Người đàn bà nghèo bỏ tiền sửa cầu cho dân làng

Xã hội 20/09/2015 10:00

Chứng kiến 2 người phụ nữ gặp nạn khi qua cây cầu không có lan can, bà Hoa bỏ 50 triệu đồng tích góp trong nhiều năm để sửa cầu cho dân làng.

1
Từ khi có lan can, cầu Bà Gần không còn xảy ra tai nạn

 Cầu Bà Gần bắc qua sông Trường Giang dài hơn 100 m là tuyến huyết mạch nối hai xã Bình Triều và Bình Đào, huyện Thăng Bình. Được xây dựng từ lâu nhưng cầu không có lan can. "Phần mặt cầu nhấp nhô, chạy xe máy qua đây rất dễ mất tay lái. Cầu cách mặt nước khá cao, đoạn sông chỗ này lại sâu và nước xoáy nên hầu như năm nào cũng có người té xuống sông chết đuối. Sau nhiều vụ tai nạn, phụ nữ và trẻ em buổi tối hầu như không dám đi qua đây", bà Hoa kể.Một ngày giữa tháng 9, trong ngôi nhà nhỏ ở thôn Hưng Mỹ, xã Bình Triều (Thăng Bình, Quảng Nam), bà Nguyễn Thị Hoa đang ngồi tính toán lại số tiền kiếm được từ việc cho thuê phòng trọ. Khoản tiền này ngoài để trang trải cuộc sống, phần còn lại bà dành dụm để làm từ thiện khi có dịp. Cách đây hơn 2 năm, người đàn bà sống đơn thân từng bỏ số tiền tích góp trong nhiều năm để sửa cầu cho dân làng. Vì thế, người dân vẫn gọi bà với cái tên “Người nối nhịp bờ vui”. 

Một ngày đầu năm 2013, bà Hoa chứng kiến 2 phụ nữ trên đường đi đám cưới về đã bị té xuống sông Trường Giang. “Lúc đó tôi đi phía sau, thấy xe của họ bị gió quật ngã, đẩy cả 2 người rơi xuống sông. Một người may mắn được cấp cứu kịp thời nên sống sót, người kia 3 ngày sau mới tìm thấy thi thể”, bà Hoa kể và cho hay do cầu được thiết kế cao, xung quanh lại không có cây cối, nhà cửa để che chắn nên người đi qua rất dễ bị gió tạt rơi xuống nước.

Sau lần đó, bà Hoa quyết định dùng hết số tiền tích góp để làm lan can cầu. Bà đến gặp trưởng thôn Hưng Mỹ xin phép sửa cầu cho dân làng nhưng không được. “Trưởng thôn bảo tuy cầu Bà Gần nối 2 xã nhưng vị trí cây cầu nằm ở địa phận xã Bình Đào, tôi là người dân xã Bình Triều, nên không cần có trách nhiệm làm chuyện đó. Muốn làm từ thiện thì phải làm những cây cầu, trường học trên xã mình”, bà Hoa thuật lại. Không từ bỏ ý định, bà Hoa lên UBND xã Bình Triều để xin phép, nhưng cán bộ xã bảo không có thẩm quyền quyết định.

“Cấp thôn và xã không được, tôi chạy lên gặp chủ tịch huyện và được vị này cho phép, đồng thời giới thiệu xuống Phòng Kinh tế - Hạ tầng của huyện để làm bản vẽ thi công”, bà Hoa kể. Huyện Thăng Bình sau đó bàn giao số tiền của bà cho xã Bình Triều mua vật liệu, thuê người sửa cầu.

2
Sống một mình, thu nhập từ tiền cho thuê phòng trọ không đáng là bao, nhưng bà Hoa vẫn tích cóp để làm từ thiện.

 “Tôi dựng căn nhà nhỏ rồi tách ra 3 phòng cho thuê nghỉ trọ, tuy nhiên ở quê khách đến thuê cũng ít nên thu nhập chả đáng là bao. Cũng may 3 người con đã có công việc ổn định ở TP HCM, sống một mình nên dư ra bao nhiêu tôi làm từ thiện bấy nhiêu”, bà Hoa cho hay. Số tiền tích góp đó, hàng năm bà trao cho các học sinh nghèo trong xã rồi các gia đình có hoàn cảnh khó khăn.Chia sẻ về hoàn cảnh của mình, bà Hoa cho hay vốn sinh ở xã Bình Triều nhưng nhà nghèo, 18 tuổi bà vào TP HCM làm thuê rồi lập gia đình trong đó. Cách đây 10 năm, bà ly hôn. Sợ người chồng vũ phu thường xuyên đến gây gổ, bà trở về quê xin mảnh đất của người thân làm nhà.

“Không những bỏ tiền sửa cầu, bà Hoa sau đó còn mua đồ, làm lễ cầu siêu cho những người gặp nạn ở đây. Trong suốt nhiều năm không biết có bao nhiêu người thiệt mạng trên cây cầu này, chỉ biết từ khi có lan can tới nay, không còn xảy ra vụ tai nạn nào nữa”, ông Hoàng Long (50 tuổi), một người dân xã Bình Triều, nói.

Ghi nhận tấm lòng của nhiều người dân khi tự bỏ tiền làm và sửa cầu, một cán bộ Sở Giao thông Vận tải tỉnh Quảng Nam, cho hay chưa kể các trường hợp cầu xuống cấp, toàn tỉnh hiện nay còn có hàng trăm điểm phải qua lại bằng đò rất nguy hiểm. “Tỉnh nghèo không có kinh phí để làm hết được, nên rất hoan nghênh tinh thần của người dân. Hiện Bộ Giao thông chỉ có dự án làm cầu treo dân sinh ở miền núi chứ đồng bằng sông quá rộng, kinh phí lớn nên chính quyền lo không xuể”, vị này nói….

 

Ý kiến của bạn

Bình luận