ThS. NCS. Nguyễn Thị Liên Trường Đại học Hàng hải Việt Nam Người phản biện: PGS. TS. Vũ Trụ Phi TS. Nguyễn Hữu Hùng |
Tóm tắt: Việt Nam là nước sản xuất và xuất khẩu gạo đứng thứ hai trên thế giới, hầu hết gạo xuất khẩu của Việt Nam từ đồng bằng sông Cửu Long, chiếm 95,17% khối lượng gạo xuất khẩu của cả nước. Bài báo tập trung phân tích và xây dựng mô hình tổng quát hệ thống vận tải gạo xuất khẩu của Việt Nam, thực chất là xây dựng mô hình tổng quát hệ thống vận tải gạo xuất khẩu tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long.
Từ khóa: Vận tải gạo xuất khẩu, Việt Nam.
Abstract: Vietnam is the producer and second largest exporter in the world and most of Vietnam’s rice exports come from Mekong Delta, which accounts for 95,17% of the country’s rice exports. The basic of analyzing and building up the general model of exporting rice transportation system in Vietnam is actually in area Mekong Delta and is shown in this article.
Keywords: Transportation rice exporters, Vietnam.
1. Đặt vấn đề
Là nước sản xuất và xuất khẩu gạo đứng thứ hai trên thế giới, hầu hết gạo xuất khẩu của Việt Nam từ miền Nam, chiếm 95,71% khối lượng gạo xuất khẩu của cả nước, trong đó khu vực đồng bằng sông Cửu Long, chiếm 95,17%. Bình quân hàng năm khu vực đồng bằng sông Cửu Long xuất khẩu gạo khoảng 6,7 triệu tấn/năm trong 5 năm từ năm 2010 - 2014 [1, 4, 6].
Đồng bằng sông Cửu Long có 13 tỉnh và thành phố, các tỉnh có khối lượng gạo xuất khẩu nhiều nhất phải kể đến là Đồng Tháp, Tiền Giang, An Giang, Long An... Mặt khác, do điều kiện tự nhiên, khu vực đồng bằng sông Cửu Long, với hệ thống hạ lưu sông Mê Kông, các nhánh sông ngòi, kênh rạch chằng chịt, thuận lợi cho phát triển hệ thống giao thông đường thủy. Khối lượng gạo xuất khẩu tại đồng bằng sông Cửu Long chủ yếu được vận tải đường thủy nội địa chiếm 87,59% (Bảng 1.1) bằng sà lan, tàu sông, tàu sông pha biển, để đến cảng chính tập kết hàng là cảng Sài Gòn và/hoặc cảng Cần Thơ [1, 2].
Bảng 1.1. Tỷ trọng phương thức vận tải gạo xuất khẩu tại đồng bằng sông Cửu Long trong 5 năm (2010 - 2014)
Vì vậy, xây dựng mô hình tổng quát hệ thống vận tải gạo xuất khẩu của Việt Nam, trong phạm vi nghiên cứu, thực chất là xây dựng mô hình tổng quát hệ thống vận tải gạo xuất khẩu bằng đường thủy nội địa và đường biển tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long, để vận tải gạo xuất khẩu đến cảng tập kết Sài Gòn và Cần Thơ, sau đó gạo xuất khẩu được vận tải đến các nước nhập khẩu bằng đường biển.
2. Xây dựng mô hình tổng quát hệ thống vận tải gạo xuất khẩu của Việt Nam
Để xây dựng mô hình tối ưu cho hệ thống vận tải gạo xuất khẩu của Việt Nam, cần phân tích, đánh giá và lựa chọn các tiêu chí, có thể kể đến một số tiêu chí cơ bản sau: Dự báo khối lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam; thị trường xuất khẩu gạo; nước nhập khẩu gạo của Việt Nam; tuyến luồng đường thủy nội địa để vận tải gạo xuất khẩu tại đồng bằng sông Cửu Long; phương tiện vận tải gạo xuất khẩu tại đồng bằng sông Cửu Long; cảng xếp dỡ hàng gạo xuất khẩu tại đồng bằng sông Cửu Long; cước phí vận tải hàng gạo xuất khẩu của Việt Nam... Tuy nhiên, trong khuôn khổ của bài báo, tác giả không phân tích, đánh giá và lựa chọn cụ thể từng tiêu chí này, mà tập trung vào xây dựng mô hình tổng quát hệ thống vận tải gạo xuất khẩu của Việt Nam.
Gọi các cảng xuất khẩu hàng gạo của Việt Nam tại đồng bằng sông Cửu Long là XK1, XK2, XK3,… XKm.
Gọi các cảng nhập khẩu hàng gạo của Việt Nam tại các cảng nước ngoài là NK1, NK2, NK3,… NKn.
Cảng Sài Gòn (và/hoặc cảng Cần Thơ) là cảng tập kết hàng gạo cuối cùng cho quá trình xuất khẩu bằng đường biển là CTl.
Khi đó, hàng gạo xuất khẩu của Việt Nam từ các cảng XKm được vận chuyển bằng sà lan, tàu sông, tàu biển pha sông, có trọng tải thường 1.000 - 3.000 tấn, đến cảng tập kết CTl, sau đó được vận tải ra các cảng nhập khẩu nước ngoài NKn bằng tàu biển có tải trọng từ 10.000 - 20.000 tấn, tùy theo nước nhập khẩu gạo.
Vậy, sơ đồ hệ thống vận tải gạo xuất khẩu dạng tổng quát được xây dựng và mô tả theo Hình 2.1.
Hình 2.1: Mô hình tổng quát hệ thống vận tải gạo xuất khẩu của Việt Nam |
Dự kiến năm 2017 - 2018, hệ thống kênh Quan Chánh Bố (Trà Vinh) hoàn thành và đưa vào sử dụng thì khối lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam một phần khá lớn trực tiếp từ cảng Cần Thơ sang nước nhập khẩu gạo của Việt Nam bằng tàu biển trọng tải lớn, khoảng 10.000 tấn đầy tải và 20.000 tấn vơi tải. Khi đó, khối lượng hàng gạo xuất khẩu sẽ đồng thời qua cảng Sài Gòn và Cần Thơ để đến các nước nhập khẩu gạo từ Việt Nam.
Nhóm cảng biển số 6 gồm cảng biển khu vực 13 tỉnh đồng bằng sông Cửu Long. Dự báo khối lượng hàng hóa thông qua nhóm cảng năm 2015 là 10 - 11,2 triệu tấn/năm, đến năm 2020 là 25 - 28 triệu tấn/năm, đến năm 2030 là 66,5 - 71,5 triệu tấn/năm và chia thành các khu vực [5]:
- Cảng biển khu vực sông Tiền Giang gồm: Cảng Sa Đéc (Đồng Tháp), Mỹ Tho (Tiền Giang), Vĩnh Thái (Vĩnh Long), Hàm Luông (Bến Tre).
- Cảng biển khu vực sông Hậu Giang gồm: Cảng Cần Thơ với quy mô xây dựng tàu trọng tải từ 10.000 - 20.000 tấn vào năm 2020, các cảng Mỹ Thới (An Giang), Đại Ngãi (Sóc Trăng), Trà Cú (Trà Vinh).
Chính phủ xác định cảng Cần Thơ sẽ là cảng chính và trung tâm của khu vực đồng bằng sông Cửu Long, là đầu mối thương mại hàng hải phục vụ trực tiếp đồng bằng sông Cửu Long, phục vụ chung tiểu vùng Tây sông Hậu Giang và tiểu vùng giữa sông Tiền Giang với sông Hậu Giang.
Hình 2.2: Tỷ trọng gạo xuất khẩu thông qua các cảng |
Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan năm 2014 [3], tỷ trọng trung bình khối lượng gạo xuất khẩu tại đồng bằng sông Cửu Long trong 5 năm (2010 - 2014), chủ yếu thông qua các cảng: Cần Thơ, Mỹ Thới, Vĩnh Long, Mỹ Tho và Sa Đéc, được mô tả chi tiết theo Hình 2.2. Dự báo đến năm 2020 và tầm nhìn đến 2030, khối lượng gạo xuất khẩu của khu vực cũng chủ yếu thông qua năm cảng này.
Hơn nữa, theo Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn, đến năm 2020, tầm nhìn 2030 [1, 4, 6], thị trường gạo xuất khẩu của Việt Nam vẫn chủ lực là châu Á chiếm 63,495% và châu Phi chiếm 29,415%. Trong đó, tập trung nhiều nhất Philippines (chiếm tỷ lệ 22%), Indonesia (chiếm tỷ lệ trung bình là 13%) và Nigeria (chiếm tỷ lệ trung bình 9%), khối lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường thế giới.
Trường hợp cảng tập kết hàng gạo xuất khẩu là Sài Gòn:
Đối với trường hợp này, gạo xuất khẩu từ các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, được vận tải đến các năm cảng lựa chọn tại khu vực này, tập trung về cảng chính tập kết hàng là Sài Gòn, sau đó được vận tải sang các nước nhập khẩu gạo được lựa chọn, được mô tả chi tiết trong Hình 2.3:
Hình 2.3: Mô hình hệ thống vận tải gạo xuất khẩu tại đồng bằng sông Cửu Long với cảng tập kết hàng là Sài Gòn |
Trường hợp cảng tập kết hàng gạo xuất khẩu là Sài Gòn và Cần Thơ:
Hình 2.4: Mô hình hệ thống vận tải gạo xuất khẩu tại đồng bằng sông Cửu Long Cần Thơ |
Trường hợp này xây dựng hệ thống vận tải gạo xuất khẩu của Việt Nam từ năm 2020 trở đi, khi hệ thống kênh Quan Chánh Bố được hoàn thành (dự kiến năm 2017 - 2018). Khi đó, tàu biển trọng tải cỡ lớn từ 10.000 tấn - 20.000 tấn, thuận lợi ra vào tuyến luồng trên sông Hậu Giang đến cảng Cần Thơ mà không qua cửa biển Định An thường xuyên bị bồi lắng phù sa và các doi cát.
Vì vậy, hàng gạo xuất khẩu thông qua các cảng nội thủy được lựa chọn, như Mỹ Thới, Mỹ Tho, Vĩnh Long, Sa Đéc và Hàm Luông (đây là cảng rất tiềm năng, là một cảng nằm trong chiến lược phát triển cảng đến năm 2020 tầm nhìn 2030) đến hai cảng tập kết hàng Sài Gòn và Cần Thơ. Sau đó, được hàng gạo được xếp dỡ lên tàu biển tải trọng lớn từ 10.000 - 20.000 tấn, để vận tải bằng đường biển đến nước nhập khẩu gạo của Việt Nam (Hình 2.4).
3. Kết luận
Bài báo đưa ra việc xây dựng mô hình tổng quát hệ thống vận tải gạo xuất khẩu của Việt Nam, trên cơ sở mô hình tổng quát này, tác giả đã cụ thể hóa thành hai trường hợp mô hình cơ bản, cụ thể là:
- Mô hình 1: Cảng tập kết hàng gạo xuất khẩu là Sài Gòn với hàng hóa được vận chuyển về từ năm cảng: Cần Thơ, Mỹ Thới, Mỹ Tho, Vĩnh Long và Sa Đéc.
- Mô hình 2: Cảng tập kết hàng gạo xuất khẩu đồng thời là Sài Gòn và Cần Thơ với hàng hóa được vận chuyển về từ năm cảng: Mỹ Thới, Mỹ Tho, Vĩnh Long, Sa Đéc và Hàm Luông, được sử dụng để dự báo từ năm 2020 trở đi.
Từ hai mô hình này là cơ sở quan trọng để tác giả phân tích, đánh giá và lựa chọn tối ưu mô hình hệ thống vận tải gạo xuất khẩu của Việt Nam cho từng trường hợp của mô hình và được đưa ra trong bài báo tiếp theo.
Tài liệu tham khảo
[1]. Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, 2014.
[2]. Báo cáo và số liệu của Tổng cục Thống kê, năm 2014.
[3]. Số liệu của Tổng cục Hải Quan Việt Nam, năm 2014.
[4]. Báo cáo thường niên hàng lúa gạo Việt Nam 2014 và triển vọng 2015.
[5]. Quyết định 1037/QĐ-TTg, ngày 24/6/2014 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh “Quy hoạch phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030”.
[6]. Tham khảo thông tin tại các website: www.adb.org; www.imf.org; www.nhandan.vn; www.worldbank.org.vn, www.agro.gov.vn, www.baodientu.chinhphu.vn...
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.