Không giống như hàng triệu hành khách đến sân bay để trở về nhà sau một chuyến đi dài hay đi du lịch, tất cả những gì Hassan có thể làm hiện giờ là ngồi nhìn và chờ đợi. Ảnh: News. |
Hassan Al Kontar, 36 tuổi, quốc tịch Syria, sống ở sân bay quốc tế Kuala Lumpur, Malaysia hơn 60 ngày. Suốt thời gian đó, sân bay này đã trở thành nhà của anh, News đưa tin ngày 10/5.
Trong một video đăng lên mạng, Hassan cho biết anh hạ cánh xuống sân bay Malaysia vào đầu tháng 3. Ban đầu, anh định sẽ bay tiếp từ đây sang Ecuador với hy vọng sẽ được nhập cảnh mà không cần thị thực. Tuy nhiên, hãng hàng không tới quốc gia Nam Mỹ này đã từ chối không cho anh lên, dù có vé, theo SCMP.
Sau đó, Hassan đã cố gắng tới Campuchia nhưng lại bị từ chối nhập cảnh. Anh bị gửi trả về Kuala Lumpur vào ngày 7/3 và bị kẹt đến giờ.
Tại Syria, Hassan làm nghề marketing. Năm 2011, Hassan tới UAE làm việc và sau đó bị gọi về Syria nhập ngũ. Tuy nhiên, anh từ chối việc gia nhập quân đội vì không muốn giết người và cũng không muốn bị giết. Điều này khiến Đại sứ quán Syria ở UAE từ chối cấp hộ chiếu mới cho Hassan, sau khi hộ chiếu cũ hết hạn.
Không có hộ chiếu, Hassan không thể tiếp tục làm việc hợp pháp ở UAE. Anh chàng sống chui lủi ở đây suốt 6 năm cho đến khi bị chính quyền bắt và gửi tới Malaysia với tờ giấy phép làm việc trong 3 tháng.
Hiện tại, anh dành phần lớn thời gian của mình ở nhà ga T2. Hàng ngày, anh ngủ dưới gầm cầu thang và tranh thủ tắm ở phòng vệ sinh công cộng lúc nửa đêm, khi có ít du khách. Anh cũng thường xuyên cập nhật tình hình của mình trên Twitter để mong chờ sự giúp đỡ từ các tổ chức bên ngoài.
Hassan sống dựa vào sự trợ cấp từ các nhân viên sân bay. Bữa ăn duy nhất mà anh được cung cấp là cơm với gà - một món ăn truyền thống của Malaysia, do một hãng hàng không hỗ trợ.
Dù tiền tiết kiệm của Hassan không còn nhiều, thỉnh thoảng anh vẫn tự thưởng cho mình một bữa trưa ngon lành ở cửa hàng đồ ăn nhanh hay mua một cốc cà phê.
Hai tháng sống ở sân bay, Hassan đã trải qua các cung bậc cảm xúc: hy vọng, sợ hãi, thất vọng, tuyệt vọng rồi lại hy vọng. "Tôi chỉ biết đếm ngày khi ở đây, và sống một cuộc sống trong vô vọng". Hassan cũng cho biết anh ghét nghe âm thanh báo hiệu trên hệ thống loa của sân bay khi phải nghe nó bất kỳ lúc nào, ngày qua ngày.
Gần đây, Hassan cho biết tình hình của anh có khởi sắc hơn đôi chút. Liên Hợp Quốc đã liên lạc với Hassan và hứa hẹn sẽ nói chuyện với chính quyền Malaysia về trường hợp của anh. Một nhóm công dân ở Whistler, Canada cũng hứa sẽ hỗ trợ Hassan công việc và chỗ ở trên đất Canada nếu anh được đưa tới đây. Họ cũng gửi đơn yêu cầu đến Bộ Di trú Canada để đồng ý cho Hassan tới tị nạn.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.