việc xây dựng kỹ năng nghề cho sinh viên, nhưng so với nhu cầu thực tế kế toán tại các doanh nghiệp, còn tồn tại một số vấn đề sau:

1) Về nội dung 2 học phần “Tổ chức và thực hành kế toán” và “Ứng dụng công nghệ thông tin trong kế toán” được giảng dạy hiện đang là 2 phương thức mà kế toán thực hiện công việc của mình. Do đó, việc sử dụng 2 bộ dữ liệu đầu vào khác nhau sẽ làm hạn chế phần nào việc hình dung toàn diện, đầy đủ về toàn bộ quá trình hạch toán.

2) Việc trau dồi, bổ sung vốn tiếng Anh chuyên ngành chưa được tăng cường do dữ liệu đầu vào mới chỉ có bằng tiếng Việt.

3) Nội dung thực hành mới chỉ hướng tới những mô hình doanh nghiệp sản xuất kinh doanh đại trà, phổ biến mà chưa có nội dung gắn kết với chuyên ngành sâu của trường.

4) Sau khi được giảng viên hướng dẫn, các sinh viên thực hiện làm việc độc lập nên không được trải nghiệm giải quyết các mối quan hệ phát sinh trong công việc kế toán giữa các kế toán viên với nhau và với các bộ phận khác trong cùng bộ máy nên chưa rèn luyện được một số kỹ năng cần thiết như kỹ năng xử lý vấn đề phát sinh, kỹ năng giao tiếp…

5) Với học phần “Thực tập tốt nghiệp”, các đơn vị, doanh nghiệp vì lý do bảo mật số liệu kế toán nên thường chỉ giao cho sinh viên công việc hành chính đơn thuần, không chỉ bảo sinh viên công việc thực tế đúng chuyên ngành, vì vậy sinh viên không có điều kiện áp dụng những kiến thức đã học trên giảng đường vào thực tế để tích lũy thêm kinh nghiệm cho công việc tương lai.

Để thu thập thêm thông tin về chương trình thực hành kế toán tại Trường Đại học GTVT, nhóm nghiên cứu đã thực hiện khảo sát đối tượng là sinh viên và một số cựu sinh viên ngành Kế toán khóa 53, 54, 55. Nội dung khảo sát giới thiệu khái quát về mô hình thực hành kế toán với một doanh nghiệp ảo và bảng câu hỏi liên quan đến chương trình thực hành kế toán trong trường, nhu cầu nâng cao kỹ năng thực hành nghề và sự cần thiết xây dựng mô hình thực hành kế toán mô phỏng (ảo). Tổng số 287 phiếu khảo sát được phát ra, thu về được 237 phiếu, với kết quả như sau:

- 83% sinh viên đánh giá chương trình còn nhiều lý thuyết và ít thực hành;

- 54% sinh viên đánh giá chương trình dạy thực hành chưa đáp ứng nhu cầu thực tế;

- 81% sinh viên có nhu cầu bồi dưỡng kỹ năng thực hành kế toán;

- 61% sinh viên thấy cần thiết có mô mình thực hành kế toán với doanh nghiệp ảo.

Như vậy về cơ bản có thể thấy, phần lớn sinh viên Trường Đại học GTVT mong muốn tăng cường tính thực tế của nội dung thực hành và có nhu cầu được tiếp cận với mô hình thực hành mới.

2.3. Giải pháp đổi mới học phần thực hành kế toán cho sinh viên Trường Đại học GTVT

Xuất phát từ yêu cầu thực tiễn tăng cường gắn kết giữa lý thuyết và thực tế nhằm phát triển kỹ năng nghề kế toán cho sinh viên Trường Đại học GTVT, để khắc phục những vấn đề tồn tại của chương trình đào tạo, chúng tôi đề xuất xây dựng mô hình phòng kế toán mô phỏng. Với mô hình này, một phòng kế toán ảo được xây dựng với các hoạt động kinh tế phát sinh phổ biến giống trong thực tế hoạt động của doanh nghiệp. Người học được đóng vai kế toán viên trong phòng kế toán: Tiếp nhận các thông tin về các nghiệp vụ kinh tế theo nội dung công việc mà mình được giao phụ trách; xác định bộ chứng từ cần thiết để phản ánh các nghiệp vụ phát sinh, thực hiện các công việc cần thiết trên các chứng từ, sổ sách kế toán với sự hỗ trợ của phần mềm kế toán; tương tác trực tiếp với các kế toán viên khác để giải quyết các vấn đề phát sinh và thực hiện chu trình kế toán theo quy định.

Untitled
Hình 2.1: Mô hình phòng thực hành kế toán mô phỏng

Tài liệu thực hành là cơ sở dữ liệu cơ bản, là nền tảng để xây dựng mô hình phòng kế toán mô phỏng. Thực tế bộ dữ liệu này đang được xây dựng cho sinh viên Trường Đại học GTVT dưới dạng song ngữ (tiếng Việt và tiếng Anh) cho doanh nghiệp kinh doanh vận tải với các nghiệp vụ kinh tế và tình huống phát sinh trong 1 kỳ kế toán, gồm các phần hành cơ bản sau:

- Kế toán tiền lương và các khoản trích theo lương;

- Kế toán nguyên vật liệu, công cụ dụng cụ;

- Kế toán tài sản cố định;

- Kế toán tập hợp chi phí và tính giá thành;

- Kế toán bán hàng và xác định kết quả kinh doanh;

- Kế toán vốn bằng tiền và các khoản thanh toán.

Mô hình thực hành này đã được triển khai thí điểm ở lớp Kế toán Tổng hợp Việt Anh, khóa 55 của Trường Đại học GTVT và đã cho những kết quả nhất định. Cụ thể:

- Đây là mô hình mới nhưng tương đối dễ tiếp cận khi có sự hướng dẫn ban đầu của giảng viên;

- Được thực hành với các nghiệp vụ phát sinh thực tế tại công ty vận tải giúp sinh viên hiểu rõ hơn về nghiệp vụ, tổ chức công tác kế toán, nắm được quy trình làm việc thực tế tại doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp vận tải nói riêng;

- Sinh viên học tập hứng thú, tạo ra sự thu hút giúp sinh viên hiểu hơn về công việc kế toán và nghề nghiệp của mình;

- Sinh viên có thể hoàn thiện được kiến thức chuyên môn, trau dồi bổ sung vốn tiếng Anh chuyên ngành;

- Hoàn thiện các kỹ năng mềm cho sinh viên: Kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng tổ chức công việc, khả năng tư duy trong mọi tình huống, giải quyết nhanh những khó khăn, vướng mắc.

Tuy nhiên hiệu quả của mô hình này còn hạn chế, vì:

- Không gian và cơ sở vật chất, kỹ thuật chưa giống như một phòng kế toán thực tế nên mức độ “nhập vai” của sinh viên chưa cao;

- Sinh viên còn nhiều lúng túng, bỡ ngỡ khi tiếp cận với mô hình thực hành mới.

Để mô hình thực hành này phát huy hiệu quả tốt nhất, Nhà trường cần quy hoạch lại, bố trí, đầu tư thêm trang thiết bị theo mô hình phòng kế toán của doanh nghiệp thực tế và giảng viên cần có sự hướng dẫn chi tiết, cụ thể ngay từ buổi thực hành đầu tiên để sinh viên hiểu và nắm rõ quy trình vận hành phòng kế toán mô phỏng.

3. KẾT LUẬN

Cùng với quá trình hội nhập và phát triển kinh tế, ngành Kế toán vẫn là một trong những ngành có nhu cầu tuyển dụng cao trong thời gian tới. Do đó, nâng cao chất lượng đào tạo kế toán để tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao đang là một đòi hỏi cấp bách.

Kết quả nghiên cứu, xây dựng, triển khai phòng thực hành kế toán mô phỏng gắn với ngành nghề đào tạo của trường, là một cơ sở khoa học trong việc nâng cao chất lượng dạy và học, gắn liền giữa lý luận và thực tiễn cho việc đào tạo nghề kế toán. Với kết quả ban đầu tương đối khả quan của việc triển khai thử nghiệm mô hình thực hành này, nhóm nghiên cứu thấy rằng mô hình kế toán mô phỏng đề xuất là một mô hình thực hành mới có tính khả thi và góp phần giúp cho sinh viên ngành Kế toán Trường Đại học GTVT hình thành những kỹ năng nghề cần thiết, đáp ứng nhu cầu thực tế trong bối cảnh cạnh tranh và hội nhập quốc tế.

Tài liệu tham khảo

[1]. PGS. TS. Đoàn Ngọc Phi Anh (6/2017), Chung tay đào tạo nguồn nhân lực kế toán - kiểm toán chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu của khu vực và quốc tế, http://www.due.udn.vn/.

[2]. Trần Kim Chi (4/2017), Những điều sinh viên kế toán cần lưu ý khi xin việc, http://www.cdcdlaocai.edu.vn.

[3]. ThS. Vũ Mai Phương (3/2017), Đào tạo kế toán, kiểm toán trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế, http://tapchitaichinh.vn/.

[4]. Lương Thị Thủy (11/2016), Giải pháp nâng cao chất lượng giảng dạy các học phần thực hành nghiệp vụ kế toán, Kỷ yếu Hội thảo khoa học cấp Quốc gia về “Đổi mới và nâng cao chất lượng đào tạo kế toán, kiểm toán theo yêu cầu hội nhập”.

[5]. ThS. Đào Thị Đài Trang (11/2016), Giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo ngành Kế toán trong các trường đại học ở Việt Nam nhằm đáp ứng yêu cầu hội nhập, Kỷ yếu Hội thảo khoa học cấp Quốc gia về “Đổi mới và nâng cao chất lượng đào tạo kế toán, kiểm toán theo yêu cầu hội nhập.

[6]. Trường Đại học GTVT (2016), Chương trình đào tạo kế toán Việt Anh.

[7]. Kế toán, kiểm toán Việt Nam: Nỗi lo chất lượng nguồn nhân lực, 5/2016, http://thoibaotaichinhvietnam.vn.

[8]. Association of Accounting technicians and David Willis (2010), Accounting and bookkeeping principles and practice, North Ryde, N.S.W. : McGraw-Hill.

[9]. Https://doresearch.stanford.edu/policies/service-center-manual/policies-and-practices/accounting-practices.

[10]. Một số website: http://kttc.dntu.edu.vn, http://smarttrain.edu.vn, http://tckt.ntt.edu.vn...

 

Ý kiến của bạn

Bình luận