'Ngồi trên lửa' COVID-19: Dân lái taxi rao bán xe, bỏ nghề

Tác giả: Nhóm PV

saosaosaosaosao
Bạn đọc 29/05/2021 06:00

Thời điểm này, không khó để bắt gặp những chiếc xe taxi vẫn nằm dài ở trước các khu trung tâm thương mại, đắp chiếu trong các bãi để xe vì không có khách. Do mất khả năng thanh toán các khoản vay, một số tài xế taxi đã lên tiếng rao bán xe, bỏ nghề.


20210311_101723-2109
Taxi xếp hàng dài trên đại lộ Chu Văn An (xã Tân Triều, huyện Thanh Trì, Hà Nội) - Ảnh: PV

Anh Nguyễn Thành Hưng, một tài xế hãng taxi Vạn Xuân với hơn 10 năm kinh nghiệm đã cố gắng lau dọn lại chiếc xe của mình với hi vọng có thể tìm được khách hàng. Với tài xế nay, đây có thể coi là thời điểm tồi tệ nhất trong năm.

Anh Hưng nói: “Đại dịch COVID-19 khiến cả thế giới lo lắng. Các hoạt động vận tải công cộng gần như bị đóng băng. Mọi người không ai ra khỏi nhà. Sân bay, nhà ga, bến xe - mọi nơi đều vắng khách”.

Không chỉ khách du lịch, những người thường xuyên sử dụng taxi làm phương tiện đi lại giờ cũng vắng hơn, mà ngay cả người dân Hà Nội cũng được khuyến cáo hạn chế sử dụng các phương tiện công cộng để ngăn ngừa dịch bệnh lây lan. Theo ước tính, doanh thu của các hãng taxi trong mùa dịch COVID-19 bị giảm tới hơn 70%.

Nhiều tài xế mua xe trả góp nay không có doanh thu nhưng vẫn phải đảm bảo trả lãi, gốc với số tiền lớn mỗi tháng buộc họ phải đi đến quyết định bán xe để tránh nơi vào tình cảnh nợ xấu.

Anh Lê An Thành (quê Hà Nam, lái xe taxi) là thành viên của hãng taxi nổi tiếng ở Hà Nội, anh được hãng này bán cho chiếc xe Hyundai i10 theo hình thức trả góp với giá hơn 600 triệu đồng. Để được vay, anh Tuấn phải ký hợp đồng tín dụng với chủ hãng và mỗi tháng trả đủ 10 triệu đồng.

Ngoài chi phí trên, mỗi tháng anh Thành còn phải đóng từ 2 đến 2,5 triệu đồng các chi phí quản lý, thương hiệu, phí bộ đàm, logo... Vị chi mỗi tháng anh phải nộp cho đơn vị chủ quản hơn 12 triệu đồng. Để trả đủ số tiền mua xe trên, anh T. cho biết, anh phải "cày như trâu" từ sáng sớm đến tối khuya trong vòng gần 6 năm.

PicsArt_05-28-11.03.35
 
PicsArt_05-28-11.01.24
Trước áp lực của các khoản vay, phí duy trì dịch vụ, một tài xế rao bán xe trên diễn đàn mạng: Ảnh chụp màn hình

Vậy nhưng, từ hồi cuối tháng 4 vừa qua, đợt dịch COVID-19 bùng phát trở lại tại Việt Nam, nhiều khu vực tại Hà Nội bị phong tỏa, giãn cách. Để đảm bảo an toàn cũng như hạn chế sự lây lan của dịch bệnh, anh Thành phải tạm dừng hoạt động. Mặc dù không có thu nhập, nhưng hàng tháng anh Thành vẫn phải “gồng gánh” khoản nợ hơn 12 triệu đồng/tháng. Điều này khiến anh như “ngồi trên lửa”, không biết xoay sở thế nào.

“Gần 1 tháng nay, tôi hầu như không kiếm được đồng nào từ công việc chạy taxi. Vừa phải trả nợ tiền xe, vừa phải trả góp tiền mua nhà, “nợ kép” khiến gia đình tôi thực sự khốn đốn”, anh Thành ngao ngán thở dài.

Nằm trong tình trạng phải rao bán xe, anh Đỗ Văn Phú (Ứng Hòa, Hà Nội) cho biết: “Tôi mới mua xe theo hình thức trả góp để chạy taxi thì gặp đúng đợt dịch, bây giờ mỗi tháng tiền lãi, tiền góp gần chục triệu đồng, sắp tới tôi chưa biết xoay sở thế nào”.

Theo anh Phú, lượng khách giảm quá 70% nhưng anh vẫn phải gồng mình lên chi trả các loại chi phí. Ngoài tiền lãi hàng tháng anh Phú còn phải đóng tiền đàm, phí dịch vụ quản lý, bảo hiểm, quỹ công đoàn,… thời điểm này đã trở thành gánh nặng quá sức với anh.

“Đi làm thì không có khách, ở nhà thì sốt ruột vì cứ đến tháng ngân hàng lại gọi đóng lãi. Nếu cứ tiếp tục khó khăn như này trong vài tháng nữa tôi e rằng phải bán xe, chuyển nghề khác”, anh Phú tâm sự.

Hãng taxi Mai Linh, Taxi Group là một trong những hãng ít ỏi ở Hà Nội đang hoạt động theo hình thức giao xe cho tài xế hoạt động, sau đó ăn chia theo lợi nhuận thu được. Với hình thức này, sáng ra tài xế đến nhận xe (mượn xe) của hãng hoạt động, sau đó hết ca trả xe, tiền thu được ăn chia theo tỷ lệ 50/50 (hãng 50%, tài xế 50%) hoặc 40/60. Tuy nhiên, khi dịch bùng phát, lượng khách giảm, hình thức này cũng khiến cả tài xế và hãng taxi… cùng rỗng túi.

Theo chia sẻ của một số tài xế taxi, thời điểm này, rất nhiều tài xế gặp khó khăn, tuy nhiên họ chưa tiếp cận được những gói tín dụng hay hỗ trợ từ ngân hàng, cũng như việc giảm phí dịch vụ của hãng taxi nên áp lực tiền bạc lại càng đè nặng.

Ông Bùi Danh Liên, Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội cho rằng, tài xế đi kèm với phương tiện là nhân tố làm lên tên tuổi, thịnh vượng của hãng taxi, hãng xe công nghệ. Do vậy khi rủi ro xảy ra, mặc dù hãng cũng gặp nhiều khó khăn do bị giảm doanh thu nhưng không thể không có trách nhiệm với các tài xế. Theo ông, xe không chạy thì đương nhiên sẽ không đóng các khoản phí hàng tháng, trong đó có phí thương hiệu, logo, bộ đàm. Tiếp đó, để doanh nghiệp và tài xế cùng vượt khó, chủ hãng taxi cần kiến nghị với ngân hàng giảm, giãn các khoản lãi suất.

PicsArt_05-28-11.15.27
Bữa cơm đạm bạc ven đường của cánh tài xế taxi trong mùa dịch bệnh 

Ông Nguyễn Anh Quân, Tổng Giám đốc hãng xe Taxi G7 cho biết, không chỉ tài xế mà hãng cũng đang gặp rất nhiều khó khăn do vẫn phải chi đều các khoản nhân công hành chính, phí bãi đỗ xe, lãi suất ngân hàng. “Tuy nhiên, để chia sẻ khó khăn với tài xế, hiện hãng Taxi G7 đã có chính sách miễn phí quản lý, phí bộ đàm, thương hiệu cho hơn 2.000 xe taxi hãng G7”, ông Quân nhấn mạnh.

Mới đây, Hiệp hội taxi ba miền (Hà Nội, Đà Nẵng, TP. Hồ Chí Minh) vừa có văn bản gửi Thủ tướng Phạm Minh Chính, kiến nghị hỗ trợ các doanh nghiệp vận tải vượt qua khó khăn trước đại dịch Covid-19.

Theo hiệp hội, dịch Covid-19 bùng phát lần thứ 4 ở nhiều tỉnh thành trên cả nước đã làm cho hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp vận tải taxi lâm vào tình trạng vô cùng khó khăn. Lượng hành khách giảm đến 80-90%, dẫn đến doanh thu sụt giảm nghiêm trọng, đời sống người lao động lao đao, không có thu nhập. Hàng loạt các doanh nghiệp taxi đứng trước nguy cơ phá sản, nợ xấu có nguy cơ tăng cao trong hệ thống ngân hàng. Vì vậy, Hiệp hội taxi ba miền kiến nghị Thủ tướng sớm có chính sách giảm thuế giá trị gia tăng về 0% trong thời gian 6 tháng cho các doanh nghiệp kinh doanh vận tải. Giảm 50% lệ phí trước bạ cho các xe ô tô đăng ký mới để kinh doanh vận tải.

Hiệp hội cũng mong muốn các doanh nghiệp kinh doanh vận tải được ngừng đóng bảo hiểm xã hội đến hết năm 2021. Đối với các doanh nghiệp vận tải còn nợ đọng bảo hiểm xã hội, đề nghị được giãn nộp số nợ đến 31/12, và không tính lãi chậm nộp.

“Đặc biệt, nhà nước cần cho các doanh nghiệp vận tải được miễn nộp phí bảo trì đường bộ đến hết tháng 12/2021. Điều chỉnh tăng thời hạn kiểm định cho xe ô tô kinh doanh vận tải…”- Hiệp hội taxi ba miền nêu kiến nghị.

Ý kiến của bạn

Bình luận