"Ngôi sao" cải cách

Giao thông 24h 07/02/2016 15:37

Dẫn đầu các bộ, ngành về CCTTHC, Bộ GTVT luôn hành động và thực hiện nhiệm vụ với mục tiêu vì sự hài lòng hơn của người dân và doanh nghiệp.

IMG_8664
Thủ tục cấp đổi GPLX đã được đơn giản nhiều khâu

Người dân, doanh nghiệp hưởng lợi

Việc thực hiện dịch vụ công đã rút ngắn được thời gian từ 5 ngày xuống chỉ còn 2 tiếng là bước thay đổi lớn trong cải cách thủ tục hành chính. Ông Trần Văn Phượng - Giám đốc Công ty vận tải Hà Phương cho biết, trước đây chúng tôi phải cho lái xe nghỉ việc để làm các thủ tục cấp đổi giấy phép lái xe (GPLX), nhưng nay chỉ cần nửa ngày, lái xe có thể hoàn tất thủ tục cấp đổi, tiết kiệm thời gian và chi phí cho cả lái xe và doanh nghiêp.

Trao đổi với Tạp chí GTVT, ông Võ Minh Tuấn - Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý phương tiện và người lái - Tổng cục ĐBVN cho biết, đây là một trong những bước tiến lớn của công tác cải cách hành chính ngành. Việc đổi GPLX qua mạng không chỉ giúp người dân tiết kiệm được thời gian, tiền bạc mà còn giúp các đơn vị, cơ quan nhà nước dễ dàng hơn trong công tác quản lý, hạn chế tối đa tình trạng “cò mồi” trong hoạt động này.

Để thực hiện được việc cấp đổi, mọi cơ sở dữ liệu đều được đưa về Tổng cục ĐBVN thông qua hệ thống máy tính. Việc ứng dụng công nghệ hiện đại trong việc quản lý thông tin rất hữu hiệu, lực lượng chức năng có thể tra cứu thông tin một cách nhanh chóng khi cần thiết, đặc biệt là trong công tác phát hiện GPLX giả.

Bên cạnh việc đơn giản hóa tối đa thủ tục hành chính, Tổng cục ĐBVN còn tạo điều kiện cho người dân không cần phải đến các sở GTVT hay Tổng cục mà vẫn có thể làm thủ tục đổi bằng lái xe tại nhà bằng việc phối hợp với Tổng công ty Bưu chính Việt Nam triển khai dịch vụ cấp đổi GPLX vật liệu PET qua bưu điện.

Theo đó, khi tham gia dịch vụ này, người dân chỉ cần đến các trung tâm giao dịch bưu điện ở các huyện, thị xã và thành phố để làm thủ tục cấp đổi. Qua kiểm tra, đối chiếu, nếu hồ sơ xin cấp đổi GPLX hoàn chỉnh đầy đủ theo quy định của sở GTVT, nhân viên giao dịch của bưu điện sẽ tiếp nhận hồ sơ, nhập hồ sơ vào phần mềm quản lý, sau đó chuyển cho bộ phận một cửa của sở GTVT kiểm tra, xử lý.

Khi có GPLX, sở GTVT sẽ chuyển lại cho Bưu điện để trao trả lại người dân. Thời gian của quy trình tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả cấp đổi GPLX qua bưu điện được thực hiện trong 9 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ. Giá cước tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả GPLX tại nhà được quy định tùy theo địa bàn.

“Hình thức đổi GPLX này rất hữu dụng, đặc biệt là với những người ở cách xa trung tâm các tỉnh, thành. Với sự cải cách này, họ chỉ phải bỏ ra một khoản chi phí nhỏ cho bưu điện để vận chuyển là có thể đổi được giấy phép”, ông Tuấn đánh giá.

Tiếp tục cải cách và đổi mới

Bà Trịnh Thị Hằng Nga - Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ GTVT) cho biết, năm 2015 là dấu mốc cho nhiều sự đột phá của Bộ về công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật nhằm hướng đến mục tiêu “vì sự hài lòng hơn của người dân và doanh nghiệp”. Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã công bố chỉ số hiệu quả hoạt động xây dựng và thi hành pháp luật kinh doanh của các bộ năm 2014 (MEI). Theo đó, Bộ GTVT đứng thứ nhất trong 14 Bộ được xếp hạng về rà soát, kiểm tra, tổng kết thi hành pháp luật; đứng thứ 2 về tổ chức thi hành pháp luật; đứng thứ 3 về chất lượng văn bản quy phạm pháp luật và đứng thứ 5 về soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật, công khai thông tin, tuyên truyền và phổ biến pháp luật.

Cũng theo bà Nga, nếu xét điểm số tuyệt đối, Bộ GTVT là đơn vị duy nhất đứng đầu về chỉ số về rà soát, kiểm tra thi hành pháp luật, nhưng về mức độ cải thiện điểm số so với chính mình ở MEI 2012 thì Bộ GTVT đứng hạng nhất ở 3 trong 5 chỉ số, bao gồm: Chỉ số hiệu quả hoạt động tổ chức thi hành pháp luật với mức tăng 50,99%, chỉ số hiệu quả rà soát, kiểm tra, tổng kết thi hành pháp luật tăng 41,16% và chỉ số chất lượng văn bản quy phạm pháp luật tăng 16,07%. Mức độ cải thiện điểm số của Bộ GTVT ở MEI 2014 so với MEI 2012 là 27,58%, dẫn đầu trong 14 Bộ và vượt xa mức cải thiện của một số bộ khác. “Bộ GTVT được cộng đồng doanh nghiệp gọi tên là “Ngôi sao cải cách” của năm 2014 khi lội ngược dòng từ tốp cuối lên tốp đầu”, Bà Nga nhấn mạnh.

Bộ GTVT cũng là Bộ đầu thiên tham gia cơ chế hải quan một cửa quốc gia. Hiện Bộ GTVT có 62 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 18 dịch vụ ở mức độ 4, trong đó có 12 thủ tục hành chính tham gia cơ chế hải quan một cửa quốc gia. Trong thời gian tới, Bộ GTVT tiếp tục đẩy mạnh tăng cường các thủ tục cung cấp dịch vụ công trực tuyến ở mức độ 3 và 4 để tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, cá nhân trong việc thực hiện thủ tục cải cách hành chính.

Đặc biệt, theo bà Nga, năm 2015 cũng đánh dấu sự chuyển mình vượt bậc của Bộ GTVT khi tổng kết lại nhiệm kỳ vừa qua. Trong 5 năm (2011 - 2015), số thông tư được Bộ trưởng ban hành tăng hơn 300 thông tư, thông tư liên tịch so với nhiệm kỳ trước (2006 - 2010).

Bước sang năm 2016, theo kế hoạch, Bộ GTVT sẽ tiếp tục xây dựng và hoàn thành 68 văn bản, trong đó có 2 Luật Đường sắt và Giao thông đường bộ, 2 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ và 23 Nghị định của Chính phủ; 37 thông tư của Bộ trưởng Bộ GTVT và 4 thông tư liên bộ.

Ý kiến của bạn

Bình luận