Liên quan đến định hướng năm 2025 Hà Nội sẽ dừng hoạt động xe máy cá nhân khu vực nội đô, các chuyên gia nhận định không cấm xe máy thì không bao giờ hết ùn tắc và cho rằng đây là đề xuất đúng với định hướng các đô thị phát triển trên thế giới.
Không cấm xe máy thì không bao giờ hết ùn tắc giao thông
Mới đây, tại hội nghị lần thứ 5 Ban chấp hành đảng bộ Hà Nội, đã đề xuất phương án hạn chế phương tiện cá nhân có lộ trình cụ thể, hướng tới mục tiêu phát triển đồng bộ, hiện đại hóa kết cấu hạ tầng đô thị. Việc hạn chế phương tiện cá nhân để giảm ùn tắc giao thông được Hà Nội đặt ra nhiều năm qua. HĐND thành phố đã 2 lần thông qua nghị quyết chương trình mục tiêu giảm ùn tắc giao thông, trong đó có hạn chế phương tiện cá nhân.
Theo đó, Hà Nội định hướng đến 2025 sẽ dừng hoạt động xe máy cá nhân trong nội đô. Ngay lập tức, thông tin này nhận được sự quan tâm đặc biệt từ dư luận, từ các nhà quản lý, nhà khoa học, đặc biệt là người dân thủ đô.
Trước vấn đề trên, trao đổi với chúng tôi, TS. Nguyễn Văn Lạng, Chủ tịch Hội thông tin Khoa học và Công nghệ Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, người hết sức tâm huyết với việc giải quyết vấn nạn ùn tắc giao thông và những vấn đề nhức nhối của Thủ đô cho biết, trước đó, ông cũng đã nhiều lần làm đề xuất các giải pháp để giải quyết các vấn đề nhức nhối của Hà Nội. Mới đây, hồi tháng 2/2016, ông từng gửi thư lên lãnh đạo Thành phố Hà Nội để đưa ra các ý kiến nhằm cải thiện môi trường và giao thông của Thủ đô.
Về thông tin Hà Nội lên kế hoạch cấm xe máy cá nhân trong nội đô, ông cho biết: "Bước đầu chắc chắn sẽ có phản đối, nhưng quyết liệt thực hiện thì dần mọi người sẽ thay đổi tư duy và nếp nghĩ".
Phản ứng ngược của việc cấm xe máy cá nhân của ông Lạng hoàn toàn có căn cứ. Bởi lẽ, theo số liệu Phòng cảnh sát giao thông, Công an Hà Nội công bố cuối năm 2015, 8 tháng đầu năm 2015, Hà Nội có 183.000 phương tiện đăng ký mới (hơn 39.000 ôtô, 143.000 môtô), nâng tổng số xe tại thủ đô lên 5,5 triệu (gần 535.000 ôtô và hơn 4,9 triệu môtô), chưa kể nhiều xe mang biển ngoại tỉnh vẫn hoạt động. Bình quân hàng tháng, Hà Nội có 18.000 - 22.000 xe máy và 6.000 - 8.000 ôtô đăng ký mới. Với tốc độ này, đến 2020, Hà Nội sẽ có gần 1 triệu ôtô, chưa kể ôtô của các lực lượng vũ trang, các tỉnh vào thủ đô và 7 triệu xe máy.
Để giải quyết triệt để vấn nạn tắc đường ở Hà Nội, ông Lạng ủng hộ hướng đi của lãnh đạo thành phố, đó cũng là những ý kiến ông đã từng đề xuất. Theo ông Lạng, việc cấm xe máy ở Hà Nội là cần thiết, song việc quan trọng hơn là phải xây dựng lộ trình cụ thể, tìm kiếm và triển khai phương tiện thay thế kịp thời và đủ đáp ứng được nhu cầu của người dân để tránh xáo trộn cuộc sống, công việc nhân dân.
Trở lại với phương án cấm xe máy trong nội đô của TP Hà Nội, ông Lạng khẳng định: "Hà Nội và TP.HCM nếu người dân vẫn cứ chạy xe máy thì không bao giờ giải quyết được bài toán ùn tắc giao thông. Việc để xe máy lưu thông trong nội thành là một sai lầm và sai lầm đó đã dẫn đến hệ lụy khó giải quyết là vấn nạn ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường như hiện tại".
Người dân nên bỏ thói quen 100m cũng mang xe máy ra để đi
Đồng quan điểm với TS. Nguyễn Văn Lạng, ông Bùi Danh Liên, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội cho rằng, vấn đề ùn tắc giao thông ở thành phố lớn được nêu ra rất nhiều lần và cũng đã đề xuất nhiều giải pháp nhưng các giải pháp nêu ra không được thực hiện.
Ông Bùi Danh Liên, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội cho rằng, giải pháp hạn chế xe cá nhân rất khả thi.
Bản thân ông cho rằng, giải pháp lần này rất khả thi. "Đây là đề xuất đúng với định hướng các đô thị phát triển trên thế giới. Ở Nhật, Hàn Quốc… cách đây 30 năm xe máy, phương tiện cá nhân nhiều như Việt Nam. Nhưng họ bắt đầu đặt ra lộ trình đi theo đúng hướng đến ngày nay giải quyết được tình trạng này. Như ở Châu Âu thì thấy rõ người đi bộ nhiều hơn người đi xe cơ giới", ông Liên cho hay.
Theo ông Liên, tác phong công nghiệp hình thành từ cơ sở xã hội, cơ sở kinh tế và cơ sở hạ tầng, lúc đó, người dân đi nhanh để đến tàu điện ngầm, đến các điểm công cộng để di chuyển.
"Điều kiện hạ tầng của các nước tiên tiến thì 700m có cửa lên xuống tàu điện như thế còn sướng hơn đi dưới đường trong cảnh tắc đường, nắng nóng… Việc di chuyển như thế có những nước nhà nước bù tiền, có nước thì có kinh doanh nhưng rất phù hợp với túi tiền, thu nhập người dân. Vì thế việc hạn chế xe cá nhân phải có lộ trình phù hợp với phát triển kinh tế, xã hội chứ không nhảy cóc được", ông Liên nhấn mạnh.
Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội cho rằng, nếu muốn hạn chế phương tiện cá nhân phải có phương tiện thay thế cho người dân đi làm. Nếu cứ phát triển phương tiện cá nhân như hiện nay thì đến người dân cũng không muốn di chuyển xe khác, lúc đó ra đường phố chỉ là cảnh ùn tắc, khói bụi, ô nhiễm… Có phương tiện thay thế thì lúc đó họ sẽ dần bỏ phương tiện cá nhân vừa an toàn, vừa sạch sẽ…
"Như vậy quyết định của UBND TP Hà Nội có lộ trình gần 10 năm thì đó là thời gian thích hợp bởi vì theo dự báo tăng trưởng kinh tế thì chúng ta đến năm 2025 và 2030 sẽ khá hơn nhiều, lúc đó có điều kiện đầu tư hạ tầng. Trước đây 2012 từng có đề án giảm xe cá nhân nhưng không có lộ trình cụ thể không thực hiện được. Việc đề ra phương án như lần này rất hợp lý, có thời gian để người dân suy nghĩ, các tổ chức chính trị xã hội, các chuyên gia nghiên cứu trong 10 năm rồi đi đến quyết định cuối cùng chứ không áp người dân bỏ phương tiện cá nhân ngay trong ngày một ngày hai được", ông Liên nói.
Ông Liên cũng cho biết, theo thông tin ông nắm được thì từ nay đến năm 2017 Hà Nội sẽ có 7 tuyến tàu điện ngầm nội đô, hiện đang làm 1, 2 tuyến. Tổng số km hơn 300km được bố trí hợp lý.
Về việc ngõ ngách ở Hà Nội nhiều khó bỏ được, thì ông Liên cho rằng hiện tại nhiều khi đi 100m nhiều người vẫn bỏ xe máy ra đi nhưng ở các nước việc đi bộ cả 700m là thói quen đó và nếp sống của họ. Khi phát triển giao thông công cộng như trên mạng lưới xe buýt, mạng lưới giao thông sẽ kết nối khu công nghiệp, các đô thị với nhau sẽ rất thuận tiện.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.