Không có thoả thuận đồng nghĩa với việc các thoả thuận pháp lý và thương mại quan trọng đối với kinh tế Anh sẽ bị vô hiệu. |
Chỉ còn 8 tháng nữa trước khi Anh chính thức rời khỏi Liên minh châu Âu (EU) - ( Brexit ) chính phủ Anh vẫn đang cố gắng phủ định các cáo buộc rằng nước này đang không chuẩn bị đủ tốt cho viễn cảnh mà ở đó Anh không thể đạt được thoả thuận nào với EU - còn gọi là "Brexit cứng".
Tiến độ chậm chạp của các cuộc đàm phán đang làm gia tăng lo sợ rằng Anh có thể rời EU vào tháng 3/2019 mà không đạt được thoả thuận nào để thạm thời giữ nước này lại thị trường chung và liên minh thuế quan của khối.
Thị trường chung và liên minh thuế quan cho phép 28 nước thành viên của EU hoạt động như một khu vực thương mại chung miễn thuế, miễn kiểm tra hải quan và hầu hết công ty của Anh đều đang hưởng lợi từ những điều này.
Theo CNN, quan ngại mới nhất là khả năng thiếu lương thực, nhu yếu phẩm hậu Brexit và liệu chính phủ hoặc khu vực tư nhân có nên tích trữ nhu yếu phẩm để bảo vệ khỏi nguy cơ việc nhập khẩu hàng hoá bị chậm trễ hay không.
Hiện tại, Anh nhập khẩu 50% lương thực từ nước ngoài và nhiều tổ chức cảnh báo rằng các loại thuế nhập khẩu và việc chậm trễ ở hải quan có thể gây ra tình trạng thiếu nguồn cung và giá cả tăng vọt.
"Trong viễn cảnh này, dù chúng ta sẽ không thiếu đồ ăn, thức uống, nhưng có khả năng nguồn cung sẽ bị hụt nghiêm trọng, gây ra nhiều tác động tiêu cực tới độ sẵn có của hàng hoá và lựa chọn của khách hàng", người phát ngôn của Hiệp hội Thực phẩm và Đồ uống (FDF) của Anh cho biết.
Các nhà sản xuất ôtô, cửa hàng thực phẩm, bán lẻ cảnh báo rằng sẽ có hậu quả nghiêm trọng nếu họ không thể nhận các đơn hàng "kịp thời" để vận hành chuỗi cung ứng của mình.
"Với các hãng bán lẻ không có cơ sở để trữ hàng hoá hoặc đối với các mặt hàng tươi sống, thì không thể vận hành được", Hiệp hội Bán lẻ Anh cho biết.
Khi thời gian không còn nhiều, chính phủ Anh cho biết sẽ phát thông báo tới các doanh nghiệp và công dân trong tháng 8 và tháng 9 về cách thức chuẩn bị cho một "cuộc chia tay" mà không đạt được thoả thuận với EU.
Hiện các công ty vẫn chưa biết sẽ phải đổi mặt với những quy định mới, thuế quan hay thủ tục hải quan gì hậu Brexit. Họ cũng không rõ có thể điều chuyển nhân viên giữa Anh và các nước khác thuộc EU hay không, có bị buộc phải nộp các loại thuế mới hay.
Jaguar Land Rover - nhà sản xuất ôtô lớn nhất tại Anh, cho biết việc Anh rời khỏi EU sẽ khiến công ty này mất hơn 1,2 tỷ Bảng (1,6 tỷ USD) mỗi năm. Liên minh Công nghiệp Anh cho biết ngành công nghiệp ôtô nước này sẽ phải đối mặt với khủng hoảng "sinh tồn".
Hồi tháng 6, nhà sản xuất mấy bay châu Âu Airbus cho biết "Brexit cứng" có thể là "thảm hoạ", đẩy việc sản xuất của hãng vào tình trạng hỗn loạn và đe doạ tới tương lai của nước Anh. Công ty này đang sản xuất cánh cho tất cả máy bay thương mại tại Anh với 15.000 nhân viên.
Anh đang có các thoả thuận hàng không quốc tế với EU, cho phép các chuyến bay vào và ra khỏi nước này. Nếu thoả thuận này vô hiệu, hàng nghìn chuyến bay ra, vào nước Anh sẽ bị ảnh hưởng.
Ngoài ra, nếu Anh không còn quyền tiếp cận hệ thống phòng thủ tên lửa của EU, nước này có thể gặp rắc rối với việc nhập khẩu linh kiện cho các lò phản ứng già nua của mình. Nước này cần phải nhanh chóng đàm phán một thoả thuận mới và thành lập một đội giám sát riêng để tuân thủ các quy định hạt nhân quốc tế.
Các ngân hàng cũng cho biết "Brexit cứng" có thể khiến nhiều sản phẩm tài chính bằng đồng Euro của họ gặp vấn đề về pháp lý, kéo Anh xuống khỏi vị trí trung tâm tài chính hàng đầu.
Các ngân hàng và nhiều công ty dịch vụ tài chính đã bắt đầu chuyển một phần hoạt động ra khỏi Anh nhằm bảo vệ hoạt động kinh doanh. Deutsche Bank tuần trước cũng cho biết đã chuyển phần lớn hoạt động thanh toán bằng Euro từ London sang Frankfurt (Đức).
Nhiều công ty dịch vụ tài chính tại Anh đã nộp đơn xin giấy phép tiếp tục hoạt động tại EU. Tuy nhiên, Cơ quan Quản lý Ngân hàng châu Âu cảnh báo rằng mọi sự chuẩn bị cho "Brexit cứng" đều không thể "trọn vẹn".
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.