Nghiên cứu mô hình phân tích SWOT khi kinh doanh vận tải hành khách bằng xe buýt theo Nghị định 86/2014/NĐ-CP

21/05/2016 06:53

Nghị định 86 là cơ sở pháp lý và thực tiễn quan trọng, là bước đột phá trong tổ chức quản lý về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô theo hướng đồng bộ và hội nhập


ª PGS. TS. Từ Sỹ Sùa

Trường Đại học Giao thông vận tải

Người phản biện:

TS. Nguyễn Thanh Chương 

GS. TSKH. Nghiêm Văn Dĩnh

Tóm tắt: Ngày 10/9/2014, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 86/2014/NĐ-CP về Kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng ô tô (gọi tắt là NĐ 86), có hiệu lực thi hành từ ngày 01/12/2014 và thay thế Nghị định số 91/2009/NĐ-CP ngày 21/10/2009 của Chính phủ về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô và Nghị định số 93/2012/NĐ-CP ngày 6/11/2012 về sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định số 91/2009/NĐ-CP ngày 21/10/2009 của Chính phủ về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô.

Nghị định 86 là cơ sở pháp lý và thực tiễn quan trọng, là bước đột phá trong tổ chức quản lý về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô theo hướng đồng bộ và hội nhập.

Nội dung chủ yếu của bài báo là nghiên cứu áp dụng mô hình phân tích SWTO (Strengths - Điểm mạnh; Weaknesses - Điểm yếu; Opportunities - Cơ hội; Threats - Thách thức) khi kinh doanh vận tải hành khách bằng xe buýt và kinh doanh vận tải hành khách bằng ô tô theo tuyến cố định khi Nghị định 86 có hiệu lực thi hành.

Từ khóa: Nghị định 86/2014, kinh doanh vận tải bằng xe ô tô, kinh doanh vận tải hành khách bằng xe buýt.

Abstract: On September 10th 2014, the Vietnamese government issued the Decree no: 86/2014/ND-CP (the 86 Decree) on business and conditions for transportation business by auto (which is valid from December 1st 2014) to replace the Decree no: 93/2012/ND-CP signed in December 01st 2012 and Decree no: 91/2009/ND-CP signed in October 21st 2009.

The 86 Decree makes a breakthrough in business and conditions for transportation business comprehensively through declaring the legal corridor.

This paper concentrates on the applicability of SWOT model (Strengths - Weaknesses - Opportunities - Threats) in transportation business by bus and on the fixed routes when the 86 Decree have been valid.  

Keywords: The 86/2014 Decree; transportation business, bus.

1. Đặt vấn đề

Mô hình phân tích SWOT được Albert Humphrey phát triển vào thập kỷ 70 của thế kỷ XX, là kết quả của dự án nghiên cứu do Đại học Standford, Mỹ thực hiện. Albert cùng các cộng sự của mình ban đầu đã đề xuất mô hình phân tích có tên gọi SOFT (Thỏa mãn:Satisfactory - Điều tốt trong hiện tại; Cơ hội: Opportunity - Điều tốt trong tương lai, Lỗi: Fault - Điều xấu trong hiện tại; Nguy cơ: Threat - Điều xấu trong tương lai). Năm 1973, mô hình SWOT được sử dụng tại J W French Ltd và không ngừng được phát triển và hoàn thiện đến tận những năm đầu của thế kỷ XXI. Đến nay, mô hình SWOT ngày càng được hoàn thiện hơn, là công cụ hữu ích được ứng dụng tương đối phổ biến, sử dụng có hiệu quả trong nhiều lĩnh vực với các mục đích khác nhau.

Nội dung chủ yếu của bài báo là sử dụng mô hình SWTO (Strengths - Điểm mạnh; Weaknesses - Điểm yếu; Opportunities - Cơ hội; Threats - Thách thức) để phân tích: Kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải hành khách bằng xe buýt với kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải hành khách bằng ô tô theo tuyến cố định theo NĐ 86, chỉ ra những bất cập và đề xuất những kiến nghị nhằm nâng cao hiệu lực quản lý, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh trong vận tải hành khách bằng xe buýt và bằng xe ô tô theo tuyến cố định trong cùng phạm vi hoạt động.   

2. Nội dung nghiên cứu

2.1. Một số khái niệm và quy định theo NĐ 86

- Kinh doanh vận tải bằng ô tô là việc sử dụng xe ô tô vận tải hàng hóa, hành khách trên đường bộ nhằm mục đích sinh lợi, bao gồm kinh doanh vận tải thu tiền trực tiếp và kinh doanh vận tải không thu tiền trực tiếp.

- Tuyến cố định là tuyến vận tải hành khách được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt và công bố, được xác định bởi hành trình, bến đi, bến đến (điểm đầu (A), điểm cuối (B) đối với xe buýt) phù hợp với quy hoạch mạng lưới tuyến được phê duyệt.

- Tuyến vận tải hành khách cố định liên tỉnh có cự ly từ 300km trở lên phải xuất phát và kết thúc tại bến xe khách từ loại 1 đến loại 4 hoặc bến xe loại 5 thuộc địa bàn huyện nghèo theo quy định của Chính phủ.

- Tuyến xe buýt không được vượt quá phạm vi 02 tỉnh liền kề; trường hợp điểm đầu hoặc điểm cuối của tuyến xe buýt thuộc đô thị loại đặc biệt thì không vượt quá phạm vi 3 tỉnh, thành phố.

2.2. Phân tích mô hình SW (Strengths - Điểm mạnh; Weaknesses - Điểm yếu) về kinh doanh  vận tải hành khách bằng xe buýt và vận tải hành khách bằng xe ô tô theo tuyến cố định theo các quy định của NĐ 86

Thông thường, khi phân tích SWOT nói chung và phân tích theo SW nói riêng, trong cùng điều kiện điều kiện kinh doanh và môi trường kinh doanh, khi phân tích theo tiêu thức cặp thì: Điểm mạnh của đối tượng này là điểm yếu của đối tượng kia và ngược lại.

* Điểm mạnh của VTHK bằng xe buýt so với VTHK bằng xe ô tô theo tuyến cố định:

- Phạm vi hoạt động (cự ly tuyến, chiều dài tuyến) được mở rộng, cụ thể theo NĐ 86 quy định: Tuyến xe buýt không được vượt quá phạm vi 02 tỉnh liền kề; trường hợp điểm đầu hoặc điểm cuối của tuyến xe buýt thuộc đô thị loại đặc biệt thì không vượt quá phạm vi 3 tỉnh, thành phố. Theo đó, các tuyến buýt kế cận: 202 (Hà Nội - Hải Dương), 203 (Hà Nội - Bắc Giang), 205 (Hà Nội - Hưng Yên), 206 (Hà Nội - Hà Nam)…, các tuyến buýt nội vùng như Hà Đông - Tế Tiêu, Hà Đông - Xuân Mai… đã trở nên rất phổ biến.

- Cự ly tuyến xe buýt không bị giới hạn về quy định cự ly tối đa (phải nhỏ hơn 60km theo NĐ 91/2009/NĐ-CP; Chương II: Kinh doanh vận tải bằng xe ô tô; Điều 5: Kinh doanh vận tải hành khách bằng xe buýt). Như vậy, sẽ có rất nhiều tuyến sẽ “buýt hóa”, nghĩa là chuyển từ tuyến VTHK bằng ô tô theo tuyến cố định thành tuyến VTHK bằng xe buýt; đặc biệt đối với các tuyến nội tỉnh.

- Tính thuận tiện: Hành khách sử dụng dịch vụ VTHK bằng xe buýt khi di chuyển trên tuyến xe buýt có các điểm dừng đón, trả khách; khoảng cách tối đa giữa hai điểm dừng đón, trả khách liền kề trong nội thành, nội thị là 700m, ngoại thành, ngoại thị là 3.000m.

Theo đó, hành khách sử dụng VTHK bằng xe buýt thuận tiện hơn vì có thể được lên/xuống (tiếp cận) các điểm dừng dọc đường (trên tuyến) được quy định giới hạn tối đa về khoảng cách (cự ly) dọc tuyến theo quy định của NĐ 86.  

- Độ tin cậy về thời gian chuyến đi cho hành khách theo phương pháp O-D. Theo NĐ 86 có quy định giãn cách chạy xe tối đa giữa các chuyến xe liền kề là 30 phút đối với các tuyến trong nội thành, nội thị; 60 phút đối với các tuyến khác; thời gian hoạt động tối thiểu của tuyến không dưới 12 giờ trong một ngày; riêng các tuyến xe buýt có điểm đầu hoặc điểm cuối nằm trong khu vực cảng hàng không hoạt động theo lịch trình phù hợp với thời gian hoạt động của cảng hàng không. Như vậy, độ tin cậy và xác suất tiếp cận xe buýt cao hơn nhiều so với VTHK bằng xe ô tô theo tuyến cố định bởi những quy định đã nêu trong NĐ 86.

- Giá vé xe buýt rất đa dạng và rẻ hơn, ngoài ra còn có chính sách cho các đối tượng ưu tiên khác nhau như: Vé tháng 1 tuyến, liên tuyến, học sinh, sinh viên, người cao tuổi và miễn vé.  

- Sức chứa (trọng tải) thiết kế phương tiện. VTHK bằng xe buýt được áp dụng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với ô tô khách thành phố (QCVN 10: 2011/BGTVT) và sức chứa thiết kế được xác định bằng tổng số chỗ ngồi (ghế) và chỗ đứng. Tùy theo sự biến động của luồng hành khách mà hệ số sử dụng sức chứa của xe buýt có giá trị khác nhau, có thể lớn hơn 1,0 mà vẫn không bị vi phạm luật giao thông đường bộ. Tuy nhiên, tiêu chí này cũng có mặt trái khi hành khách phải chen lấn, đuổi theo để được lên xe, trên xe phải đứng bằng một chân, nghe những lời không hay từ lái, phụ xe là thực trạng trên các tuyến buýt liên tỉnh hiện nay. Mặc dù đứng chờ từ đầu bến xe buýt, nhưng phải mạnh tay “chen lấn, xô đẩy” mới có thể lên được chiếc xe buýt kế cận số 208 chiều Hà Nội đi Hưng Yên. Vì là cuối tuần nên lượng khách rất đông, trong trường hợp này lại là điểm yếu về chất lượng dịch vụ xe buýt.

* Điểm yếu của VTHK bằng xe buýt so với VTHK bằng xe ô tô theo tuyến cố định

- Luồng hành khách không ổn định, biến đổi theo thời gian (giờ trong ngày, ngày trong tuần) theo không gian và theo hướng (chiều). Chiều dài chuyến đi bình quân của hành khách ngắn nên hệ số thay đổi hành khách rất cao. Ngoài ra, do đặc điểm của luồng hành khách nên xe buýt không vận chuyển được hành lý cồng kềnh và hàng bao gửi.

- Chất lượng kỹ thuật phương tiện xuống cấp rất nhanh, do phải hoạt động điều kiện khai thác khắc nghiệt nên vấn đề về TNGT, ô nhiễm môi trường rất đáng lo ngại.

- Tốc độ lữ hành thấp, thời gian chuyến đi dài, chất lượng dịch vụ không đảm bảo như: Hệ thống điều hòa không tốt nên các cửa kính trên xe được mở toang, thậm chí tại một số thời điểm, ngay cả cửa chính cũng phải mở toang nhưng cũng không làm hạ bớt không khí ngột ngạt của thời tiết và hơi người trên xe.

Image336598
Hình 2.1: Điều hòa hỏng nên các cửa sổ kính trên chiếc xe buýt tuyến 208 này phải mở toang để khách đi đỡ ngột ngạt (Ảnh minh họa)

2.3. Phân tích mô hình OT (Opportunities - Cơ hội; Threats - Thách thức) về kinh doanh vận tải hành khách bằng xe buýt và kinh doanh vận tải hành khách bằng xe ô tô theo tuyến cố định theo các quy định của NĐ 86

* Cơ hội của VTHK bằng xe buýt so với VTHK bằng xe ô tô theo tuyến cố định

- Phát triển mạng lưới tuyến xe buýt theo cả 2 hướng (chiều rộng, chiều sâu) để tăng thị phần trong vùng hấp dẫn. Tuy nhiên, việc tăng mật độ mạng lưới hành trình vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt phải đồng thời với việc đảm bảo chất lượng dịch vụ và hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp.

- Các doanh nghiệp VTHK bằng xe buýt đã và đang được hưởng cơ chế, chính sách ưu đãi để phát triển xe buýt.     

* Thách thức của VTHK bằng xe buýt so với VTHK bằng xe ô tô theo tuyến cố định

- Chất lượng dịch vụ của vận tải hành khách bằng xe buýt không đảm bảo như: Hiện tượng xe bỏ chuyến, bỏ bến, nhồi nhét khách, chất lượng kỹ thuật của xe không tốt nên hay hỏng hóc dọc đường, thiếu thông tin cho hành khách…

- Giá vé chưa tương xứng với chất lượng dịch vụ, thái độ của lái xe và tiếp viên trong giao tiếp với hành khách.    

- TNGT, ách tắc giao thông và ô nhiễm môi trường do xe buýt gây ra là rất đáng kể. 

2.4. Kết luận

Qua nghiên cứu mô hình phân tích SWTO khi kinh doanh vận tải hành khách bằng xe buýt theo Nghị định 86/2014/NĐ-CP cho thấy, những điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội và thách thức so với kinh doanh vận tải hành khách bằng xe ô tô theo tuyến cố định. Cự ly tuyến xe buýt không bị giới hạn về quy định cự ly tối đa (nhỏ hơn 60km) là giải pháp tình thế có tính khả thi. Tuy nhiên, để chất lượng dịch vụ xe buýt không bị suy giảm cần phải bổ sung, thay đổi quy chuẩnô tô khách thành phố (QCVN 10: 2011/BGTVT) theo hướng quy định tỷ lệ (%) tối thiểu chỗ ngồi (ghế ngồi) so với sức chứa thiết kế (chỗ đứng và chỗ ngồi) của xe (ký hiệu: G) theo vùng hoạt động. Cụ thể như sau:

- Vùng hoạt động trong thành phố:   G1   ³ 30 %;

-Vùng hoạt động ngoại ô, nội tỉnh:  G2  ³ 40 %;

- Vùng hoạt động liên tỉnh: G3   ³  50 %.

Việc áp dụng quy định này góp phần hạn chế những điểm yếu của kinh doanh xe buýt khi mở rộng vùng hoạt động, tạo môi trường kinh doanh và cạnh tranh lành mạnh với vận tải hành khách bằng xe ô tô theo tuyến cố định.

Tài liệu tham khảo

[1]. Nghị định số 91/2009/NĐ-CP ngày 21/10/2009 của Chính phủ về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô.          

[2]. Nghị định số 93/2012/NĐ-CP ngày 6/11/2012 về sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định số 91/2009/NĐ-CP ngày 21/10/2009 của Chính phủ về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô.

[3]. Nghị định số 86/2014/NĐ-CP ngày 10/9/2014 của Chính phủ về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô.

[4]. PGS. TS. Từ Sỹ Sùa (2010), Giáo trình Thương vụ vận tải, NXB. GTVT, Hà Nội.

[5]. PGS. TS. Từ Sỹ Sùa (2015), Quy hoạch mạng lưới vận tải hành khách công cộng đô thị, NXB. Khoa học và Kỹ thuật, Hà Nội.

Ý kiến của bạn

Bình luận