Bác Hồ dùng thử máy cấy tại trại thí nghiệm lúa thuộc Sở Nông lâm Hà Nội, năm 1960. Ảnh Tư liệu |
Đại đoàn kết thì tương lai chắc chắn sẽ vẻ vang
Để xây dựng khối đoàn kết toàn dân vững mạnh, Người khuyên đồng bào vì lòng yêu nước thương nòi hãy xóa bỏ mọi bất hòa, thành kiến để cùng phấn đấu cho một tương lai tươi sáng. Trong thư gửi đồng bào Nam bộ, Người viết: “Năm ngón tay cũng có ngón ngắn, ngón dài. Nhưng ngắn dài đầu hợp lại nơi bàn tay. Trong mấy triệu con người cũng có người thế này thế khác nhưng thế này thế khác đều dòng dõi tổ tiên ta. Vậy nên ta phải khoan hồng đại độ, ta phải nhận ra rằng đã là con Lạc cháu Hồng thì ai cũng có ít hay nhiều lòng ái quốc..., có như thế mới thành đoàn kết, có đại đoàn kết thì tương lai chắc chắn sẽ vẻ vang”.
Nhận thấy nhân dân là lực lượng quyết định thắng lợi của cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đưa ra các hình thức tốt nhất để tổ chức lực lượng của nhân dân như thành lập các mặt trận: Việt Minh, Liên Việt, Dân tộc thống nhất, Tổ quốc Việt Nam... nhằm tập hợp các lực lượng cách mạng thành khối đoàn kết toàn dân tộc. Người chủ trương đoàn kết chặt chẽ các tầng lớp nhân dân thuộc các đảng phái, các đoàn thể trong Mặt trận Tổ quốc Việt Nam để giúp đỡ nhau phấn đấu hoàn thành sự nghiệp XHCN.
Người nêu ra bốn mục đích của mặt trận đoàn kết dân tộc là: hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ. Theo Người, muốn thống nhất phải có hòa bình, muốn độc lập thì phải có dân chủ. Bốn điểm đó như bầu trời có bốn phương Đông - Tây - Nam - Bắc, như một năm có bốn mùa Xuân - Hạ - Thu - Đông, không thể tách rời nhau. Cương lĩnh của mặt trận đoàn kết phải là ngọn cờ tập hợp các lực lược cách mạng, trong đó Đảng là người lãnh đạo mặt trận và là hạt nhân của khối đoàn kết toàn dân. Tư tưởng của các thành viên trong mặt trận phải đoàn kết với nhau chân thành, không đoàn kết ngoài miệng mà đoàn kết bằng việc làm, đoàn kết thực sự với thái độ thân ái giúp đỡ lẫn nhau, thật thà học tập những ưu điểm, thẳng thắn phê bình những khuyết điểm của nhau để cùng nhau tiến bộ.
Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định, nước ta là một quốc gia đa dân tộc, mỗi dân tộc mang bản sắc riêng nhưng đều nằm trong cộng đồng dân tộc Việt Nam. Vì vậy, Người kêu gọi đồng bào các dân tộc không phân biệt Kinh hay Thổ, Mường hay Mán..., phải thương yêu giúp đỡ lẫn nhau, phải đoàn kết chặt chẽ như anh em một nhà để cùng xây dựng Tổ quốc chung, xây dựng XHCN, làm cho tất cả các dân tộc được hạnh phúc.
Đại đoàn kết toàn dân là tư tưởng chủ đạo xuyên suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tư tưởng này mang ý nghĩa chiến lược, góp phần quan trọng trong mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam. Đoàn kết toàn dân trở thành một trong những quốc sách hàng đầu của Đảng và Nhà nước ta. Từ khi ra đời đến nay, chính sách này đã không ngừng được bổ sung và hoàn thiện cho phù hợp với sự vận động và phát triển của cách mạng Việt Nam nhằm phát huy tối đa sức mạnh của khối đoàn kết toàn dân. Nhờ đó mà chúng ta đã vượt qua bao khó khăn, chiến thắng mọi kẻ thù của dân tộc, vững vàng tiến bước ngay cả trong những thời điểm thế giới có những diễn biến phức tạp.
Về giá trị lý luận cũng như thực tiễn, đại đoàn kết toàn dân là một tư tưởng lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh mà mỗi người dân Việt Nam phải thấm nhuần sâu sắc và thực hiện một cách triệt để trong công cuộc xây dựng đất nước và bảo vệ chủ quyền quốc gia, dân tộc.
Trong bầu trời không gì quý bằng nhân dân
Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, “vô luận việc gì đều do người làm ra, từ nhỏ đến to, từ gần đến xa đều thế cả”. Người chỉ ra rằng: “Chúng ta phải ghi tạc vào đầu cái chân lý này: dân rất tốt. Lúc họ đã hiểu thì việc gì khó khăn mấy họ cũng làm được, hy sinh mấy họ cũng không sợ”. Theo Người, “nếu không có nhân dân thì Chính phủ không đủ lực lượng… Chúng ta phải yêu dân, kính dân thì dân mới yêu ta, kính ta”.
Bàn về chữ “Nhân”, Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng: “Nhân nghĩa là nhân dân. Trong bầu trời không gì quý bằng nhân dân. Trong thế giới không gì mạnh bằng lực lượng đoàn kết của nhân dân”. Bàn về chữ “Thiện”, Người cho rằng: “Thiện là tốt đẹp. Trong xã hội không gì tốt đẹp, vẻ vang bằng phục vụ cho lợi ích của nhân dân”.
Muốn thật sự tôn trọng nhân dân thì phải hiểu dân. Chính tài dân, sức dân, của dân, quyền dân, lòng dân, sự khôn khéo, hăng hái, anh hùng đã tạo nên “cái gốc” của dân. Kế thừa quan điểm Chủ nghĩa Mác Lênin, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định “cách mạng là sự nghiệp của quần chúng nhân dân”, mặt khác phải thấy rằng dân chúng tai mắt họ nhiều, việc gì họ cũng nghe, cũng thấy. “Dân chúng đồng lòng, việc gì cũng làm được. Dân chúng không ủng hộ, việc gì làm cũng không nên”.
Trong chế độ Dân chủ cộng hòa, dân là chủ, thì Chính phủ, Đảng, cán bộ từ Trung ương đến địa phương đều phải phụng sự nhân dân, là công bộc của dân, “sẵn sàng vui vẻ làm trâu ngựa, làm tôi tớ trung thành của nhân dân”. Từ chỗ đánh giá cao vai trò của dân, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh trách nhiệm của Đảng, Nhà nước trong việc phát huy quyền làm chủ của nhân dân, làm sao cho họ có năng lực làm chủ, biết hưởng, dùng quyền dân chủ, dám nói, dám làm. Dân chủ được Người giải thích ngắn gọn, súc tích là dân làm chủ và dân là chủ.
Hồ Chí Minh kiên trì xây dựng một nhà nước thật sự dân chủ - nhà nước của dân, do dân, vì dân. Mối quan tâm hàng đầu của Người là làm cho mọi người dân hiểu nhà nước mới, chế độ mới khác nhà nước cũ, chế độ cũ ở điều quan trọng nhất là giá trị dân chủ. Bởi vì, “dân chúng biết giải quyết nhiều vấn đề một cách giản đơn, mau chóng, đầy đủ mà những người tài giỏi, những đoàn thể to lớn nghĩ mãi không ra”. Muốn vậy thì phải chịu khó nghe dân, gặp dân, hiểu dân, học dân, hỏi dân. Học hỏi dân để lãnh đạo dân. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, “không học hỏi dân thì không lãnh đạo được dân. Có biết làm học trò dân mới làm được thầy học dân”.
Trước lúc đi xa, Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn quan tâm “đầu tiên là công việc đối với con người”. Người dặn trong Di chúc: “Đảng cần phải có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế và văn hóa, nhằm không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân”.
Xây dựng ý thức tôn trọng nhân dân, phát huy dân chủ, chăm lo đời sống nhân dân là nội dung cơ bản trong tư tưởng Hồ Chí Minh, tạo động lực to lớn cho công cuộc đổi mới, đồng thời là giải pháp quan trọng, cấp bách trong xây dựng Đảng, Nhà nước, hệ thống chính trị giai đoạn hiện nay
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.